Bảo vệ thắng lợi vụ thu đông 2022

29/09/2022 - 07:40

Bên cạnh mực nước lũ lớn hơn cùng kỳ 2021, vụ thu đông 2022 còn đối diện với tình hình mưa bão, giông, lốc bất thường. Nông dân cần thường xuyên thăm đồng, theo dõi diễn biến thời tiết và thực hiện tốt khuyến cáo của ngành chức năng, chính quyền địa phương nhằm bảo vệ an toàn vụ sản xuất quan trọng này.

Lưu ý sâu bệnh

Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (TT&BVTV) An Giang cho biết, đến nay, toàn tỉnh đã xuống giống dứt điểm vụ thu đông 2022 với diện tích 152.900ha (đạt 98,85% kế hoạch xuống giống). Tiến độ xuống giống nhanh hơn so với cùng kỳ 2021. Lúa thu đông chủ yếu ở giai đoạn mạ đến đẻ nhánh.

Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, thời tiết hiện nay có mây thay đổi, có thể nắng nóng vài nơi, xen kẽ mưa, trời se lạnh về đêm. Chi cục trưởng Chi cục TT&BVTV An Giang Nguyễn Văn Hiền khuyến nghị nông dân thường xuyên thăm đồng, chú ý bón phân đúng thời điểm và nhu cầu của cây lúa, phát hiện sớm dịch hại và có biện pháp phòng trị hiệu quả. “Bà con nên áp dụng các biện pháp tiến bộ khoa học như “1 phải, 5 giảm” ngay từ đầu vụ để giảm chi phí sản xuất, không bón thừa phân đạm” - ông Hiền lưu ý.

Dự báo, ở giai đoạn lúa mạ đến đẻ nhánh của vụ thu đông 2022, bệnh đạo ôn lá và chuột sẽ tiếp tục gây hại, nông dân cần chú ý theo dõi để áp dụng các biện pháp xử lý phù hợp. Đối với chuột hại lúa, bà con nên dùng bẫy chuột, các loại mồi  diệt chuột được phép sử dụng tại Việt Nam, tuyệt đối không sử dụng xuyệt điện vì gây nguy hiểm cho người xung quanh. Do có nắng nóng cục bộ, bù lạch có thể phát triển gây hại, bà con chú ý không để ruộng lúa quá khô.

Nhằm đảm bảo đầu ra cho cây lúa trước khi thu hoạch, bà con nông dân, hợp tác xã có nhu cầu liên kết với doanh nghiệp tiêu thụ lúa, có thể liên hệ với các địa chỉ sau: Công ty Cổ phần (CP) Tập đoàn Lộc Trời (số điện thoại 0988.662.399), chuyên thu mua các giống OM5451, OM18, IR50404, OM5451, OM6976, nếp...; Công ty TNHH Lương thực Tấn Vương (số điện thoại 0372.241.017), mua các giống Đài Thơm 8, OM6976, ST24, ST25; Công ty CP Gavi (số điện thoại 0916.527.768), mua các giống nếp, OM5451, Đài Thơm 8; Công ty CP Tập đoàn Tân Long (số điện thoại 0978.274.742), Công ty CP Xuất nhập khẩu An Giang (số điện thoại 0866.060.589), thường mua các giống OM5451, Đài Thơm 8, OM18, IR50404...

Đối với nhu cầu tiêu thụ cây ăn trái, nhà vườn có thể liên hệ Công ty CP Nafoods Group (số điện thoại 0946.827.022, anh Thiện); Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu (số điện thoại 0937.773.996, chị Vy); Công ty TNHH sản xuất chế biến nông sản Cát Tường (số điện thoại 0931770200, chị Linh); Công ty TNHH Nông nghiệp Hoàng Phan (số điện thoại 09111.999.72, anh Sơn)...

Ứng phó thời tiết

Theo dự báo của cơ quan khí tượng thủy văn, mực nước lũ năm nay cao hơn cùng kỳ 2021, mùa mưa kết thúc muộn, thời điểm cuối năm còn chịu nhiều tác động của các cơn bão, áp thấp nhiệt đới vào Biển Đông, ảnh hưởng đến đất liền nước ta. Điển hình nhất là siêu bão Noru (bão số 4) đang đi vào miền Trung với sức gió rất mạnh. Hoàn lưu của siêu bão này sẽ gây mưa giông, ngập úng cho khu vực Nam Bộ, trong đó các vùng sản xuất vụ thu đông 2022 của An Giang. Trong cơn giông cần đề phòng lốc, sét, mưa lớn cục bộ và gió giật mạnh... Đây cũng là những hiện tượng thời tiết dễ xảy ra từ nay đến cuối năm, trong giai đoạn sản xuất, thu hoạch vụ thu đông 2022.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Sĩ Lâm (Phó Trưởng ban Chỉ huy Ứng phó Biến đổi khí hậu - Phòng, chống thiên tai và Phòng thủ dân sự tỉnh) cho biết, Ban Chỉ huy tỉnh đã đề nghị các thành viên Ban Chỉ huy (người đứng đầu các sở, ngành), UBND các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan liên quan thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin, diễn biến của mưa, bão, thủy văn nhằm kịp thời cảnh báo, chủ động có biện pháp ứng phó hiệu quả, đảm bảo sản xuất và sinh hoạt của người dân. Các ngành, địa phương tổ chức kiểm tra và xử lý các biển hiệu, pa-nô, quảng cáo, các biển báo không đảm bảo an toàn theo quy định để tránh đổ ngã, gây ảnh hưởng đến an toàn của người dân.

Đối với các đơn vị quản lý thủy lợi, được yêu cầu tổ chức vận hành đóng, mở hệ thống cống hợp lý để bảo vệ sản xuất; chủ động sẵn sàng các trạm bơm tiêu chống úng khi có mưa lớn kéo dài, hạn chế thấp nhất thiệt hại vụ thu đông do ngập úng. Các ngành, địa phương kiểm tra, rà soát, sẵn sàng triển khai các phương án ứng phó, đảm bảo an toàn cho hệ thống đê điều, hồ đập, các khu vực xung yếu sạt lở bờ sông, các khu vực có nguy cơ sạt lở đất núi, các công trình đang thi công, chống ngập đô thị do ảnh hưởng của nước dâng, triều cường khi có mưa lớn xảy ra. Đồng thời, có kế hoạch bố trí lực lượng xung kích cấp xã ở các vị trí xung yếu, chuẩn bị vật tư và phương tiện để ứng phó theo phương châm “4 tại chỗ”.

Để biết thêm thông tin về dịch bệnh, tình hình sản xuất, tiêu thụ, nông dân có thể liên hệ với Trạm TT&BVTV các huyện, thị xã, thành phố hoặc Chi cục TT&BVTV An Giang qua các số điện thoại: 02963.854698 (Phòng BVTV); 0918.626.796 (Chi cục trưởng Nguyễn Văn Hiền); 0908.500.051 (Phó Chi cục trưởng Đặng Thanh Phong) để được hướng dẫn cụ thể.

 

NGÔ CHUẨN