Bệnh cúm mùa và các biện pháp phòng cúm

11/09/2024 - 07:45

 - Bệnh cúm mùa là bệnh truyền nhiễm cấp tính với biểu hiện sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, sổ mũi, đau họng và ho. Tác nhân gây bệnh chủ yếu do các chủng virus cúm A(H3N2), cúm A(H1N1), cúm B và cúm C. Bệnh có khả năng lây nhiễm rất cao qua đường hô hấp, qua các giọt nhỏ nước bọt hay dịch tiết mũi họng do hắt hơi, ho khạc. Thông thường bệnh diễn biến nhẹ và hồi phục trong vòng 2 - 7 ngày, nhưng đối với trẻ em, người lớn tuổi, đặc biệt là người có bệnh mãn tính về tim phổi, thận, bệnh chuyển hóa, thiếu máu hoặc suy giảm miễn dịch... thì bệnh có thể diễn biến nặng hơn, dễ bị biến chứng và có thể dẫn đến tử vong.

Cúm mùa thường lưu hành quanh năm nhưng tập trung chủ yếu vào mùa đông – xuân. Thời tiết lạnh ẩm là thời điểm virus cúm mùa phát triển mạnh và lây lan nhanh. Tại Việt Nam, đỉnh điểm của mùa cúm có thể rơi vào tháng 3 - 4 hoặc 9 - 10 hàng năm và thường tạm lắng vào mùa hè. Bên cạnh đó, khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa, thời tiết thay đổi thất thường kèm với ô nhiễm môi trường, nhu cầu đi lại ngày càng gia tăng cũng tạo điều kiện thuận lợi cho virus cúm mùa phát triển và lan truyền.

Khi mắc cúm thường xuất hiện các triệu chứng:

- Sốt cao trên 380C kéo dài khoảng 1 - 2 ngày đối với những trường hợp nặng có thể sốt trên 400C (thường gặp ở trẻ em).

- Ớn lạnh.

- Hắt hơi, sổ mũi hoặc nghẹt mũi, ho.

- Đau họng.

- Đau đầu, mệt mỏi, đau nhức các khớp, cơ.

- Dạ dày thường có cảm giác khó chịu, chán ăn.

- Một số người xuất hiện những triệu chứng nặng, như: Buồn nôn, đau bụng, tiêu chảy.

- Nặng hơn nữa sẽ có triệu chứng khó thở, viêm phổi.

Hiện nay, đang là thời điểm giao mùa, thuận lợi cho virus cúm phát triển mạnh và lây lan nhanh. Để chủ động phòng, chống bệnh cúm mùa, người dân nên thực hiện tốt các nội dung sau:

- Đảm bảo vệ sinh cá nhân, che miệng khi hắt hơi, thường xuyên rửa tay với xà bông và nước sạch, vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối.

- Giữ ấm cơ thể, ăn uống đủ chất dinh dưỡng để nâng cao thể trạng.

- Tiêm vaccine cúm mùa để tăng cường miễn dịch phòng, chống cúm.

- Hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết; sử dụng khẩu trang y tế khi cần thiết.

- Người dân không tự ý mua thuốc và sử dụng thuốc kháng virus (như thuốc Tamiflu) mà cần phải theo hướng dẫn và có chỉ định của bác sĩ.

 - Khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi, cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được khám, xử trí kịp thời.

HÀ DUY LỘC

(Trung tâm Y tế huyện Châu Phú)