Chú trọng phát triển cây ăn quả
Hiện xã Yang Trung có 4 thôn, làng với 467 hộ, 2.572 khẩu (51,8% là người dân tộc thiểu số). Năm 2017, huyện Kông Chro quyết định chọn Yang Trung làm xã điểm trong việc triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM. Mục tiêu đề ra là đến năm 2020, Yang Trung sẽ là xã đầu tiên của huyện được công nhận đạt chuẩn NTM. Thế nhưng, thời điểm ấy xã chỉ mới đạt 7/19 tiêu chí về xây dựng NTM.
Khó khăn hơn, Yang Trung còn là xã nghèo của huyện nghèo, tỷ lệ hộ nghèo cao. Tuy nhiên, với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị cùng người dân địa phương, cuối năm 2020 xã Yang Trung đã đạt 19/19 tiêu chí NTM.
Nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vùng đất cằn Yang Trung đã “bén duyên” với các loại cây ăn quả, giúp nông dân có của ăn của để. Ảnh: T.H
"Trên địa bàn xã hiện có nhiều dự án của các công ty phong điện đầu tư, xây dựng. Các dự án này đã giải quyết được hơn 80% nhu cầu việc làm của người dân trong xã, góp phần nâng cao thu nhập, nhất là cho đồng bào dân tộc thiểu số" - Ông Đặng Thế Quyền - Chủ tịch UBND xã Yang Trung.
Ông Đặng Thế Quyền - Chủ tịch UBND xã Yang Trung cho biết: "Địa phương bắt tay xây dựng NTM từ năm 2011. Đến năm 2017, khi huyện chọn làm xã điểm NTM, chúng tôi vừa mừng, vừa lo. Ngay từ những ngày đầu tiên bắt tay xây dựng xã điểm NTM của huyện, chúng tôi đã xác định phát triển kinh tế là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong xây dựng NTM. Song song với bảo đảm an sinh xã hội, chúng tôi đặc biệt quan tâm đến việc phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân. Cụ thể, xã đã vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để nâng cao thu nhập".
Chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở huyện nghèo nhận được sự ủng hộ tích cực của người dân. Vì vậy, chỉ trong một thời gian ngắn, Yang Trung trở thành xã có diện tích cây ăn quả lớn nhất huyện.
Một trong những hộ giàu lên từ mô hình trồng cây ăn quả đó là ông Nguyễn Văn Lợ (thôn 9, xã Yang Trung). Theo đó, ông Lợ khởi nghiệp chỉ với 50 cây thanh long ruột đỏ trên vùng đất cằn. Nhưng đến nay vườn thanh long của lão nông Nguyễn Văn Lợ đã tăng lên 2.000 cây, cho thu nhập 600 triệu đồng/năm. Đó là chưa kể nguồn thu hơn 100 triệu từ 6 sào na mỗi năm và tương lai không xa với 500 cây quýt đường.
Xã nghèo thành xã NTM
Không chỉ thanh long, các loại hoa quả như na cũng rất thích nghi với vùng đất này. Ảnh: P.V
Ngoài việc chuyển đổi sang trồng cây ăn quả lâu năm thì bà con còn trồng rừng và xen canh nhiều loại cây nông nghiệp. Theo số liệu từ UBND xã Yang Trung, cuối năm 2020 thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 41,6 triệu đồng, tăng 29,6 triệu đồng so với năm 2015; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 22,55% xuống còn 4,15%.
Để xã điểm NTM được khang trang, sạch đẹp hơn, người dân xã nghèo đã sẵn sàng đóng góp gần 3 tỷ đồng để xây dựng NTM. Trong đó, số tiền người dân đóng góp nhiều nhất là cho việc xây dựng các tuyến đường giao thông.
Với sự đồng thuận từ người dân và sự quyết tâm của chính quyền, Yang Trung hôm nay đã có một diện mạo mới với những con đường giao thông bê tông phẳng lỳ, khang trang. Nhiều tuyến đường được lắp hệ thống điện chiếu sáng, thuận lợi cho việc đi lại của người dân lúc ban đêm, góp phần đảm bảo an ninh nông thôn. Đến nay, tỷ lệ cứng hóa, bê tông hóa đường giao thông tại các thôn làng đã đạt từ 50 -100%. Đặc biệt, bên cạnh số tiền 3 tỷ đồng xây dựng NTM, người dân còn tự nguyện hiến hơn 30.612m2 đất, đóng góp 550 ngày công và 380 triệu đồng để làm đường giao thông nông thôn. Anh Đinh Hrêc-Trưởng thôn Tnang phấn khởi nói: "Nhờ xây dựng NTM mà bộ mặt các thôn, làng ngày càng khang trang, sạch đẹp. Dân làng cũng chăm chỉ làm ăn hơn nên đời sống ngày càng khấm khá".
Dù đã "cán đích" NTM nhưng xã Yang Trung đã xác định một số tiêu chí, đặc biệt là tiêu chí về thu nhập cần được nâng cao trong thời gian tới. Theo đó, xã đang tập trung phát triển kinh tế, phấn đấu thu nhập đạt hơn 42 triệu đồng/người trong năm 2021.
Để nâng cao tiêu chí đặc biệt quan trọng trên, song song với việc đảm bảo đời sống xã hội, xã tiếp tục triển khai các mô hình trồng cây ăn quả và sản xuất nông nghiệp, đồng thời sẽ kết hợp nhiều loại cây trồng, vật nuôi để ưu tiên phát triển thành sản phẩm chủ lực của xã, giúp người dân nâng cao thu nhập.
Theo TRẦN HIỀN (Dân Việt)