Bình ổn thị trường cuối năm 2024 và Tết Nguyên đán 2025

10/12/2024 - 07:38

 - Để bình ổn thị trường hàng hóa dịp cuối năm 2024, Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025 và làm tiền đề để thực hiện các mục tiêu kinh tế vĩ mô năm 2025, Sở Công Thương có các phương án cung ứng hàng hóa và xử lý các biến động bất thường của thị trường, để bảo đảm cân đối cung - cầu.

Thực hiện kích cầu tiêu dùng dịp cuối năm

Bảo đảm cân đối cung - cầu

Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Minh Hùng cho biết: Toàn tỉnh có 30 doanh nghiệp (DN) đăng ký tham gia bình ổn thị trường cuối năm 2024 và Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025, tăng 50% so số lượng DN đăng ký tham gia bình ổn thị trường Tết năm 2024. Các hoạt động bình ổn diễn ra từ ngày 1/12/2024 đến hết ngày 20/2/2025. Trong đó, 12 DN đăng ký tham gia thuộc nhóm hàng lương thực, thực phẩm; 18 DN đăng ký tham gia thuộc nhóm hàng xăng, dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng. Đồng thời, có sự tham gia bình ổn thị trường Tết năm 2025 của 401 cửa hàng, với 114 cửa hàng bán lương thực, thực phẩm và 287 cửa hàng bán xăng, dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng.

Tổng số tiền dự trữ hàng hóa Tết năm nay đạt trên 1.851 tỷ đồng, tăng trên 69% so kết quả năm 2024. Lượng hàng bình ổn thị trường nhóm lương thực, thực phẩm, bách hóa tiêu dùng, hóa mỹ phẩm… hơn 727 tỷ đồng, tăng trên 52% so kết quả 2024. Lượng hàng xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng đạt 1.124 tỷ đồng, tăng trên 83% so kết quả năm 2024. Hàng bình ổn thị trường tập trung vào nhóm mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, như: Gạo, thịt heo, thịt gà, vịt, trứng gia cầm, rau, củ, quả, thủy hải sản tươi, đông lạnh, bánh, mứt, kẹo, rượu, bia, nước giải khát... Nhóm hàng xăng, dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng, dầu diezel, khí dầu mỏ hóa lỏng (gas).

Ông Hồng Phong, Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty TNHH MTV Xăng dầu An Giang cho biết, với vai trò là đơn vị đầu mối kinh doanh xăng dầu chủ đạo của Nhà nước, năm nay, Xăng dầu An Giang tiếp tục tham gia bình ổn thị trường, đảm bảo nguồn xăng dầu phục vụ nhu cầu xã hội, an ninh năng lượng của tỉnh, tạo nguồn cung ổn định, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng cục bộ.

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Sĩ Lâm, ngành dự báo nguồn cung thịt gia súc, gia cầm và trứng gia cầm trên địa bàn tỉnh, để kịp thời chủ động nguồn hàng tại chỗ. Đồng thời, theo dõi tình hình sản xuất, diễn biến thời tiết, dịch bệnh, phối hợp Sở Công Thương đánh giá năng lực sản xuất, nguồn cung ứng các mặt hàng nông sản, thực phẩm thiết yếu cho thị trường dịp cuối năm 2024 và Tết Nguyên đán năm 2025.

Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội DN An Giang Nguyễn Thị Kim Chi cho biết, đơn vị đã đề nghị các DN thành viên duy trì sản xuất - kinh doanh (SXKD), chủ động, linh hoạt, tổ chức tốt lưu thông hàng hóa, bảo đảm cung ứng kịp thời và đầy đủ nguồn hàng cho thị trường. Phối hợp Sở Công Thương và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh An Giang hỗ trợ kết nối ngân hàng thương mại với DN có nhu cầu vay vốn để bình ổn thị trường. “Với sự quản lý chặt chẽ của Nhà nước, cam kết không ghim hàng, tăng giá bất thường của các DN, người tiêu dùng chúng tôi yên tâm mua sắm trong các ngày giáp Tết” - bà Nguyễn Thị Thủy (phường Bình Khánh, TP. Long Xuyên) bày tỏ.

Kiểm tra, kiểm soát thị trường

Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Minh Hùng cho biết, tùy theo tình hình thực tế từng địa phương, hàng hóa sẽ được điều tiết từ các siêu thị/cửa hàng tiện ích trong cùng hệ thống đến nơi thiếu hàng cục bộ hoặc vận chuyển hàng hóa từ các kho tổng của hệ thống siêu thị/cửa hàng tiện ích về phân bổ cho phù hợp. Sở Công Thương còn phối hợp thực hiện kích cầu tiêu dùng dịp cuối năm để phục vụ Tết, như: Tổ chức Ngày hội hàng Việt về nông thôn - Sản phẩm OCOP tại 2 huyện Chợ Mới và Phú Tân; Hội chợ sản phẩm OCOP - Đặc sản vùng miền Tịnh Biên năm 2024, kết nối mua sắm và ẩm thực hàng Việt Nam - Thái Lan; tuần lễ khuyến mại mua sắm online; phiên chợ quảng bá sản phẩm OCOP đến vùng biên giới, vùng sâu, vùng xa... “Đây là hoạt động thường niên của siêu thị phối hợp UBMTTQVN tỉnh, Sở Công Thương, các địa phương đưa hàng Việt về nông thôn, quảng bá sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc sản, kích cầu tiêu dùng” - Giám đốc siêu thị Tứ Sơn Tạ Minh Sơn chia sẻ.

 Để kích cầu tiêu dùng, Sở Công Thương phối hợp các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích, DN, cơ sở SXKD hưởng ứng chương trình khuyến mại tập trung quốc gia - Grand Sale 2024. Tích cực hỗ trợ DN tham gia các hoạt động cung cầu, giao thương, kết nối tiêu thụ thực phẩm với các cơ sở kinh doanh, phân phối. Tập trung theo dõi sát diễn biến thị trường, cung cầu hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu mua sắm Tết. Giám sát chặt chẽ việc cung ứng đủ điện, nước phục vụ SXKD và sinh hoạt của Nhân dân trong dịp tết. Sắp xếp, bố trí khu vực bán hàng phục vụ Tết, chợ hoa Xuân…, đảm bảo văn minh thương mại. Tuyên truyền, thông tin đầy đủ và kịp thời về thị trường, giá cả, các hoạt động bình ổn thị trường; nhận diện hàng gian, hàng giả…

Những tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán, theo thông lệ, nhu cầu tiêu dùng của người dân sẽ tăng cao. Nhưng nhu cầu mua tích trữ hàng hóa sẽ có xu hướng giảm dần do sự phát triển của hệ thống phân phối và thay đổi thói quen tiêu dùng của người dân. Với sự chuẩn bị nguồn hàng dồi dào của các DN, công tác chỉ đạo, điều hành của cơ quan quản lý Nhà nước, sẽ bảo đảm nguồn cung thị trường, đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân.

HẠNH CHÂU