Bộ GD-ĐT tiếp tục đề nghị lùi lộ trình tăng học phí từ mầm non đến ĐH

18/09/2023 - 14:58

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa có tờ trình gửi Chính phủ đề nghị điều chỉnh lộ trình tăng học phí các bậc học chậm lại một năm so với lộ trình quy định tại Nghị định 81/2021.

Bộ Giáo dục và Đào tạo kiến nghị học phí năm học 2023-2024 sẽ bằng học phí năm học 2022-2023 trong Nghị định 81. (Ảnh minh họa: PV/Vietnam+)

Bộ Giáo dục và Đào tạo kiến nghị học phí năm học 2023-2024 sẽ bằng học phí năm học 2022-2023 trong Nghị định 81. (Ảnh minh họa: PV/Vietnam+)

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa có tờ trình gửi Chính phủ về dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 81/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập, giáo dịch vụ trong giáo dục, đào tạo.

Theo đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị điều chỉnh lộ trình tăng học phí chậm lại một năm so với lộ trình quy định tại Nghị định 81, mức học phí năm học 2023-2024 sẽ bằng mức học phí năm học 2022-2023 trong Nghị định 81.

Cụ thể, đối với cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập chưa tự đảm bảo chi thường xuyên, mức trần học phí năm học 2023-2024 như sau:

Hội đồng nhân dân cấp tỉnh căn cứ vào quy định trên để quyết định khung học phí hoặc mức học phí cụ thể đối với cơ sở giáo dục mầm mon, giáo dục phổ thông công lập thuộc thẩm quyền và quyết định việc sắp xếp, phân loại các vùng trên địa bàn để cơ sở giáo dục áp dụng mức thu học phí.

Đây cũng là cơ sở để các địa phương quyết định mức hỗ trợ tiền đóng học phí cho học sinh tiểu học tư thục ở các địa bàn chưa đủ trường tiểu học công lập và các đối tượng học sinh tiểu học tư thục thuộc đối tượng được hưởng chính sách miễn giảm học phí theo quy định.

Từ năm học 2024-2025 trở đi, khung và mức học phí được điều chỉnh theo tỷ lệ phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội của địa phương, tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng, tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm và khả năng chi trả của người dân nhưng không quá 7,5%/năm.

Học sinh tiểu học được địa phương cấp bù học phí. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Học sinh tiểu học được địa phương cấp bù học phí. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Với cơ sở giáo dục đại học công lập, mức trần học phí với cơ sở giáo dục đại học công lập chưa tự đảm bảo chi thường xuyên năm học 2023-2024 bằng mức trần học phí năm học 2022-2023 tại Nghị định 81 và dự kiến tính đủ chi phí vào năm học 2026-2027, cụ thể như sau:

Với cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập chưa tự đảm bảo chi thường xuyên, mức trần học phí năm học 2023-2024 bằng mức trần học phí năm học 2022-2023 tại Nghị định 81, cụ thể như sau:

Nghị định 81 được Chính phủ ban hành tháng 8/2021, có hiệu lực từ tháng 10/2021, quy định về mức học phí mới của tất cả các bậc học, từ mầm non đến đại học, tăng theo lộ trình đến năm học 2025-2026.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, để chia sẻ với người dân, trong các năm học 2021-2022, 2022-2023, Chính phủ đã chỉ đạo các địa phương, trường đại học, cao đẳng trong hệ thống công lập không tăng học phí, giữ nguyên mức thu như năm học 2020-2021. Do đó, lộ trình học phí theo Nghị định 81 kể từ khi ban hành năm 2021 đến nay chưa được áp dụng, mức thu học phí đã không tăng trong 3 năm học vừa qua.

Nếu thực hiện theo Nghị định 81, học phí đại học năm học 2023-2024 sẽ tăng rất nhiều so với năm học trước. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Nếu thực hiện theo Nghị định 81, học phí đại học năm học 2023-2024 sẽ tăng rất nhiều so với năm học trước. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Vì thế, theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, nếu năm học 2023-2024 thực hiện thu học phí theo Nghị quyết 81 thì mức trần học phí sẽ tăng cao. Cụ thể, mức trần học phí giáo dục đại học công lập năm học này sẽ tăng trung bình trên 45%, đặc biệt khối ngành y dược tăng 93% so với năm học trước.

Trước đó, hồi tháng Năm, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đề xuất với Chính phủ việc tăng học phí năm học 2023-2024 theo lộ trình lùi một năm so với Nghị quyết 81. Chính phủ đã giao Bộ Giáo dục và Đào lấy ý kiến các cơ sở giáo dục đại học, các địa phương, nghiên cứu kỹ đánh giá tác động của vấn đề học phí.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cho hay thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ đã lấy ý kiến của các địa phương, các trường đại học, chuyên gia về việc điều chỉnh, sửa đổi Nghị định 81 cho phù hợp tình hình thực tế.

Kết quả cho thấy các ý kiến đều cho rằng học phí năm học 2023-2024 cần phải tăng để đảm bảo điều kiện đầu tư nhân lực, cơ sở vật chất và nâng cao chất lượng đào tạo, đặc biệt là đối với các trường đại học công lập thực hiện tự chủ, khi nguồn thu chủ yếu đến từ học phí. Tuy nhiên, các ý kiến cũng cho rằng mức tăng nên lùi một năm so với lộ trình tăng học phí của Nghị định 81 để giảm áp lực cho xã hội./.

Theo PHAM MAI (Vietnam+)