Theo PGS.TS Lê Văn Quảng, Giám đốc Bệnh viện K (Hà Nội), một số loại ung thư có tỉ lệ khỏi bệnh vượt quá 90% nếu phát hiện ở giai đoạn sớm, điều trị kịp thời như: ung thư tuyến giáp, ung thư tiền liệt tuyến, ung thư đại tràng… Thực tế, nhiều bệnh nhân đến Bệnh viện K điều trị đã ổn định 10 năm, 20 năm, 30 năm…
Ung thư tuyến tiền liệt
Đây là bệnh ung thư phổ biến ở nam giới, đứng thứ 2 sau ung thư phổi về tỷ lệ mắc. Năm 2020, gần 6.300 đàn ông Việt Nam phát hiện bệnh này, hơn 2.620 ca tử vong.
ThS.BS Lê Công Định, Khoa Nội tiêu hóa theo yêu cầu, Bệnh viện Ung bướu Hà Nội, cho biết ung thư tiền liệt tuyến có tiên lượng tốt so với các loại ung thư khác ở nam giới. Tỉ lệ sống sau 5 năm ở giai đoạn chưa di căn đạt gần 100% và với giai đoạn di căn là 31%.
Thầy thuốc giải thích kết quả siêu âm cho bệnh nhân mắc bệnh lý tuyến tiền liệt. Ảnh: BVCC
Phần lớn những khối u ung thư tuyến tiền liệt thường phát triển chậm, đôi khi không quá ảnh hưởng sức khỏe. Tuy nhiên, khi di căn, việc điều trị sẽ khó khăn.
Giai đoạn sớm bệnh thường chủ yếu được phát hiện tình cờ qua khám sức khỏe tổng quát hoặc chương trình sàng lọc phát hiện sớm. Giai đoạn tiến xa, di căn, bệnh nhân có thể tiểu khó, tiểu dắt, tiểu máu. Khi bị di căn xương, bệnh nhân hay đau xương, đau cột sống...
Ung thư tinh hoàn
Bệnh ảnh hưởng rất nhiều đến nam giới nhưng tiên lượng tốt nếu phát hiện sớm, điều trị kịp thời. Hơn 95% bệnh nhân sống thêm trên 5 năm từ lúc phát hiện.
Ở giai đoạn đầu chưa di căn, bác sĩ có thể chữa khỏi bệnh bằng phẫu thuật loại bỏ 1 hoặc cả hai tinh hoàn có khối u. Nếu bị cắt 1 bên vẫn đủ hormone để duy trì nhu cầu tình dục, khả năng sinh con.
Nếu di căn, cần kết hợp phẫu thuật với xạ trị, hóa trị... Thông thường, khi đã di căn, tỉ lệ sống trên 5 năm giảm còn 73%.
Dấu hiệu ung thư tinh hoàn: Khối u không đau hay sưng ở 1 trong 2 tinh hoàn; cảm giác nặng nề ở bìu, đau âm ỉ ở bụng dưới hay bẹn, tích tụ dịch trong bìu. Khi ở giai đoạn muộn, bệnh nhân có thể đau lưng dưới, khó thở, đau ngực, đờm lẫn máu...
Ung thư đại tràng
Việt Nam ghi nhận gần 16.000 ca mắc mới và hơn 8.200 ca tử vong vì căn bệnh này năm 2020. Bệnh có thể được chữa khỏi trên 90% nếu được phát hiện và điều trị sớm, không ít bệnh nhân sống khỏe mạnh hơn 20 năm sau khi phát hiện.
Giai đoạn 0 và giai đoạn 1 được xem là giai đoạn rất sớm của bệnh và có tỷ lệ chữa khỏi cao. Sau phẫu thuật, 94% số bệnh nhân sẽ sống được sau 5 năm.
Giai đoạn 2: 24% số người bị ung thư đại tràng được chẩn đoán ở giai đoạn này. Tùy thuộc vào các yếu tố khác nhau, sau phẫu thuật, 82% người bệnh có thể sống trên 5 năm.
Giai đoạn 3: 23% số người bệnh được chẩn đoán ở giai đoạn này. Tiên lượng phụ thuộc vào số lượng các hạch bạch huyết có chứa tế bào ung thư. Sau phẫu thuật, 67% bệnh nhân sẽ sống ít nhất 5 năm.
Giai đoạn 4: 9% người mắc ung thư đại tràng đã lan sang các cơ quan khác tại thời điểm chẩn đoán. Chỉ có 11% người bệnh sẽ sống ít nhất 5 năm. Nếu ung thư di căn vào gan và các khu vực trong gan có thể được loại bỏ bằng phẫu thuật, theo một số nghiên cứu tỷ lệ sống 5 năm khoảng 25-40%.
Ung thư tuyến giáp
Đây là bệnh thường gặp ở vùng đầu, mặt, cổ ở cả nam và nữ. Tỉ lệ bệnh nhân sống thêm 5 năm sau chẩn đoán sớm là gần 100%.
Ung thư tuyến giáp phổ biến nhất là thể nhú, phát triển chậm. Ngay cả khi khối u lớn, phát triển sang các mô lân cận bác sĩ vẫn có thể điều trị, có thể chữa khỏi bệnh bằng cắt bỏ tuyến giáp. Đây là những yếu tố làm tăng khả năng bình phục của bệnh.
Sau phẫu thuật cắt tuyến giáp, bệnh nhân sẽ dùng thuốc với mục đích thay thế vai trò của hormon tuyến giáp, giảm nồng độ TSH để duy trì bệnh ổn định lâu dài.
Theo VietNamNet