Bác sĩ Cảnh chia sẻ, hiện nay, các bệnh giun lây truyền từ đất đã giảm nhưng bệnh do ký sinh trùng đang có xu hướng gia tăng như giun đũa chó mèo, sán lá gan lớn và nhỏ, sán dây lợn, dây bò.
Theo Tiến sĩ Cảnh, giun đũa chó mèo là bệnh từ nuôi thú cưng, chó mèo thả rông. Năm 2024, Bệnh viện Đặng Văn Ngữ thuộc Viện Sốt rét Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương ghi nhận khoảng 30.000 người đến khám vì nghi ngờ nhiễm loại giun này. Nguyên nhân từ phân chó mèo thải ra môi trường và lây nhiễm với người qua đường miệng có thể do ôm thú cưng, chạm vào lông thú cưng, làm vườn không có bảo hộ. Ấu trùng giun đi từ da vào trong máu, phổi, gan, mắt và gây bệnh ở vị trí chúng ký sinh.
Bệnh sán lá gan nhỏ gây viêm đường mật, viêm túi mật, gây sỏi mật, xơ gan, xơ hóa đường mật, ung thư đường mật. Các điều tra dịch tễ cho thấy bệnh thường gặp ở 20 tỉnh, thành phố khu vực miền Bắc, 12 tỉnh, thành phố khu vực miền Trung và miền Nam với ước tính khoảng 1 triệu người nhiễm. Nguyên nhân chủ yếu do tập tục ăn uống các món cá sống như gỏi cá, cá ủ chua.
Bệnh sán lá gan lớn gặp ở 53/60 tỉnh thành trong cả nước. Sán gây ra những ổ áp xe ở gan và có thể gặp sán lá gan lớn lạc chỗ gây ra các tổn thương khác nhau tại các vị trí sán ký sinh.
Bệnh nhân điều trị sán tại BV Đặng Văn Ngữ. Ảnh: P.Thúy.
Bệnh sán dây có ở 60/63 tỉnh, thành phố, mỗi năm có hàng chục nghìn bệnh nhân được chẩn đoán và điều trị trên toàn quốc. Bệnh gây ra các tổn thương và triệu chứng tại hệ thần kinh trung ương, tại mắt, cơ vân, cơ tim, gan thận.
Ngoài ra còn rất nhiều bệnh ấu trùng giun đầu gai, bệnh giun lươn, giun xoắn, giun rồng, bệnh do nấm, đơn bào… ngày càng gặp nhiều gây ra các tổn thương tại gan, não, phổi, thận, đường tiêu hóa, gây ảnh hưởng cấp tính và lâu dài đến sức khỏe của người dân, tác động xấu và gây ra những gánh nặng bệnh tật rất lớn tại cộng đồng.
Số ca mắc ký sinh trùng theo thống kê của Viện Sốt rét Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương:
Tên ký sinh trùng | Số ca mắc |
Sán lá gan nhỏ | 1 triệu |
Sán lá gan lớn | 10.000-15.000 |
Sán dây lợn | 10.000-11.000 |
Giun đũa chó mèo | 20.000 |
Sán phổi | 20 |
Bác sĩ Cảnh cho biết, hiện nay các bệnh giun sán truyền từ động vật sang người được chẩn đoán, điều trị tại các cơ sở điều trị chuyên ngành và đa khoa nhưng chưa có hoạt động can thiệp bài bản tại các tỉnh thành.
Theo Tiến sĩ Cảnh, tại khu vực Tây Nguyên có vùng đặc sản bò một nắng nhiều nghiên cứu cho thấy 30% phân bò chứa sán lá gan. Bò có sán nếu nấu ăn không chín thì nguy cơ nhiễm sán. Phân bò cũng phát tán ấu trùng sán ra môi trường.
Tại hồ Ba Bể (tỉnh Bắc Kạn), 70% cá được xét nghiệm nhiễm sán lá gan. Nếu người dân ăn gỏi cá, cá chưa nấu chín, rau thủy sinh trong vùng này nguy cơ nhiễm sán lá gan rất lớn bao gồm cả sán lá gan lớn và nhỏ.
Thói quen ăn tiết canh chính là nguyên nhân gây lây nhiễm rất nhiều mầm bệnh, bao gồm cả các bệnh ký sinh trùng như sán dây lợn, các nang sán làm tổ khắp cơ thể, kể cả trong não. Tiết gia cầm chứa ấu trùng giun đầu gai, giun đũa chó mèo.
Để phòng bệnh, bác sĩ Cảnh cho rằng cần tuyên truyền giáo dục nâng cao ý thức trong văn hóa ăn uống nhất là ở những người dân ở vùng có tập quán ăn sống, tái, dùng tiết canh; luôn ăn chín, uống sôi, nuôi thú cưng sạch sẽ.