Cột laser trên núi Säntis ở Thụy Sĩ. Ảnh: CNN
Kênh CNN (Mỹ) cho biết đội ngũ nghiên cứu do nhà khoa học Thụy Sĩ Jean-Pierre Wolf dẫn đầu. Ông Wolf đã có 20 năm nghiên cứu laser và đặc biệt quan tâm tới ý tưởng kiểm soát thời tiết bằng thiết bị này.
Ông Wolf cho rằng laser có thể tạo tia năng lượng cao và hẹp, được áp dụng trong nhiều công việc từ cắt kim cương cho đến phẫu thuật… Nhưng nay ông kỳ vọng laser có thể đảm nhiệm thêm tính năng mới là bảo vệ con người khỏi sét.
Ông đang dẫn dắt một nhóm gồm nhiều trường đại học ở Pháp và Thụy Sĩ cùng nhà sản xuất rocket ArianeGrou và công ty công nghệ cao Đức Trumpf tham gia nghiên cứu. Sau một năm trì hoãn vì đại dịch, cột laser đã được chuyển đến đỉnh núi Säntis ở Thụy Sĩ nơi có độ cao 2.500 m. “Đây là một trong những nơi tại châu Âu thường xuyên bị sét tấn công nhân. Tại đây có một tháp phát thanh thường bị sét đánh từ 100-400 lần mỗi năm”, ông Wolf cho hay.
Cột laser có vai trò bắt chước cách hình thành của sét trong tự nhiên và bổ sung thêm năng lượng, mục tiêu là khiến mây phóng sét theo cách được kiểm soát.
Vì vấn đề an toàn, một vùng cấm bay 5 km đã được thiết lập xung quang nơi cột laser hoạt động. Thiết bị này sẽ không hoạt động toàn thời gian mà chỉ kích hoạt khi hoạt động sét tăng mạnh.
Ủy ban châu Âu cũng ủng hộ dự án này và cho biết trên toàn cầu mỗi năm có từ 6.000-24.000 người thiệt mạng vì sét đánh, bên cạnh đó là thiệt hại về vật chất. Dự án này được kỳ vọng bảo vệ an toàn vận tải hàng không. Nhiều nghiên cứu cho thấy tình trạng sét đánh tăng mạnh có thể xuất phát từ biến đổi khí hậu.
Các thử nghiệm sẽ được thực hiện cho đến tháng 9, vào cuối mùa mưa. Nếu thành công, thử nghiệm tiếp theo có khả năng được tiến hành ở sân bay và công nghệ này sẽ sẵn sàng trong vài năm tới.
Theo HÀ LINH (Báo Tin Tức)