Các tỉnh thành rà soát lương tối thiểu vùng để điều chỉnh trong năm 2019

21/05/2018 - 08:37

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) vừa có văn bản 1824/LĐTBXH- QLĐTL gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc đánh giá tình hình thực hiện và rà soát địa bàn áp dụng mức lương tối thiểu vùng và hoàn tất gửi về Bộ trước ngày 30-6.

Cụ thể, Bộ LĐTBXH đề nghị UBND các tỉnh, thành tổ chức nắm tình hình thực hiện mức lương tối thiểu vùng theo Nghị định 141/2017/NĐ-CP trên địa bàn phụ trách. Trong đó lưu ý mặt được và chưa được, nguyên nhân và cách điều chỉnh mức lương trong thang lương, bảng lương và mức lương trong hợp đồng lao động của người lao động trong các loại hình doanh nghiệp; đồng thời tổng hợp số liệu tình hình thực hiện mức lương tối thiểu vùng của các doanh nghiệp thuộc địa bàn quản lý.

Trường hợp có đề xuất điều chỉnh vùng lương, Bộ LĐTBXH yêu cầu Sở LĐTBXH tỉnh, thành phố phối hợp với Liên đoàn Lao động tỉnh, thành và chi nhánh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại địa phương tổ chức trao đổi với Ban Quản lý Khu công nghiệp, khu chế xuất (nếu có), các hiệp hội nghề nghiệp, các cơ quan, tổ chức liên quan đóng trên địa bàn, trên cơ sở đó tổng hợp báo cáo UBND tỉnh, thành phố và gửi về Bộ LĐTBXH.

Lao động lĩnh vực chế biến thủy sản chịu tác động từ tăng lương tối thiểu vùng. Ảnh: TTXVN

Theo Bộ LĐTBXH, căn cứ trên tình hình thực hiện mức lương tối thiểu vùng năm 2018, Hội đồng tiền lương Quốc gia sẽ họp vào khoảng tháng 7, tháng 8. Trên cơ sở thống nhất giữa các bên tại Hội đồng tiền lương Quốc gia, Bộ LĐTBXH sẽ đề xuất với Chính phủ phương án điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng và địa bàn áp dụng năm 2019.

Để chuẩn bị cho việc điều chỉnh lương tối thiểu vùng năm 2019, Hội đồng tiền lương Quốc gia gồm đại diện Bộ LĐTBXH, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; các chuyên gia về lao động việc làm sẽ tiến hành khảo sát tại một số doanh nghiệp phía nam về việc thực hiện chính sách tiền lương.

Đoàn khảo sát những doanh nghiệp chịu tác động nhiều của việc tăng lương tối thiểu vùng bao gồm doanh nghiệp may mặc, chế biến thuỷ sản, chế biến thức ăn, sản xuất giày dép để đánh giá tình hình tiền lương, thu nhập của người lao động và tác động của lương tối thiểu 2018 với doanh nghiệp.

Năm 2017, sau 3 vòng đàm phán, Hội đồng tiền lương Quốc gia đã thống nhất đề xuất mức lương tối thiểu vùng 2018 tăng 6,5 % so với lương tối thiểu vùng 2017. Theo đó, mức lương tối thiểu vùng áp dụng đối với người lao động làm việc ở doanh nghiệp như sau: Vùng 1 là 3.980.000 đồng/tháng; vùng 2là 3.530.000 đồng/tháng; vùng 3 là 3.090.000 đồng/tháng; vùng 4 là 2.760.000 đồng/tháng.

Theo Báo Tin Tức