Bà Thúy chỉ nơi xin xây dựng tường kè
Theo bà Thúy, tháng 8/2022, bà gửi đơn đến UBND thị trấn Phú Hòa, xin phép được xây dựng tường bờ kè để giữ đất chống sạt lở, trong phạm vi đất được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Đồng thời, sử dụng luôn phần diện tích đất ven sông (ngang 14,5m, chạy dài đến hết phần ranh đất của ông Trần Minh Sĩ, đã được thỏa thuận và thống nhất giữa các bên). Bà làm bản vẽ thiết kế, cam kết với địa phương là không cất nhà trên bờ kè, nhằm tạo vẻ mỹ quan đô thị theo chính sách của địa phương.
“Sở dĩ tôi làm tường kè này, ngoài việc giữ đất cho gia đình mình, còn để bà con đi lại được thuận tiện. Trước đây, con đường vừa nhỏ, vừa bị sạt lở, người dân qua lại thường té ngã. Tôi tự dặm vá, xây đắp bằng phẳng để phương tiện và người dân lưu thông dễ dàng, đường không bị sạt lở thêm. Thế nhưng, đến nay tôi vẫn chưa được địa phương cho phép xây tường bờ kè. Thị trấn hướng dẫn tôi vô huyện, huyện kêu về thị trấn, cứ tới lui lòng vòng. Rất mong cơ quan thẩm quyền xem xét, cho tôi được xây tường kè bảo vệ đất, đảm bảo quyền lợi ích hợp pháp cho người dân” - bà Thúy đề nghị.
Trao đổi với phóng viên, đại diện UBND thị trấn Phú Hòa cho biết, địa phương nhận được đơn của bà Phạm Thị Thúy xin xây dựng bờ kè. Việc xây dựng này, địa phương khuyến khích, ủng hộ, chứ không hề cấm. Tuy nhiên, bà Thúy xây dựng quy mô rất lớn: Từ mí đường bê-tông ra sông 3,5m, dài 14,5m, cọc bê-tông cốt thép dự ứng lực, đà bê-tông, xây tường bó nền 20, bên trên đổ đan bê-tông cốt thép, chiều cao bờ tường bình quân 1,8m.
Với quy mô này, góc độ địa phương không có thẩm quyền cấp phép, nên đã hướng dẫn bà Thúy lên các cơ quan chức năng, cụ thể là Sở Giao thông vận tải. Bởi đây là công trình nằm dọc bờ sông, kênh, rạch, thuộc thẩm quyền cấp phép của Sở Giao thông vận tải theo Quyết định 1038/QĐ-UBND, ngày 2/5/2019 của UBND tỉnh. Địa phương và Phòng Kinh tế - Hạ tầng hướng dẫn bà Thúy liên hệ Sở Giao thông vận tải để được cấp phép theo đúng quy định. Thế nhưng, bà Thúy liên hệ thủ tục với cơ quan chuyên môn như thế nào không rõ, sau đó quay lại yêu cầu địa phương tạo điều kiện; cho rằng địa phương làm khó, hướng dẫn tới lui.
Cũng theo địa phương, được biết lý do bà Thúy chưa được cấp phép là do việc xây tường kè này không nằm trên đất thuộc quyền sử dụng của gia đình bà. Phía trước thửa đất này, bà Thúy đã làm kè rồi, gia đình bà đang sử dụng. Phần diện tích xây dựng thêm không có trong giấy đất được cấp; cũng không đối diện với phần đất được cấp quyền sử dụng. Địa phương rất nhiều lần giải thích để bà Thúy hiểu: Bờ sông rất rộng, hộ dân nào có giấy đất và có nhu cầu kè để giữ đất, địa phương luôn ủng hộ, tạo điều kiện cho người dân làm cừ tràm cọc gỗ. Ranh đất tới đâu thì được kè tới đó, không được lấn ra thêm. Còn nếu xây dựng kiên cố thì phải được cơ quan thẩm quyền cấp phép.
Riêng đối với nhà một hộ dân mà bà Thúy cho rằng, “cất mới nhưng địa phương cho tồn tại” là hoàn toàn không đúng. Nhà họ nằm phía sau khu chợ cũ Phú Hòa, đã tồn tại từ lâu, có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và có giấy phép xây dựng (cải tạo từ nhà hiện hữu), không phát sinh mới như bà phản ánh.
Hiện nay, huyện Thoại Sơn đang tăng cường công tác quản lý trật tự xây dựng và trật tự đô thị trên địa bàn, theo Chỉ thị 10-CT/HU của Ban Thường vụ Huyện ủy Thoại Sơn; Nghị định 15/2021/NĐ-CP, ngày 3/3/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng; Công văn 1055/UBND-KTN, ngày 1/10/2018 của UBND tỉnh về chấn chỉnh công tác quản lý nhà ven sông, kênh rạch; Quyết định 746/QĐ-UBND, ngày 3/4/2019 của UBND tỉnh về phê duyệt Quy hoạch xây dựng vùng huyện Thoại Sơn đến năm 2030. Tất cả xã, thị trấn trên địa bàn huyện không được cho phát sinh nhà mới dưới bất cứ hình thức nào; sẽ phải chịu trách nhiệm nếu để phát sinh công trình, nhà mới lấn chiếm hành lang sông, kênh, rạch...
K.N