Cẩn trọng khi nuôi tôm thẻ chân trắng trong vùng ngọt

24/08/2023 - 06:34

 - Tôm thẻ chân trắng là loài thủy sản chịu được độ mặn trong phạm vi 0,5 - 45‰, thích hợp ở độ mặn 10 - 15‰. Tuy nhiên, thời gian gần đây, một số người dân trong tỉnh tự ý đưa tôm chân trắng vào nuôi trong vùng nước ngọt, vùng đất lúa hoặc nuôi ngoài vùng quy hoạch được phê duyệt, dẫn đến hệ lụy khôn lường.

Tôm thẻ chân trắng

Ngăn chặn mối nguy hại

Theo UBND tỉnh, những năm qua, ngành nuôi trồng thủy sản của tỉnh duy trì tốc độ phát triển ở mức cao. Tổng sản lượng nuôi trồng năm 2022 đạt 619.000 tấn, trong đó sản lượng nuôi cá tra 530.000 tấn. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 315 triệu USD/năm. Đối tượng nuôi thủy sản chủ lực của tỉnh là cá tra và một số thủy sản nước ngọt giá trị kinh tế khác. Công tác quản lý nuôi trồng được ngành nông nghiệp và các địa phương thực hiện đảm bảo hiệu lực, hiệu quả, trên cơ sở định hướng, kế hoạch chiến lược phát triển thủy sản của tỉnh.

Gần đây, phát sinh tình trạng thả nuôi tôm thẻ chân trắng ở huyện Châu Phú và Châu Thành. Việc thả nuôi tự phát tác động xấu đến môi trường sinh thái, từ hoạt động xả thải nguồn nước mặn trong quá nuôi ra môi trường bên ngoài, gây tích tụ nhiễm mặn tầng đất mặt.

Về lâu dài, có thể gây tác động rất lớn đối với môi trường và đa dạng sinh học; nhất là sụt lún đất trong khu vực, gây mặn hóa vùng nuôi, ô nhiễm nước ngầm, ảnh hưởng năng suất lúa và các loại cây trồng khác. Đặc biệt, tiềm ẩn mầm bệnh nguy hiểm ký chủ trên tôm thẻ, lây truyền mầm bệnh cho các đối tượng nuôi thủy sản nước ngọt chủ lực của tỉnh.

Đến nay, tôm thẻ chân trắng chưa được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho phép phát triển thả nuôi trong vùng nước ngọt. UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản, khẳng định: Không cho phép thả nuôi tôm thẻ chân trắng trong vùng nước ngọt trên địa bàn tỉnh. sở, ngành liên quan, UBND cấp huyện, theo chức năng, nhiệm vụ quản lý Nhà nước, tăng cường quản lý nuôi tôm thẻ chân trắng trong vùng ngọt trên địa bàn tỉnh; thực hiện tốt Công văn 153/BNN-TCTS, ngày 10/1/2023 của Bộ NN&PTNT, tuân thủ các quy định về sử dụng đất trong nuôi trồng thủy sản.

Đồng thời, nâng cao vai trò, trách nhiệm trong quản lý nuôi trồng thủy sản; việc sử dụng, chuyển đổi mục đích đất sang nuôi trồng thủy sản; việc khoan giếng lấy nguồn nước mặn để nuôi tôm thẻ; việc xả thải nguồn nước mặn từ hoạt động nuôi tôm thẻ ra môi trường bên ngoài... tiến tới xử lý dứt điểm tình trạng này, không để phát sinh thả nuôi tôm thẻ chân trắng.

Kiên quyết xử lý nghiêm vi phạm

Theo Giám đốc Sở NN&PTNT An Giang Nguyễn Sĩ Lâm, đơn vị tăng cường tuyên truyền Luật Thủy sản và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan lĩnh vực nuôi trồng thủy sản; Quyết định 2495/QĐ-UBND, ngày 28/10/2021 của UBND tỉnh về Kế hoạch hành động chiến lược phát triển thủy sản giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 tỉnh An Giang. Đẩy mạnh truyền thông, tuyên truyền quy định không thả nuôi tôm thẻ chân trắng trong vùng nước ngọt; những tác động, ảnh hưởng, hệ lụy của việc thả nuôi, để người dân nắm và chấp hành. 

Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp sở, ban, ngành và địa phương xây dựng, triển khai mô hình - công nghệ nuôi thủy sản nước ngọt hiệu quả (mô hình nuôi bể nổi, mô hình nuôi Biofloc, mô hình nuôi kết hợp, nuôi tuần hoàn, nuôi trong nhà kín…) làm cơ sở phát triển, nhân rộng cho hộ nuôi ứng dụng vào thực tế sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế. Tuyên truyền, tập huấn chuyên đề về các mầm bệnh nguy hiểm của tôm thẻ chân trắng; mối nguy lây lan mầm bệnh, dịch bệnh cho thủy sản nước ngọt, góp phần nâng cao nhận thức về dịch bệnh thú y - thủy sản cho hộ nuôi.

“Tỉnh kiên quyết xử lý theo quy định việc di nhập giống tôm thẻ chân trắng vào địa bàn tỉnh để thả nuôi dưới bất kỳ hình thức nào. Sở NN&PTNT phối hợp sở, ban, ngành, đơn vị chức năng liên quan thanh, kiểm tra chuyên ngành việc chấp hành quy định về nuôi trồng thủy sản, kiên quyết xử lý trường hợp vi phạm theo quy định pháp luật…” - Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Sĩ Lâm cho biết.

UBND tỉnh yêu cầu UBND cấp huyện tiếp tục tăng cường chỉ đạo phòng NN&PTNT, kinh tế, tài nguyên và môi trường, UBND cấp xã đẩy mạnh tuyên truyền để người trồng lúa, người nuôi thủy sản nắm, hiểu tác hại trước mắt lẫn lâu dài khi nuôi tôm thẻ chân trắng trong vùng nước ngọt. Tiếp tục tăng cường kiểm tra, có biện pháp xử lý đối với hoạt động chuyển đổi diện tích đất lúa (vườn tạp, cây lâu năm…) sang nuôi trồng thủy sản, việc xả thải, khoan giếng không đúng quy định.

Đối với UBND huyện Châu Phú và Châu Thành, UBND tỉnh yêu cầu địa phương chỉ đạo tuyên truyền, khuyến cáo người dân, không để tiếp tục phát triển thêm diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng trong vùng nước ngọt, ngăn chặn kịp thời tác động xấu đến sản xuất nông nghiệp và đời sống người dân.

MINH THƯ