Cảnh báo sức khỏe tâm thần do dịch COVID-19

09/07/2022 - 08:28

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) mới đây cho biết, vấn đề sức khỏe tâm thần của người dân các nước đang ngày càng trầm trọng do đại dịch COVID-19, khi trung bình trên thế giới cứ tám người lại có một người bị rối loạn tinh thần. Khoảng cách giữa các quốc gia về tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần hiện nay cũng còn rất lớn.

Bác sĩ khám cho bệnh nhân sau khi nhiễm COVID-19.

Không chỉ cướp đi sinh mạng của hơn 6,3 triệu người, đại dịch Covid-19 còn gây ra những vết sẹo lớn về tinh thần đối với nhiều người trong gần ba năm qua. Trong "Báo cáo sức khỏe tâm thần trên thế giới" của WHO, cơ quan này nêu rõ, ngay cả trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát, đã có gần một tỷ người trên toàn cầu bị rối loạn về tinh thần. Ðại dịch càng khiến những vấn đề liên quan đến sức khỏe tâm thần thêm trầm trọng khi chỉ riêng trong năm đầu tiên đại dịch hoành hành, tỷ lệ bệnh nhân mắc chứng trầm cảm và lo âu đã tăng 25%.

Cũng theo WHO, trên thế giới cứ tám người lại có một người gặp những rối loạn về tinh thần và tình hình còn tệ hơn ở các khu vực xảy ra xung đột, nơi ước tính cứ năm người thì có một người gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần. Thậm chí, Viện Y tế toàn cầu của Tây Ban Nha (ISGlobal) cảnh báo, các vấn đề về sức khỏe tâm thần do dịch Covid-19 gây ra sẽ là đại dịch tiếp theo.

Ðại dịch càng kéo dài, sự bất bình đẳng về y tế càng bộc lộ rõ. Báo cáo của WHO cũng đề cập đến khoảng cách rất lớn giữa các quốc gia về khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần. Ở các nước có thu nhập cao, hơn 70% số người gặp vấn đề về tâm thần được điều trị. Tuy nhiên, tỷ lệ này ở các nước có thu nhập thấp chỉ đạt mức 12%. Trong thời gian xảy ra dịch bệnh, các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần cho bệnh nhân bị gián đoạn, từ đó dẫn đến nguy cơ bệnh trở nên trầm trọng hơn.

Theo một nghiên cứu của WHO tại 130 quốc gia, hơn 60% các quốc gia ghi nhận sự gián đoạn về dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần cho nhóm người dễ bị tổn thương như trẻ em, phụ nữ, người cao tuổi. Hình thức tư vấn tâm lý trực tuyến cũng được áp dụng, song thực tế cho thấy, hình thức này còn tồn tại những hạn chế nhất định. Những người không có sẵn kết nối internet hay không có nhiều kiến thức về kỹ thuật sẽ gặp khó khăn trong tiếp cận dịch vụ tư vấn tâm lý trực tuyến.

Mặc dù các vấn đề về tâm thần sẽ tác động nghiêm trọng tới chất lượng cuộc sống và sức khỏe của mỗi người, nhưng đáng nói là, nhiều quốc gia hiện chưa chú trọng đầu tư cho dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần. Ông Mark Van Ommeren, chuyên gia về lĩnh vực sức khỏe tâm thần của WHO, nhấn mạnh mức chi của các quốc gia cho lĩnh vực này nhìn chung là rất thấp. Ông Mark Van Ommeren nêu rõ: "Mối quan tâm đến sức khỏe tâm thần hiện ở mức cao nhất từ trước tới nay do đại dịch, nhưng đầu tư cho lĩnh vực này chưa tăng". Hiện, ngân sách dành cho lĩnh vực chăm sóc sức khỏe tâm thần của các nước chiếm trung bình khoảng 2% quỹ dành cho ngành y tế.

Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nhấn mạnh, đầu tư vào sức khỏe tâm thần chính là đầu tư cho một cuộc sống tốt đẹp hơn và tương lai tươi sáng hơn cho tất cả mọi người. Các quốc gia cần chú trọng hơn chương trình chăm sóc sức khỏe tâm thần để giúp xoa dịu những tổn thương về tinh thần mà đại dịch Covid-19 gây ra, vốn đang đe dọa sự phát triển của chính các quốc gia.

Theo LÊ THỦY (Báo Nhân Dân)