Cảnh giác chiêu lừa tuyển cộng tác viên bán hàng trực tuyến

22/04/2022 - 06:37

 - Hiện nay, nhiều người bị sập bẫy lừa đảo từ hình thức tuyển cộng tác viên bán hàng online (trực tuyến). Nạn nhân mà các đối tượng nhắm đến là những người nhẹ dạ cả tin, nhất là phụ nữ đang nuôi con nhỏ, ở nhà không có việc làm, có nhu cầu bán hàng online để kiếm thêm thu nhập.

Theo cơ quan điều tra, thủ đoạn của các đối tượng là mạo danh nhân viên của công ty thương mại điện tử, như: Shopee, Lazada, Tiki… và đăng tải thông tin quảng cáo tìm cộng tác viên bán hàng online trên mạng xã hội để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Thủ đoạn của các đối tượng là sử dụng tài khoản mạng xã hội Facebook, Zalo chủ động làm quen, kết bạn, trao đổi thông tin (họ tên, số điện thoại, số chứng minh nhân dân/căn cước công dân… giả mạo) với các nạn nhân. Sau khi tiếp cận, làm quen, các đối tượng chào mời nạn nhân chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng do chúng cung cấp để góp vốn, đăng ký làm “cộng tác viên" của các công ty thương mại điện tử nêu trên. Sau đó, các đối tượng yêu cầu cộng tác viên phải thanh toán đơn hàng trước cho công ty, rồi sẽ nhận lại được tiền gốc cộng thêm chiết khấu.

“Mồi nhử” mà bọn chúng đưa ra rất hấp dẫn như, với mỗi một đơn hàng sẽ được hưởng chênh lệch 10 - 20% số tiền đầu tư góp vốn sau mỗi nhiệm vụ được hoàn thành (mua đơn hàng ảo). Để tạo niềm tin, thường sau 2-3 nhiệm vụ ban đầu, các đối tượng trả đầy đủ tiền gốc và tiền hoa hồng cho “cộng tác viên”. Sau khi dẫn dụ “cộng tác viên” nạp thêm số tiền lớn hơn để thực hiện nhiệm vụ tiếp theo (mua đơn hàng ảo với số tiền lớn hơn) thì đối tượng đưa ra lý do để chiếm đoạt tài sản, như: Mã lệnh sai; thao tác sai khi thực hiện nhiệm vụ; chưa hoàn thành nhiệm vụ; tạo lỗi treo hệ thống làm “cộng tác viên” không lấy lại được tiền gốc; chặn liên lạc khi “cộng tác viên” không còn khả năng nộp tiền. Đây là thủ đoạn mới, tinh vi, xảo quyệt của các đối tượng lợi dụng mạng xã hội để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Nhiều người do không nhận thức đầy đủ các chiêu trò, thủ đoạn của các đối tượng đã đăng ký làm "cộng tác viên" bán hàng. Tuy nhiên, sau khi chuyển tiền cho công ty, "cộng tác viên" sẽ không được nhận lại tiền.

Chị N.H.Y (28 tuổi, ngụ phường Mỹ Hòa, TP. Long Xuyên) cho biết: “Cách đây vài tháng, tôi có xem thông tin quảng cáo tìm cộng tác viên bán hàng online từ một tài khoản trên mạng xã hội Facebook. Theo lời quảng cáo, sau khi hoàn thành 1 đơn mua hàng ảo sẽ được hưởng được 10-20% tiền mua đơn hàng ảo đó. Do đang trong thời gian nghỉ hộ sản, để có thêm thu nhập nên tôi tham gia thử. Thời gian đầu, tôi tham gia các đơn hàng vài trăm ngàn đồng thì được hưởng hoa hồng theo như quảng cáo. Đến lần thứ 5, tôi được yêu cầu đầu tư thanh toán đơn hàng lên đến cả chục triệu đồng. Sau khi chuyển khoản xong thì không thấy tiền hoa hồng như những lần trước, liên hệ vào tài khoản trên thì bị chặn, số điện thoại không liên hệ được. Thế là mất tiền. Tôi chia sẻ để không còn người bị lừa như tôi”.

Hiện chưa có thống kê cụ thể về các nhóm đối tượng lừa đảo "cộng tác viên" bán hàng trực tuyến và số vụ việc mà nạn nhân tố cáo với cơ quan chức năng rất ít, do e ngại vì số tiền bị chiếm đoạt không lớn. Lợi dụng thực tế này, nhiều đối tượng tiếp tục lừa đảo những người nhẹ dạ trên môi trường internet. Vì vậy, mọi người cần cẩn trọng, không liên hệ qua các tài khoản mạng xã hội khi chưa xác định được độ tin cậy, tính an toàn. Khi có dấu hiệu bị lừa đảo thì lưu thông tin điện thoại, tài khoản ngân hàng... của đối tượng để cung cấp ngay cho cơ quan công an, nhằm vạch trần những chiêu trò lừa đảo này.

Để chủ động phòng ngừa tội phạm, cơ quan chức năng đề nghị người dân nêu cao tinh thần cảnh giác. Khi làm "cộng tác viên" cho các công ty, doanh nghiệp, đơn vị cung ứng hàng hóa, dịch vụ, người dân cần kiểm tra rõ các thông tin về hàng hóa và đơn vị cung cấp thông qua nhiều nguồn khác nhau để kiểm chứng tính chính xác. Đặc biệt, cảnh giác với các số điện thoại đầu số có mã vùng quốc tế và số máy lạ.

Không cung cấp hình ảnh cá nhân, số chứng minh nhân dân/căn cứ công dân, mã định danh cá nhân, số tài khoản ngân hàng của mình và người thân, bạn bè, không chuyển tiền vào các tài khoản chỉ định sẵn cho người quen biết trên không gian mạng. Không cài đặt ứng dụng điện thoại; không truy cập vào đường dẫn (link) do các đối tượng cung cấp. Kiểm tra dấu hiệu giả mạo các đường dẫn này qua web: https://www.urlvoid.com/; tra cứu các ứng dụng điện thoại do các đối tượng cung cấp thường không có trong kho ứng dụng App Store dành cho Iphone và CHPlay dành cho điện thoại Android. Khi phát hiện ra trường hợp lừa đảo, người dân báo ngay cho cơ quan công an để nhanh chóng xác minh, ngăn chặn và xử lý các đối tượng theo quy định pháp luật.

MINH THƯ