Canh tác lúa thông minh thích ứng biến đổi khí hậu

20/09/2023 - 06:07

 - “Canh tác lúa thông minh tại vùng ĐBSCL” là chương trình hợp tác giữa Trung tâm Khuyến nông quốc gia và Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền, với sự tham gia thực hiện của ngành nông nghiệp 13 tỉnh, thành phố trong vùng. Tại An Giang, chương trình được triển khai với nhiều hoạt động hỗ trợ, tư vấn, hướng dẫn nông dân chuyển đổi canh tác theo hướng bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH).

Vừa qua, Trung tâm Khuyến nông quốc gia đã tổ chức tập huấn “Ứng dụng các giải pháp để phát triển vùng lúa nguyên liệu gắn với tăng trưởng xanh phục vụ chuỗi sản xuất lúa gạo bền vững”. Chương trình có sự tham gia của đại diện các hợp tác xã (HTX), cán bộ xã nông thôn mới, cán bộ khuyến nông cộng đồng của các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Hậu Giang, Kiên Giang và TP. Cần Thơ.

GS.TS Nguyễn Bảo Vệ (nguyên Trưởng khoa Nông nghiệp và Sinh học ứng dụng, Trường Đại học Cần Thơ) đã hướng dẫn, cập nhật kiến thức về các kỹ thuật canh tác mới, hiệu quả cùng các giải pháp canh tác thông minh, giảm phát thải khí nhà kính để thích ứng với BĐKH. Đồng thời, hướng dẫn nông dân các giải pháp, kỹ thuật và sản phẩm phân bón mới phù hợp với điều kiện canh tác bất lợi, tăng hiệu quả trồng lúa, góp phần nâng cao kiến thức, trình độ canh tác lúa của nông dân; xây dựng quy trình canh tác lúa thông minh, áp dụng cho từng địa phương…

Đối với giống, phải lựa chọn, sử dụng giống lúa cấp xác nhận trở lên và theo nhu cầu thị trường, của doanh nghiệp để gieo sạ. Lượng giống sử dụng từ 80 - 100kg/ha khi sạ hàng, sạ bằng máy phun hạt “3 trong 1” hoặc máy sạ theo cụm; 50 - 60kg/ha khi sử dụng máy cấy. Đồng thời, tuân thủ lịch xuống giống của ngành nông nghiệp địa phương để né rầy và các dịch hại khác.

Canh tác lúa thông minh giúp nông dân tăng năng suất, giảm chi phí sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế

Về quy trình canh tác lúa, nông dân được tiếp cận các biện pháp tiến bộ, như: Bón phân “4 đúng” (đúng loại, đúng lượng, đúng lúc, đúng cách), “3 nhìn” (nhìn trời, nhìn đất, nhìn cây) và “3K” (kinh nghiệm, khoa học, kiểm tra thực tế đồng ruộng). Nông dân còn được hướng dẫn các quy trình quản lý dịch hại.

Đặc biệt, trong trường hợp sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), phải theo “ngưỡng hành động” của Cục BVTV, theo phương pháp “4 đúng”. Nông dân sử dụng luân phiên các hoạt chất thuộc danh mục cho phép sử dụng, ưu tiên các loại thuốc an toàn cho thiên địch và môi trường. Đồng thời, kết hợp sử dụng các chế phẩm sinh học để phòng trừ sâu hại.

Các đại biểu được hướng dẫn sử dụng, thu gom rơm an toàn, hiệu quả, như: Không đốt, sử dụng làm thức ăn gia súc, phân bón… Đồng thời, hướng dẫn các giải pháp quản lý nước trên đồng ruộng, thông qua tưới ngập khô xen kẽ; thời điểm, phương pháp thu hoạch hiệu quả để tránh thất thoát, giảm chi phí sau thu hoạch… Lớp tập huấn còn cung cấp các kiến thức về quản lý và hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, HTX; hướng dẫn xây dựng mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm; các tiêu chuẩn chất lượng nông sản; hướng dẫn tổ chức tiêu thụ và kết nối nông sản... Từ đó, giúp hình thành, phát triển tư duy sản xuất hiệu quả, đáp ứng nhu cầu sản xuất như hiện nay.

Giám đốc điều hành HTX Nông nghiệp Vọng Đông (huyện Thoại Sơn) Nguyễn Phú Cường cho biết, đây là nội dung tập huấn bổ ích, trang bị cho học viên, nông dân kiến thức về phương pháp khuyến nông và kỹ thuật về canh tác lúa thông minh. Từ đó, giúp nông dân có thêm kiến thức khoa học - kỹ thuật mới trong trồng trọt, chủ động và mạnh dạn đầu tư chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân.

Theo kỹ sư Đinh Hữu Jét (Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền), nhằm giúp bà con nông dân trồng lúa chủ động thích ứng với BĐKH, thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông quốc gia đã phối hợp Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền, Trung tâm Khuyến nông tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL tổ chức thực hiện mô hình canh tác lúa thông minh.

Vụ thu đông 2023, mô hình được triển khai tại xã An Hòa và Vĩnh Nhuận (huyện Châu Thành). Nông dân tham gia mô hình được khuyến cáo sử dụng giống từ cấp xác nhận trở lên, chọn giống tốt, phù hợp với từng vùng và gieo sạ hàng, sạ cụm, với lượng giống khuyến cáo khoảng 80kg/ha; thực hiện giảm lượng phân bón và số lần phun thuốc BVTV. Đồng thời, được hỗ trợ phân tích mẫu đất đầu vụ, cung cấp thiết bị cầm tay để đo độ mặn, phèn…

Theo đánh giá từ các vụ trước cho thấy, nhờ giảm lượng giống, phân bón, thuốc BVTV, chi phí sản xuất giảm đáng kể, chỉ gần 18,32 triệu đồng/ha, so gần 22,65 triệu đồng/ha của ruộng đối chứng. Trong khi đó, năng suất tăng thêm gần 1 tấn/ha, giúp nông dân tham gia mô hình tăng thêm lợi nhuận hơn 6,27 triệu đồng/ha so với ruộng đối chứng.

Ngoài hiệu quả sản xuất, việc ứng dụng các biện pháp canh tác lúa thông minh còn giúp nông dân tăng tính chủ động trong canh tác trước những tác động của BĐKH và thị trường. Từ đó, khuyến cáo nông dân triển khai, nhân rộng thực hiện mô hình trong thời gian tới.

ĐỨC TOÀN