Hiệu quả mô hình trồng màu vụ 3

14/07/2025 - 06:47

 - Sau 2 vụ canh tác lúa liên tục, nông dân nhiều địa phương trong tỉnh lựa chọn chuyển sang canh tác rau màu và các loại cây trồng ngắn ngày khác thay thế. Việc chuyển đổi góp phần thay đổi vòng quay của đất; tăng năng suất, chất lượng nông sản tăng và nâng cao thu nhập nông dân…

Hơn 20 năm nay, nhiều nông dân khu vực cồn An Thạnh (ấp An Thạnh, xã Hội An) đã quen với việc canh tác ấu trong vụ 3. Thời điểm xuống giống cây ấu vào tháng 6 (âm lịch), khi con nước từ thượng nguồn đổ về. Nhờ mang theo nhiều phù sa cung cấp dinh dưỡng, nên cây ấu phát triển nhanh.

Gia đình ông Trần Văn Thoại có nhiều năm gắn bó với mô hình trồng ấu. Ông Thoại cho biết, người dân ở đây canh tác chủ yếu là giống ấu Đài Loan. Đây là loại ấu có thời gian sinh trưởng ngắn, cho năng suất cao, thời gian thu hoạch dài. Ngoài ra, giống ấu này còn được ưa chuộng nhờ còn có phần thịt chắc, ngọt, bùi… Tuy trồng ấu Đài Loan tốn nhiều công chăm sóc và thu hoạch hơn các loại cây trồng khác nhưng loại cây trồng này cho thu nhập cao, không lo ảnh hưởng của thời tiết, giá cả ít biến động. Mặt khác, canh tác lúa trên phần đất trồng ấu sẽ cho năng suất cao hơn do có lượng lớn phù sa bồi lắng. Cây lúa đồng thời ít bị dịch bệnh nhờ được cách ly được 1 mùa vụ, mầm bệnh không có điều kiện phát triển…

Trồng ấu vụ 3 được nông dân cồn An Thạnh duy trì nhiều năm qua

Cũng là một trong những nông dân có nhiều năm kinh nghiệm với cây ấu, ông Võ Văn Ghe (xã Hội An) cho biết, loại cây thủy sinh này trồng trong thời gian 2 tháng là có thể thu hoạch, năng suất bình quân khoảng 2 tấn/công. “Năm trước, ấu được thương lái thu mua với giá 6.000 đồng/kg. Với mức giá này, sau khi trừ chi phí, nông dân thu về lợi nhuận 9 - 10 triệu đồng/công. Bên cạnh nguồn lợi kinh tế từ cây ấu, nông dân còn tận dụng thân và lá của cây ấu để làm phân hữu cơ bón cho ruộng lúa trong những vụ mùa tiếp theo. Nhờ vậy, năng suất lúa vụ đông xuân luôn ở mức cao, chi phí sản xuất giảm đáng kể” - ông Ghe chia sẻ.

Không canh tác ấu, gia đình chị Lê Thị Thúy Kiều (xã Hội An) chọn mô hình trồng sen bán gương trong vụ 3. Lý do được chị Kiều được lựa chọn là sen dễ trồng, nhẹ công chăm sóc; gương sen giá bán cao, đầu ra ổn định...

Với diện tích 1.300m2, chị Kiều canh tác giống sen mua tại TP. Cần Thơ. Theo chị Kiều, loại cây trồng này rất thích hợp với những điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng khác nhau, nên có thể canh tác liên tục trong năm. Tuy nhiên, trong quá trình canh tác đòi hỏi người trồng phải bỏ công chăm sóc. Trước khi xuống giống phải làm đất kỹ rồi mới cho nước vào để xuống giống.

Tùy theo kỹ thuật từng người mà mật độ gieo trồng khác nhau, từ 200 - 300 bụi/công. Từ lúc xuống giống đến thu hoạch gương kéo dài trong khoảng 70 ngày  và có thể thu hoạch liên tục 1 tháng tiếp theo. Sau mỗi đợt thu hoạch, chỉ cần làm đất, có thể tiến hành trồng lại vụ sau. Đặc biệt, có thể sử dụng cây sen vụ trước, nên không phải tốn chi phí mua giống trong các vụ kế tiếp.

Ngoài những ưu điểm về phương pháp canh tác, trồng sen cho thấy hiệu quả kinh tế cao hơn so với nhiều loại cây trồng khác. Theo chị Kiều, gương sen già là nguyên liệu đầu vào để các cơ sở và doanh nghiệp tách lấy hạt sen và chế biến các sản phẩm từ hạt sen phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, nên thị trường có nhu cầu rất lớn. Gương sen lúc còn non cũng được nhiều tiểu thương và cơ sở thu mua để bán ra cho những người tiêu dùng có nhu cầu thưởng thức món hạt sen non ăn sống. Do đó, đầu ra của mặt hàng này luôn ổn định. “Sen cho năng suất bình quân 700 - 800kg gương mỗi công. Giá mặt hàng này ổn định, từ 12.000 - 15.000 đồng/kg. Trong khi đó, chi phí đầu tư 1 công sen khoảng 1,5 triệu đồng, người trồng sen có thu nhập khá” - chị Kiều thông tin.

Hiện nay, người trồng lúa gặp nhiều rủi ro với điều kiện thời tiết cực đoan diễn biến phức tạp làm giảm thu nhập và lợi nhuận. Do đó, mô hình “2 lúa 1 màu” sẽ đem lại hiệu quả thiết thực, là một giải pháp tốt để nông dân thích ứng với biến đổi khí hậu. Ngoài các loại cây trồng trên,T nhiều nông dân còn lựa chọn canh tác bắp, mè, khoai môn… trong vụ 3. Cách làm này giúp nông dân tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống. Đồng thời, giúp cải tạo đất để vụ lúa đông xuân được thuận lợi hơn.

ĐỨC TOÀN