Châu Phú có 618,85ha diện tích sản xuất tập trung ở các vùng: Trồng sầu riêng xã Bình Chánh 50ha; trồng nhãn xuồng Khánh Hòa 136ha; trồng nhãn Mỹ Đức 7ha; sản xuất rau màu tập trung tại vùng Bắc Kênh Đình (xã Bình Thủy) 265ha; sản xuất rau màu tập trung 60ha tại vùng lòng hồ Khánh Phát và 10ha tại vùng lung Khánh Mỹ (xã Khánh Hòa); phát triển 12ha sản xuất rau màu tập trung tại vùng dân cư Nam Kênh Vịnh Tre - Tây Kênh 7 - Kênh 8 - Mương Bờ Dâu - Tỉnh lộ 945 mới ấp Thạnh Hòa (xã Thạnh Mỹ Tây); 78,85ha sản xuất cá lóc giống theo tiêu chuẩn GlobalGAP xã Mỹ Phú. Duy trì, mở rộng diện tích 2 vùng nuôi thủy sản ứng dụng công nghệ cao của Công ty TNHH MTV Nuôi trồng thủy sản Nam Việt Bình Phú (tại 3 ấp Bình Quới, Bình Thới, Bình Đức, xã Bình Phú) và Công ty TNHH Phát triển Lộc Kim Chi (ấp Mỹ Phước, xã Mỹ Phú).
Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Phú Huỳnh Văn Tính cho biết, theo kế hoạch sản xuất nông nghiệp của huyện Châu Phú, năm 2025, địa phương sẽ phát triển thêm 20ha diện tích trồng sầu riêng ở xã Bình Chánh, 4ha trồng nhãn xuồng xã Khánh Hòa, 2ha trồng nhãn Mỹ Đức, 23ha sản xuất rau màu tập trung ở 2 xã Bình Thủy và Thạnh Mỹ Tây. Đồng thời, phát triển thêm 5ha diện tích vùng sản xuất cá lóc giống theo tiêu chuẩn GlobalGAP tại xã Mỹ Phú. Đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, chất lượng nông - thủy sản, khả năng cạnh tranh, gắn với phát triển thương mại - dịch vụ, du lịch. Tập trung triển khai kế hoạch thực hiện Đề án phát triển bền vững 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030 trên địa bàn huyện.
Sản xuất tập trung, hướng đến mục tiêu gia tăng sự đồng nhất về chất lượng nông sản
Để thực hiện hiệu quả mục tiêu đề ra, ngành nông nghiệp huyện Châu Phú sẽ phối hợp các đơn vị liên quan đẩy mạnh tập huấn, khuyến nông, đào tạo nghề, xây dựng các mô hình trình diễn để chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới trong các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản đến nông dân, giúp nâng cao kỹ năng, tăng hiệu quả sản xuất nông nghiệp. Tiếp tục duy trì, ổn định hoạt động sản xuất và cung ứng giống, xúc tiến đầu tư, quảng bá hình ảnh, thương hiệu sản phẩm, có truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn địa lý; sử dụng giống xác nhận, ứng dụng “1 phải, 6 giảm”, công nghệ thu hoạch và sau thu hoạch, gieo sạ và bón phân bằng máy, ứng dụng Drone (thiết bị bay không người lái) trong sản xuất lúa.
Đồng thời, tuyên truyền người dân tham gia tổ liên kết sản xuất, hợp tác xã để đảm bảo quyền lợi khi tham gia chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ theo “cánh đồng lớn”, Đề án 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao. Đặc biệt, chú trọng tuyên truyền giữa nông dân với nông dân thông qua các buổi sinh hoạt câu lạc bộ, hợp tác xã, tổ hợp tác, nhằm thay đổi tư duy của người dân về phương thức sản xuất và tiêu thụ hàng hóa theo hướng bền vững. Tiếp tục duy trì, ổn định hoạt động sản xuất và cung ứng giống. Khuyến khích đăng ký chất lượng thương hiệu để đảm bảo nguồn giống lúa có chất lượng cao đáp ứng nhu cầu sản xuất.
Đối với vùng sản xuất rau màu, ngành nông nghiệp huyện tăng cường vận động nông dân ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật công nghệ mới, như: Nhà màng, nhà lưới, hệ thống tưới phun tự động, phân bón hữu cơ sinh học; sử dụng giống lai F1, giống nuôi cấy mô, kỹ thuật tưới nhỏ giọt tiết kiệm nước, sử dụng thuốc theo nguyên tắc “4 đúng” (đúng thuốc, đúng lúc, đúng nồng độ, liều lượng và đúng cách), sử dụng các sản phẩm phân hữu cơ sinh học, vi sinh, đảm bảo thời gian cách ly, ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất. Bên cạnh đó, chú trọng kiện toàn, củng cố lại các tổ sản xuất rau màu theo hướng an toàn; mời gọi các công ty, doanh nghiệp liên kết sản xuất và tiêu thụ rau màu an toàn.
Riêng vùng sản xuất cây ăn trái sẽ tiếp tục tiếp nhận, chuyển giao các giống cây ăn trái mới cho nông dân trong huyện. Phối hợp các sở, chi cục, trung tâm mở các lớp cập nhật kiến thức chuyên môn và kiến thức sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cho đội ngũ cán bộ ngành nông nghiệp từ cấp huyện đến cấp xã. Song song đó, sẽ hỗ trợ phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, ứng dụng công nghệ cao, như: Nuôi gia cầm trên đệm lót lên men, nuôi trong hệ thống chuồng kín, phát triển các sản phẩm sạch, nhân rộng chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ lươn trong mô hình nuôi lươn theo tiêu chuẩn VietGAP ở xã Thạnh Mỹ Tây.
MỸ LINH