Châu Thành đồng hành cùng doanh nghiệp phát triển

13/03/2024 - 07:19

 - Huyện Châu Thành (tỉnh An Giang) tập trung triển khai nhiều giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, sản xuất - kinh doanh (SXKD), nâng cao năng lực cạnh tranh, góp phần tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ doanh nghiệp (DN) hoạt động, phát triển ổn định. Qua đó, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội (KTXH) phát triển, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần Nhân dân…

Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Thành Hồ Hữu Tài cho biết: “Năm qua, tình hình KTXH huyện Châu Thành tiếp tục phát triển. Các chính sách phục hồi, phát triển kinh tế được địa phương tập trung toàn diện, góp phần ổn định, nâng cao đời sống Nhân dân".

Phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương, huyện triển khai mạnh mẽ các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, tạo thuận lợi cho các thành phần kinh tế phát triển SXKD. Năm 2023, huyện phát triển mới 15 cơ sở sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, với tổng vốn đầu tư 3,1 tỷ đồng; nâng tổng số cơ sở trên địa bàn huyện 1.195 cơ sở, tạo việc làm ổn định gần 2.900 lao động, với tổng vốn gần 155 tỷ đồng. Huyện phát triển mới 218 cơ sở thương mại - dịch vụ, nâng toàn huyện có 9.622 cơ sở, giải quyết việc làm cho gần 16.330 lao động, với tổng vốn gần 604 tỷ đồng.

Các doanh nghiệp phát biểu họp mặt, gặp gỡ lãnh đạo huyện

Châu Thành tập trung đẩy mạnh đào tạo nghề gắn với phục vụ sản xuất nông nghiệp, nghề truyền thống, nghề mới. Đồng thời, có chế độ khuyến khích, động viên người học nâng cao trình độ tay nghề, phục vụ tốt thị trường lao động. Năm qua, huyện đào tạo nghề cho 2.135 lao động nông thôn (đạt 177,91% kế hoạch); giải quyết việc làm cho hơn 9.360 lao động (đạt 156,12%); có 75 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động (đạt 125%).

Với thế mạnh sản xuất nông nghiệp, huyện từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp phù hợp với điều kiện địa phương. Tập trung rà soát, cơ cấu lại sản xuất, tích cực vận động nông dân chuyển đổi diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả, vườn tạp sang trồng cây ăn trái và các loại rau màu an toàn, chất lượng, cạnh tranh cao.

Ngoài ra, khuyến khích, tạo điều kiện mời gọi các tổ chức, cá nhân, DN đầu tư, nhân rộng các mô hình có tiềm năng phát triển sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nhất là thực hiện chuỗi liên kết sản xuất… góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, tăng sức cạnh tranh trên thị trường, đảm bảo đầu ra ổn định cho nông dân.

Địa phương triển khai thực hiện nhiều giải pháp khuyến khích đầu tư, tạo thuận lợi về đất đai, giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất sạch. Đồng thời, tập trung cải cách hành chính, phát triển nguồn nhân lực, đào tạo nguồn lao động có tay nghề đáp ứng nhu cầu của DN, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh… nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho các DN khi lựa chọn Châu Thành là điểm đến đầu tư.

Huyện Châu Thành đang tập trung kêu gọi đầu tư các dự án thuộc các lĩnh vực, như: Trung tâm thương mại - dịch vụ (khu phức hợp); Khu đô thị sinh thái nước An Châu; Khu ẩm thực đô thị An Châu; Khu đô thị giáo dục - y tế và nông nghiệp công nghệ cao; Khu dân cư thương mại Mương Trâu; Khu đô thị công nghiệp công nghệ cao; Khu đô thị thương mại - dịch vụ Logistisc; mở rộng Khu dân cư - chợ Vĩnh Lợi; Khu dân cư Thương mại - Hành chính Vĩnh Hanh; Khu dân cư thương mại - hành chính Vĩnh An; Trạm dừng chân và quảng bá sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm); Khu trung tâm phân loại phế liệu; Khu sinh thái - du lịch di tích lịch sử; Khu nghỉ dưỡng sinh thái Bình Thạnh…

Huyện Châu Thành sẽ tạo mọi điều kiện tốt nhất để các DN an tâm đầu tư, phát triển SXKD trên địa bàn, trên tinh thần hợp tác, bình đẳng, tuân thủ quy định của pháp luật. Các ban, ngành, chính quyền địa phương nêu cao tinh thần trách nhiệm, kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn của DN trong quá trình đầu tư, SXKD trên địa bàn.

Đồng thời, tập trung cải cách hành chính theo hướng công khai và rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính, nhất là các thủ tục liên quan trực tiếp đến quyền lợi của DN; phát triển nguồn nhân lực, đào tạo nguồn lao động có tay nghề đáp ứng nhu cầu của DN; cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh… Qua đó, góp phần tạo môi trường thuận lợi cho người dân và DN phát triển SXKD, thu hút các nguồn lực đầu tư, thúc đẩy KTXH phát triển.

TRUNG HIẾU