Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PHNT) huyện Châu Thành Nguyễn Phạm Tuấn cho biết: “Thời gian qua, huyện Châu Thành tập trung đẩy mạnh cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp, trong đó, chú trọng khai thác và tận dụng tốt lợi thế của địa phương để nâng cao giá trị, tăng sức cạnh tranh của nông sản địa phương. Bên cạnh sắp xếp, quy hoạch lại các vùng sản xuất tập trung, huyện luôn quan tâm hỗ trợ nông dân ứng dụng khoa học - kỹ thuật, công nghệ tiên tiến vào sản xuất và từng bước chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi mang lại giá trị kinh tế cao, phù hợp điều kiện địa phương, thích ứng với biến đổi khí hậu và dịch bệnh. Đồng thời, tích cực vận động, hỗ trợ nông dân chuyển đổi diện tích từ đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng rau màu và cây ăn trái, theo kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp”.
Tổng diện tích xuống giống lúa 6 tháng đầu năm 2024 trên 55.172ha (đạt 99,38% kế hoạch); 96,43% diện tích xuống giống áp dụng “3 giảm, 3 tăng”, 71,46% diện tích xuống giống áp dụng chương trình tưới tiết kiệm nước và 66,21% áp dụng “1 phải, 5 giảm”. Tổng diện tích xuống giống gần 1.469ha (tăng 152,14ha so cùng kỳ, đạt 53,01% kế hoạch cả năm). Tình hình chăn nuôi gia súc, gia cầm ổn định không xảy ra dịch bệnh nguy hiểm trên địa bàn huyện. Tổng đàn gia súc, gia cầm 274.104 con/2.410 hộ. Trong đó, tổng đàn gia súc 8.816 con/2.008 hộ; tổng đàn gia cầm 265.288 con/402 hộ...
Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng
Huyện Châu Thành quan tâm đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo hướng tăng giá trị và chất lượng nông sản đáp ứng nhu cầu xuất khẩu. từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp và phát triển hệ thống trạm bơm điện đảm bảo tưới tiêu trong sản xuất. Ngành NN&PTNT huyện phối hợp các ngành chuyên môn sớm chuyển giao những công nghệ giống cây, con, công nghệ bảo quản, chế biến nông sản… Bên cạnh đó, đẩy mạnh cơ giới hóa trong thu hoạch lúa, nâng diện tích sản xuất lúa giống, lúa chất lượng cao. Đặc biệt, tăng cường hỗ trợ nông sản của nông dân, doanh nghiệp (DN), hợp tác xã, tổ hợp tác trên địa bàn huyện tiếp cận và kết nối tiêu thụ với các hệ thống phân phối, DN, chợ, điểm bán nông sản trong và ngoài tỉnh.
Trưởng phòng NN&PTNT huyện Châu Thành Nguyễn Phạm Tuấn cho biết, trên cơ sở phân tích, đánh giá thực trạng của địa phương, huyện sẽ tiếp tục cơ cấu lại các lĩnh vực của ngành, ưu tiên đầu tư phát triển sản phẩm có tính cạnh tranh cao. Đồng thời, tiếp tục kêu gọi, tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích DN, nông dân đầu tư ứng dụng công nghệ cao vào trồng trọt, chăn nuôi.
Huyện hỗ trợ nông dân áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất; chuyển đổi diện tích từ đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng rau màu và cây ăn trái phù hợp điều kiện địa phương. Đồng thời, tập trung phát triển kinh tế tập thể, kinh tế trang trại; phát huy hiệu quả, sử dụng chế phẩm vật tư nông nghiệp thân thiện môi trường; đảm bảo nguồn giống tốt để sản xuất. Bên cạnh đó, đẩy mạnh liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; phối hợp với chính quyền địa phương và các DN tăng cường liên kết sản xuất, kết nối tiêu thụ các mặt hàng nông sản, đảm bảo đầu ra ổn định cho nông dân… nhằm tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
KHÁNH MY