Tỷ phú Jeff Bezos sẽ du hành không gian vào ngày 20-7. (Nguồn: Blue Origin)
Blue Origin, công ty hàng không vũ trụ sáng lập bởi tỷ phú Jeff Bezos, vừa bán một suất bay lên vũ trụ với giá 28 triệu USD.
Suất bay này được bán trong cuộc đấu giá diễn ra ngày 12-6 và mức giá 28 triệu USD đạt được chỉ sau có 10 phút giao dịch. Tên tuổi của người thắng cuộc đấu giá hiện vẫn chưa được tiết lộ
Tuy nhiên người thắng đấu giá sẽ được quyền bay trên tàu vũ trụ New Shepard mới của Blue Origin, hoặc chỉ định một người khác tham gia chuyến bay.
Cuộc đấu giá này đã bắt đầu được khởi động từ tháng 5, trước cả khi có tin nhà sáng lập công ty công nghệ đa quốc gia Amazon sẽ cùng anh trai thực tham gia chuyến bay có người đầu tiên của Blue Origin, trên tàu New Shepard.
Theo Ariane Cornell, Giám đốc bán hàng của Blue Origin, đã có 7.600 người từ 159 quốc gia đăng ký tham gia cuộc đấu giá.
Số tiền thu được từ cuộc đấu giá sẽ được quyên góp cho “Câu lạc bộ Vì Tương lai” của Blue Origin, nhằm thúc đẩy nghiên cứu giáo dục khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học cho thế hệ tương lai. Đây được coi là một phép thử đối với giới siêu giàu, nhằm kiểm tra xem họ sẵn sàng chi trả bao nhiêu cho một chuyến bay ngắn vào vũ trụ.
Mức giá 28 triệu USD của Blue Origin cao hơn nhiều so với vé được bán ra bởi đối thủ cạnh tranh trực tiếp là Virgin Galactic.
Mặc dù những khách hàng mua vé của Virgin Galactic chưa được bay vào vũ trụ nhưng 600 vé đã bán ra của công ty này chỉ dao động từ 200.000 đến 250.000 USD mỗi vé.
Tuy nhiên, mức giá của Blue Origin vẫn thấp hơn nhiều so với chi phí để bay vào quỹ đạo của SpaceX - công ty do tỷ phú Tesla Elon Musk sáng lập. Khách tham gia chuyến bay của SpaceX sẽ được đi vòng quanh quỹ đạo Trái đất hoặc thậm chí là lên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS). Đổi lại, họ phải bỏ ra số tiền lên tới 55 triệu USD.
Theo kế hoạch, chuyến bay trên tàu New Shepard sẽ kéo dài 10 phút, trong đó hành khách có 4 phút để "tận hưởng thời gian" trên đường Karrman - khu vực ranh giới giữa bầu khí quyển Trái Đất và vũ trụ.
Theo PHƯƠNG LINH (Vietnam+)