Chia sẻ sản phẩm tri thức tới cộng đồng thông qua cổng thông tin điện tử

28/06/2024 - 14:53

Hai tỉnh nằm trong vùng dự án thuộc vùng thượng nguồn ĐBSCL bao gồm: Đồng Tháp, An Giang. Trong những năm gần đây, với sự tham gia của Dự án hỗ trợ kỹ thuật cho dự án Chống chịu khí hậu tổng hợp và sinh kế bền vững đồng bằng sông Cửu Long (GEF-ICRSL), các địa phương đã có những thay đổi tích cực trong hoạt động canh tác, theo hướng thông minh và bền vững hơn.

Cũng trong bối cảnh đó, sự ra đời của cổng thông tin điện tử tri thức đã góp phần hệ thống hoá cơ sở dữ liệu của vùng, lưu trữ thông tin đúng, cách làm hay từ đó lan toả hiệu quả của dự án trên địa bàn.

Ứng dụng loại hình sinh kế bền vững cho vùng thượng nguồn

Dự án hỗ trợ kỹ thuật cho Dự án chống chịu khí hậu tổng hợp và sinh kế bền vững đồng bằng sông Cửu Long (GEF-ICRSL) được hỗ trợ từ Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) ủy thác thông qua Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam. Dự án được bắt đầu từ năm 2017 trên địa bàn 8 tỉnh, trong đó có 2 tỉnh nằm trong vùng dự án thuộc vùng thượng nguồn đồng bằng sông Cửu Long.

Trong khuôn khổ thực hiện dự án, hoạt động nghiên cứu và đổi mới sáng tạo hỗ trợ sinh kế chống chịu với biến đổi khí hậu hướng tới canh tác thông minh được thực hiện, nhằm ứng phó với lũ và quản lý nguồn nước hiệu quả.

Một ví dụ điển hình có thể kể đến đó là phát triển các loại hình sinh kế hiệu quả, giúp thích ứng với biến đổi khí hậu, sống chung với lũ tại vùng thượng nguồn. Trong đó, các mô hình triển khai được ứng dụng như phát triển 2 vụ lúa đông xuân - hè thu theo hướng an toàn sinh học, kết hợp với khai thác cá tự nhiên trong mùa lũ; Áp dụng các biện pháp cải tiến cho cây ăn trái, nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu; hoạt động phát triển sản xuất 2 vụ lúa kết hợp nuôi vịt, nuôi cá đồng hoặc quản lý cá tự nhiên trong mùa lũ.

Đăng quầng đánh bắt thủy sản dựa trên cộng đồng vào mùa lũ ở An Giang

Việc ứng dụng hiệu quả các loại hình này đã giúp hàng triệu nông dân tại vùng dự án cải thiện kinh tế và sử dụng nguồn tài nguyên hiệu quả. Cũng thông qua việc ứng dụng các loại hình sinh kế thích ứng biến đổi khí hậu, nguồn lợi thủy sản nước ngọt vùng thượng nguồn đồng bằng sông Cửu Long ngày càng trù phú hơn.

Dự án đã triển khai các hoạt động hỗ trợ trong đó có xác định, đánh giá và lựa chọn những loại hình sinh kế thích ứng với biến đổi khí hậu thông qua thực hành quản lý nước, nông lâm ngư nghiệp, đánh giá về tác động môi trường, kinh tế và xã hội. Từ những hiệu quả của dự án các hoạt động truyền thông nhân rộng và những sản phẩm tri thức về quản lý nước, nông lâm thủy sản được quan tâm và chia sẻ.

Tăng cường việc ứng dụng triển khai loại hình sinh kế

Sau một thời gian triển khai loại hình sinh kế mới tại vùng dự án, nhằm tăng cường các công cụ cho việc lập kế hoạch thích ứng với biến đổi khí hậu, cũng như khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu cho việc thực hành quản lý đất đai và nguồn nước tại các tỉnh của đồng bằng sông Cửu Long, nhiều nhiệm vụ mới của dự án tiếp tục được đưa vào thực hiện.

Điển hình có thể kể đến hoạt động khảo sát, thu thập, chuẩn hóa và biên tập các sản phẩm tri thức dựa vào dữ liệu từ kết quả của các hợp phần trong khuôn khổ dự án, xây dựng phần mềm và cổng thông tin chia sẻ tri thức, xây dựng ấn phẩm (giấy), biên tập video/clip, tài liệu hướng dẫn, tổ chức hội thảo, lên kế hoạch và thực hiện các biện pháp truyền thông, tăng hiệu quả của công thông tin… Thông qua chuỗi hoạt động này, việc xây dựng danh mục dữ liệu thu thập sẵn sàng đưa vào sử dụng trong quá trình khảo sát, thu thập dữ liệu.

Bên cạnh đó, các sản phẩm tri thức được xây dựng và phát triển dựa trên thông tin, tài liệu và kết quả của các nghiên cứu thuộc dự án. Thông tin dữ liệu này được sàng lọc và lựa chọn chi tiết để phù hợp với việc truyền tải các tri thức về thực hành. Đáng chú ý, thông tin này được số hoá và được thiết kế, đóng gói theo hướng đa phương tiện, từ đó chia sẻ sản phẩm tri thức rộng rãi tới cộng đồng.

Đáng chú ý, dưới sự chỉ đạo của Ban Quản lý Trung ương các dự án thủy lợi (CPO), nhóm chuyên gia công nghệ thông tin, chuyên gia nông nghiệp, chuyên gia truyền thông cùng sự ỗ trợ của các cán bộ, chuyên gia liên quan… cổng thông tin đã trở thành địa chỉ tin cậy trong việc tìm kiếm các loại hình sinh kế phù hợp, cách làm hay, là nơi cung cấp kiến thức chuyên môn về nông nghiệp, tổng hợp hướng dẫn thực hiện triển khai các loại hình sinh kế một cách khoa học, chính xác.

Giao diện Cổng thông tin điện tử chia sẻ tri thức

Không những vậy, đây còn là nơi kết nối của các cơ quan Nhà nước, Bộ Nông nghiệp, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các huyện, thị và các hợp tác xã với bà con nông dân, từ đó thông tin được chia sẻ một cách nhanh chóng, chính xác và đa dạng làm nguồn dữ liệu tham khảo cho các bên liên quan, cũng như kết nối hệ thống sản xuất và đầu ra tiêu thụ.

Sự ra đời của cổng thông tin hướng tới cung cấp xây dựng, phát triển và quản trị nguồn thông tin tri thức có hiệu quả và bền vững, chia sẻ tri thức, đặc biệt là tri thức số một cách khoa học và bài bản tại các vùng sinh kế của dự án . Cổng thông tin điện tử không chỉ là “bách khoa toàn thư” về dự án chống chịu khí hậu  tổng hợp và sinh kế bền vững đồng bằng sông Cửu Long, mà còn là kho dữ liệu để các hợp tác xã điển hình có thể chia sẻ các sản phẩm nông nghiệp của địa phương.

Trong bối cảnh thông tin phát triển như hiện nay, bài toán được đặt ra đó là làm sao để các thông tin chính thống, chuẩn xác được chia sẻ một cách rộng rãi, vai trò của cổng thông tin điện tử chia sẻ tri thức vô cùng quan trọng.  Bởi dữ liệu khi càng được chia sẻ, được sử dụng nhiều, sẽ càng tạo ra giá trị.

Để có thêm thông tin về Cổng thông tin điện tử chia sẻ tri thức vui lòng truy cập sinhkedbscl.vn

Bài, ảnh: P.V