Chiếc khăn rằn tin yêu

26/10/2021 - 06:10

 - Khác với thông lệ, lần này, trước chuyến đi thăm hỏi, động viên cán bộ, chiến sĩ (CBCS) làm nhiệm vụ phòng, chống dịch COVID-19, UBND TP. Long Xuyên (tỉnh An Giang) đặt mua 600 chiếc khăn rằn đủ màu sắc làm quà tặng. Lần lượt, những chiếc khăn được quàng lên cổ từng người, hòa hợp một cách lạ lùng với quân phục, áo blouse trắng và áo xanh tình nguyện…

Trao gửi tin yêu

Người dân Nam Bộ có xa lạ gì với chiếc khăn rằn đâu. Từ mấy mươi năm trước, khăn rằn theo ông bà, cha mẹ đi khai hoang mở cõi, đi kháng chiến, ra ruộng đồng. Chiếc khăn tượng trưng cho phong cách đặc sệt Nam bộ, xuất hiện ở bất cứ nơi đâu cũng phù hợp, nam phụ lão ấu đều thích dùng. Che nắng, lau cơ thể; quấn trên đầu, choàng cổ, cột ngang eo lưng… chiếc khăn được sử dụng linh hoạt vô cùng, như tính cách phóng khoáng của người dân nơi đây.

Chiếc khăn vẫn chưa thất truyền, vẫn là hồn cốt của quê mình. Nhưng ở phố thị Long Xuyên thì ít thấy. Quần là áo lượt hay trang phục công sở khó hòa hợp với khăn, kiểu như mù tạt không quyện được với mắm kho. Ấy vậy mà, trong chuyến thăm hỏi CBCS công an, quân sự, y, bác sĩ, đoàn viên, thanh niên, công nhân môi trường đô thị… mấy trăm chiếc khăn rằn được trân trọng choàng lên cổ họ. Xuất hiện bên bạn trẻ tràn đầy sức sống, lực lượng vũ trang quy củ, nghiêm túc, đến công nhân rám nắng, bộ đồng phục bạc màu… chiếc khăn vững vàng làm nhiệm vụ của mình: trao gửi tin yêu.

Tin yêu ấy được tô đậm trong hành trình nhiều tháng nay. “Cuộc chiến” phòng, chống dịch COVID-19 diễn ra đầy vất vả, TP. Long Xuyên khó khăn lắm mới giữ được “vùng xanh”. Chưa thở phào được bao lâu, đầu tháng 10, trên 60.000 người dân An Giang từ khắp các tỉnh, thành phố tự phát trở về quê. Cửa ngõ TP. Long Xuyên tất bật với công tác tiếp nhận, phân loại, sàng lọc, phối hợp 10 huyện, thị xã, thành phố còn lại trong tỉnh để đưa người dân về địa phương an toàn. Rồi mọi vất vả, khó nhọc cũng trôi qua, TP. Long Xuyên trọn vẹn tin yêu trong lòng người xa xứ trở về: nơi của hào sảng, nghĩa tình, chu đáo.

Đằng sau thành quả đó là nỗ lực của 1.700 CBCS, công nhân viên chức thành phố, ở mọi vị trí công tác. Lâu lắm rồi, họ chưa có giấc ngủ bình yên, trọn vẹn. Những đêm trắng truy vết ca nhiễm COVID-19, liên tục tiếp nhận, kiểm soát người và phương tiện ra vào địa bàn, xử lý khối lượng rác thải khổng lồ… vắt kiệt sức lực của họ. Nhiều lực lượng được tăng cường lên huyện, thị xã khác trong tỉnh, hỗ trợ dập tắt “điểm nóng”. Đã có những tổn thất, khi lực lượng làm nhiệm vụ không may nhiễm bệnh, bị thương trong ca trực. Đã có những lúc sức khỏe từng người bị bào mòn nghiêm trọng. Có thời gian, áp lực dư luận nặng nề, địa phương liên tục tìm giải pháp xử lý ổn thỏa... Ngày qua ngày, họ đã kiên cường, mạnh mẽ vượt qua như thế!

Tri ân những cống hiến thầm lặng

“Lãnh đạo TP. Long Xuyên rất tri ân những cống hiến thầm lặng, tận tụy của các lực lượng làm nhiệm vụ. Để bày tỏ lòng tri ân ấy, đáng lẽ chúng tôi tổ chức buổi lễ tuyên dương, vinh danh mọi người. Tuy nhiên, dịch bệnh không cho phép. Vì vậy, chúng tôi đến thăm từng lực lượng riêng biệt, trao tặng giấy khen và món quà nhỏ” - Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP. Long Xuyên Đặng Thị Hoa Rây bày tỏ.

“Món quà nhỏ” chính là chiếc khăn rằn, nổi bật vô cùng giữa đồng phục, quân phục màu xanh, vàng, trắng. Quả thật, chiếc khăn chẳng đáng giá về vật chất, nhưng chứa đựng sự động viên tinh thần, được gửi gắm niềm tin, niềm kiêu hãnh của lãnh đạo địa phương đến với đội ngũ CBCS của mình. Ngần ấy cá nhân gắn kết với nhau, trở thành một tập thể đoàn kết, đồng lòng, xông pha ra trận, như ông cha ngày xưa một lòng chiến thắng kẻ thù xâm lược.

Phía trước vẫn còn rất nhiều khó khăn. Dịch bệnh chưa biết khi nào bị đẩy lùi, tư duy chống dịch được thay bằng tư duy quản lý dịch, thích ứng với dịch, xây dựng cuộc sống bình thường mới. TP. Long Xuyên từng bước “mở cửa” để phát triển kinh tế - xã hội, vực dậy đời sống người dân sau dịch. Mỗi ngày, cuộc sống biến chuyển khác hẳn, chẳng thể đoán trước điều gì. Chính vì thế, trách nhiệm của CBCS, công nhân viên chức sẽ càng nặng nề, khi thực hiện 2 nhiệm vụ song song.

“Chúng ta bắt đầu giai đoạn mới, việc này không dễ chút nào. Giao thương hàng hóa, tiếp xúc giữa người với người nhộn nhịp trở lại, tương ứng với việc dịch bệnh len lỏi phức tạp hơn. Mấy ngày gần đây, TP. Long Xuyên bắt đầu xuất hiện các ổ dịch mới, đặt ra rất nhiều vấn đề cần giải quyết. Tôi mong rằng, tất cả CBCS trên địa bàn nỗ lực hơn nữa, cụ thể hóa bằng công việc của đơn vị, cá nhân mình, tham gia phòng, chống dịch hiệu quả hơn, hoàn thành nhiệm vụ Đảng, nhà nước đã tin tưởng giao phó” - bà Đặng Thị Hoa Rây nhắn gửi.

Buổi gặp gỡ diễn ra rất nhanh chóng, gọn nhẹ, vì công việc ngổn ngang vẫn đang đợi chờ từng người. Cám ơn thay cho các đơn vị, cá nhân, thượng tá Hà Minh Triết, Chính trị viên Ban Chỉ huy Quân sự TP. Long Xuyên chia sẻ: “Được lãnh đạo Thành ủy, HĐND, UBND, UBMTTQVN thành phố đến thăm, biểu dương, chúng tôi xem đây là vinh dự, sự động viên to lớn. Đồng thời, cũng nhận thấy rõ trách nhiệm lớn lao của mình. Chúng tôi nguyện cố gắng hết sức mình, tiếp tục xây dựng lực lượng đoàn kết, vững mạnh, hoàn thành tốt nhiệm vụ phòng, chống dịch được giao”.

Chiếc khăn thơm mùi vải mới, tô điểm cho những nụ cười sáng rỡ. Có lẽ, chẳng ai nỡ sử dụng chúng, mà sẽ đem cất chúng vào một góc riêng, lưu giữ minh chứng cho một thời “khói lửa”. Để rồi, sau này họ hồi tưởng lại, mình đã có những tháng ngày xông pha nơi “chiến trường” chống dịch, bằng tất cả sự nhiệt tình, phóng khoáng, hào sảng của người An Giang, mà chiếc khăn rằn là biểu tượng rõ nét nhất. 

GIA KHÁNH