Thiết thực, nhân văn
“Mục đích của việc vận động là duy trì và đảm bảo chất lượng giáo dục tại các trường trên địa bàn, trong điều kiện giãn cách xã hội, thể hiện tinh thần “Tương thân tương ái”, tất cả vì học sinh thân yêu, với quyết tâm không để một học sinh nào bị mất cơ hội học tập vì dịch bệnh COVID-19” - Trưởng phòng GD&ĐT TP. Long Xuyên Dương Kiếm Anh chia sẻ.
Chương trình “Sóng và máy tính cho em” (gọi tắt là chương trình) do Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, Bộ GD&ĐT phối hợp thực hiện, đã được tổ chức lễ phát động trực tuyến vào tối 12-9. Chương trình được xây dựng và triển khai với mục đích hỗ trợ các em học sinh khó khăn có điều kiện học tập trực tuyến hiệu quả.
Ở ngay đô thị Long Xuyên vẫn có nhiều học sinh chưa thể tiếp cận việc học trực tuyến, vì hoàn cảnh khó khăn. Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Du Nguyễn Thị Kiều thông tin: “Trường còn khoảng 5% học sinh thuộc diện khó khăn cần hỗ trợ trang thiết bị để học trực tuyến. Để các em có điều kiện học tập, Ban Giám hiệu nhà trường đã vận động các nhà hảo tâm, sự đồng hành của các bậc phụ huynh, doanh nghiệp, chính quyền địa phương chung tay đóng góp hiện vật và tiền, giúp tất cả học sinh có điều kiện học tập”.
Em Phan Thành Long chăm chú theo dõi nhân viên kỹ thuật lắp máy vi tính học trực tuyến
Vừa bước vào lớp 4, mẹ đi làm xa, em Phan Thành Long sống với cha, gặp rất nhiều khó khăn khi học trực tuyến, thậm chí chưa thể kết nối được với cô giáo chủ nhiệm. Mới đây, em được Ban Giám hiệu Trường Tiểu học Nguyễn Du cấp bộ máy vi tính để bàn. Long bày tỏ: “Con mừng lắm khi biết mình có máy vi tính để học với cô và thấy mặt bạn bè. Con rất cám ơn các thầy cô của trường và cô chú tài trợ, giúp đỡ con có điều kiện để học tập”.
Là một trong những nhà hảo tâm thường xuyên hỗ trợ cho Trường Tiểu học Nguyễn Du, ông Nguyễn Đình Luân (Trưởng ban đại diện cha mẹ học sinh) cho biết: “Sóng và máy tính cho em” là chương trình có ý nghĩa xã hội và nhân văn sâu sắc. Ngoài việc hỗ trợ cho các em có hoàn cảnh khó khăn thiết bị học trực tuyến, chương trình còn góp phần để mỗi nhà đều có sóng Internet, nâng cao hiệu quả học tập. Chính vì vậy, tôi quyết định đồng hành với nhà trường và học sinh trong khả năng đóng góp của mình”.
Nâng cao hiệu quả học trực tuyến
Ông Dương Kiếm Anh đánh giá: “Việc dạy học trực tuyến có những thuận lợi, khi tích cực ứng dụng công nghệ thông tin vào quá trình dạy học, nâng cao ý thức của học sinh trong tự giác học tập, bồi dưỡng kỹ năng, xây dựng và lựa chọn học liệu. Giáo viên bước đầu biết sử dụng ứng dụng, phần mềm dạy học khi được tập huấn. Đặc biệt, có đượ c sự quan tâm, hỗ trợ củ a phụ huynh trong các buổi học và không phả i mấ t thờ i gian đưa rước con em cũng như yên tâm về việc phòng, chống dịch COVID-19. Học sinh gần gũi và chia sẻ hoạt động học tập nhiều hơn cùng người thân. Ngoài ra, học sinh tham gia học được gặp bạn bè, thầy cô. Chương trình sẽ là cơ hội tốt giúp thầy cô và học sinh có được nhận thức và kỹ năng, thích ứng dần với điều kiện học tập trong môi trường chuyển đổi số”.
Tuy nhiên, vẫn còn một số khó khăn cần quan tâm khi thời gian của 1 tiết học ngắn, học sinh thiếu sự rèn luyện trực tiếp từ giáo viên. Nhiều gia đình có 2 - 3 học sinh học trực tuyến nhưng chỉ có một thiết bị (điện thoại, máy tính…) để học, thời gian học trực tuyến trùng nhau nên phải cân nhắc chọn lựa. Giáo viên và học sinh đôi lúc gặp vấn đề kỹ thuật, mạng Internet không ổn định…
“Thời gian tới, Phòng GD&ĐT TP. Long Xuyên sẽ làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền đến cán bộ, giáo viên, phụ huynh học sinh, tạo được sự đồng thuận cao trong xã hội để phối hợp thực hiện nhiệm vụ dạy học trực tuyến hiệu quả. Tăng cường tương tác giữa giáo viên và học sinh trong buổi học; nhắc nhở các em chuẩn bị máy, tập vở…” - ông Kiếm Anh cho biết.
NGUYỄN HƯNG