Chiến lược văn hóa Việt Nam đến năm 2030

25/08/2021 - 19:54

 - Thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) vừa xây dựng, hoàn thiện dự thảo Chiến lược văn hóa Việt Nam đến năm 2030.

Văn hóa là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm phát triển bền vững và hội nhập quốc tế

Với quan điểm, văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội. Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thống nhất trong đa dạng, với các đặc trưng dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học. Phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người và xây dựng con người để phát triển văn hóa. Trong xây dựng văn hóa, trọng tâm là chăm lo xây dựng con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp, với các đặc tính cơ bản: yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo.

Mục tiêu cụ thể chiến lược là xây dựng hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người gắn với phát huy ý chí, khát vọng phát triển và sức mạnh con người Việt Nam, tạo môi trường và điều kiện để phát triển về nhân cách, đạo đức, trí tuệ, năng lực sáng tạo, thể chất, tâm hồn, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, ý thức tuân thủ pháp luật. Đề cao tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc, ý thức, trách nhiệm của mỗi cá nhân với gia đình, cộng đồng, xã hội và ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái đạo đức xã hội. Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, bảo đảm mọi thành viên của cộng đồng được phát triển các năng lực sáng tạo. Xây dựng văn hóa trong hệ thống chính trị, từng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và mỗi gia đình. Phát huy vai trò của gia đình, cộng đồng, xã hội trong việc xây dựng môi trường văn hóa, làm cho văn hóa trở thành nhân tố thúc đẩy con người Việt Nam hoàn thiện nhân cách.

Phát huy vai trò của văn học - nghệ thuật trong việc bồi dưỡng tâm hồn, định hướng phát triển nhân cách của con người Việt Nam, nhất là trong thế hệ trẻ. Hoàn thiện cơ chế, chính sách bảo đảm xây dựng và phát triển văn hóa, con người trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hóa, xây dựng, phát triển văn hóa số. Xây dựng thị trường văn hóa lành mạnh, tập trung phát triển một số ngành công nghiệp văn hóa để quảng bá văn hóa Việt Nam, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm cho người dân.

Theo Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Văn Hùng, để hiện thực hóa, Bộ VH-TT&DL đề ra 10 chỉ tiêu phát triển. Theo đó, tất cả các bộ, ngành, địa phương xây dựng và thực hiện hiệu quả quy tắc ứng xử văn hóa trong các lĩnh vực chuyên ngành theo chức năng, nhiệm vụ được giao. 100% đơn vị hành chính cấp xã có nhà văn hóa. 100% các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có bảo tàng, thư viện cấp tỉnh. Có ít nhất 5 di sản văn hóa vật thể và di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh. Có từ 95-100% di tích quốc gia đặc biệt và 65-70% di tích quốc gia được tu bổ, tôn tạo; 65-70% số di sản trong danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia được xây dựng đề án bảo vệ và phát huy giá trị. 80% các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được nâng cao mức hưởng thụ văn hóa, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Tập trung ưu tiên xây dựng các đề án, dự án và triển khai thực hiện bảo tồn phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số có dân số dưới 10.000 người. Có 8-10 giải thưởng văn học ASEAN; 15-20 tác phẩm văn xuôi, thơ ca xứng tầm với lịch sử hào hùng và công cuộc đổi mới của đất nước. Hàng năm, có 10-15 công trình nghiên cứu lý luận phê bình văn học, nghệ thuật chất lượng; sản xuất 55-60 phim truyện, 35-40 phim hoạt hình, 45-50 phim tài liệu, phim khoa học… Doanh thu của các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 7% GDP.

Bộ VH-TT&DL sẽ tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách, trong đó hoàn thiện hệ thống pháp luật và giải quyết những bất cập, tồn tại liên quan. Xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, xây dựng và phát huy lối sống "Mỗi người vì mọi người, mọi người vì mỗi người". Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh; xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh, nơi hình thành, nuôi dưỡng nhân cách văn hóa và giáo dục nếp sống cho con người. Nhân rộng các mô hình gia đình văn hóa tiêu biểu, có nền nếp, ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo, vợ chồng hòa thuận, cùng đoàn kết, thương yêu nhau.

Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, nâng cao mức hưởng thụ văn hóa cho đồng bào các dân tộc thiểu số thông qua việc xây dựng, tổ chức hoạt động có hiệu quả phong trào văn hóa - văn nghệ. Chú trọng quản lý các loại hình thông tin trên mạng Internet để định hướng tư tưởng và thẩm mỹ cho nhân dân, nhất là cho thanh thiếu niên. Phát triển một số lĩnh vực nghệ thuật (biểu diễn, điện ảnh, mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm, thư viện), phát triển công nghiệp văn hóa, xây dựng thị trường văn hóa lành mạnh. Hình thành thị trường sản phẩm dịch vụ văn hóa; hoàn thiện các cơ chế, chính sách phát triển công nghiệp văn hóa; phát triển những sản phẩm, loại hình văn hóa độc đáo, sáng tạo có sức lan tỏa để quảng bá, giới thiệu văn hóa Việt Nam ra thế giới.

Phát huy vai trò của truyền thông đại chúng, truyền thông mới và “Văn hóa số”. Đảm bảo 75% người dân ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo được nghe, xem các kênh phát thanh, truyền hình phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu của quốc gia và địa phương; 100% dân số các vùng còn lại được nghe, xem các chương trình này. Chủ động hội nhập, tăng cường hợp tác, giao lưu quốc tế về văn hóa; phát triển nguồn nhân lực, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và công nghệ về văn hóa, nghệ thuật…

HỮU HUYNH