Liên đoàn Lao động tỉnh trao hỗ trợ theo Quyết định 6696/QĐ-TLĐ cho công đoàn cơ sở doanh nghiệp
Theo số liệu cập nhật từ các công đoàn cơ sở doanh nghiệp (DN) trong tỉnh An Giang, đến cuối tháng 5/2023, có gần 14.000 công nhân lao động bị giảm giờ làm, mất việc làm, tập trung ở DN sản xuất giày da, may mặc, thủy sản. Trước tình hình trên, nhằm kịp thời chia sẻ khó khăn cho đoàn viên, NLĐ, Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam ban hành Nghị quyết 06/NQ-TLĐ và Quyết định 6696/QĐ-TLĐ, ngày 16/1/2023 về việc hỗ trợ đoàn viên công đoàn, NLĐ bị giảm thời gian làm việc, chấm dứt hợp đồng lao động do DN bị cắt, giảm đơn hàng trong thời gian từ ngày 1/10/2022 đến hết 31/3/2023.
“Chính sách này mang ý nghĩa nhân văn rất lớn của tổ chức công đoàn hướng đến đoàn viên, NLĐ. Đây còn là một trong các chính sách thiết thực được Tổng LĐLĐ Việt Nam triển khai nhằm chia sẻ, giảm bớt khó khăn cho đoàn viên, NLĐ từ khi dịch bệnh COVID-19 đến nay” - Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh An Giang Nguyễn Hữu Giang khẳng định.
Để đảm bảo cho đoàn viên, NLĐ được thụ hưởng các chính sách theo Quyết định 6696/QĐ-TLĐ, LĐLĐ tỉnh khẩn trương triển khai bằng nhiều kênh thông tin. Cụ thể, thông qua hội nghị trực tuyến của Tổng LĐLĐ Việt Nam triển khai Quyết định 6696/QĐ-TLĐ, Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh đã thu nhận nhiều ý kiến của cán bộ công đoàn chủ chốt và cán bộ công đoàn tại các DN có đông lao động cho việc triển khai chính sách trên.
Đồng thời, chỉ đạo ban chuyên môn gấp rút hoàn chỉnh ban hành các văn bản triển khai đến hệ thống các cấp công đoàn một cách sớm nhất. Đẩy mạnh công tác truyền thông bằng nhiều kênh, như: Xây dựng các tuyến tin, bài, thực hiện thông tin cần biết, thực hiện Infographic tuyên truyền trên các kênh thông tin báo chí trong và ngoài hệ thống, qua Zalo, Facebook, Cổng thông tin điện tử công đoàn tỉnh. Thậm chí công đoàn còn truyền thông qua người thân của cán bộ công đoàn, đoàn viên, NLĐ... để tạo sự lan tỏa sâu rộng.
Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh An Giang thành lập Tổ thẩm định tại LĐLĐ tỉnh để tổng hợp danh sách, rà soát các tiêu chuẩn, điều kiện, xét duyệt hồ sơ, thủ tục cho các đối tượng hỗ trợ. Tổ chức đoàn công tác, khảo sát việc triển khai chính sách tại các địa phương, các DN có đoàn viên, NLĐ trong đối tượng thụ hưởng. LĐLĐ tỉnh An Giang còn chỉ đạo các cấp công đoàn triển khai trên tinh thần hỗ trợ đúng đối tượng, công khai, minh bạch, không để xảy ra lợi dụng, trục lợi, sai, sót trong quá trình thực hiện.
Qua đó, nhằm kịp thời góp phần ổn định đời sống đoàn viên, NLĐ và nâng cao vai trò, vị trí của tổ chức công đoàn, luôn sát cánh cùng đoàn viên, NLĐ trong lúc khó khăn. Đến ngày 30/5/2023, Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh An Giang xét hỗ trợ cho 6.579 đoàn viên, NLĐ gặp khó khăn do DN bị cắt, giảm đơn hàng theo Quyết định 6696/QĐ-TLĐ, với tổng số tiền trên 11,3 tỷ đồng, từ nguồn tài chính công đoàn cấp huyện và tỉnh. Trong đó, đoàn viên được hỗ trợ 1 triệu đồng, NLĐ được hỗ trợ 700.000 đồng.
Chị Âu Thị Kiều Mỹ (công nhân của Công ty TNHH An Giang Samho, Khu công nghiệp Bình Hòa, huyện Châu Thành) là đoàn viên được hỗ trợ 1 triệu đồng theo Quyết định 6696/QĐ-TLĐ. “Đang lúc khó khăn phải giảm giờ làm, số tiền hỗ trợ đối với tôi rất ý nghĩa. Hiện nay, tình hình sản xuất của công ty vẫn trong giai đoạn khó khăn, mỗi tháng tôi làm việc khoảng 15 ngày. Do đó, việc trang trải cuộc sống phải hết sức gói ghém. Nguồn hỗ trợ lần này nói riêng và các hỗ trợ thời gian qua nói chung của công đoàn rất ý nghĩa để NLĐ được tiếp thêm tinh thần vượt khó” - chị Kiều Mỹ chia sẻ.
Nhà ở thị trấn Vĩnh Bình, 7 năm nay, hàng ngày chị Kiều Mỹ đến công ty rất chuyên cần, chịu khó để giảm bớt chi phí ở trọ. Dù hiện nay thu nhập chỉ còn 3 - 4 triệu đồng/tháng, chị vẫn kiên trì, hy vọng tình hình sớm khởi sắc.
Khá nhiều lao động làm việc trong các công ty đang cùng cảnh ngộ với chị Kiều Mỹ do DN không tìm được đơn hàng buộc phải thu hẹp sản xuất, cắt giảm nhân công. Họ cũng bày tỏ vui mừng khi được xét duyệt hỗ trợ từ Quyết định 6696/QĐ-TLĐ. Trường hợp của chị Phan Thị Hồng (công nhân Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu thủy sản Cửu Long, TP. Long Xuyên) là điển hình. Vợ chồng chị Hồng đều là công nhân thâm niên gắn bó ở công ty (18 năm).
Chị Hồng cho biết, trước đây, thu nhập bình quân của mỗi người trên 8 triệu đồng/tháng, nay giảm còn một nửa, trong khi đó phải nuôi 2 con nhỏ đang tuổi đến trường. Sau khi được công đoàn cơ sở lập danh sách xét duyệt, rất nhanh vợ chồng chị nhận được khoản hỗ trợ 700.000 đồng/người, cộng với số tiền công ty hỗ trợ thêm 300.000 đồng. “Dù tình hình khó khăn, làm việc ít hơn, chúng tôi an ủi nhau vẫn bám công ty. Đồng thời, tôi rất cảm động khi nhận được sự hỗ trợ, động viên từ công đoàn” - chị Hồng bày tỏ.
Để góp phần ổn định tình hình việc làm, đời sống NLĐ trên địa bàn tỉnh, thời gian qua, các cấp công đoàn trên địa bàn tỉnh tập trung công tác chăm lo bảo vệ quyền lợi ích của NLĐ. Đồng thời, nắm sát tình hình tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên, NLĐ và những vấn đề không tích cực để ổn định tình hình, không để tình trạng xấu, bất ổn diễn ra trong DN. LĐLĐ tỉnh đề nghị các địa phương cần kết nối với ngành chức năng, các DN trên địa bàn có nhu cầu tuyển dụng lao động để tạo việc làm mới cho NLĐ, giúp họ quay lại thị trường lao động sớm nhất có thể.
MỸ HẠNH