Cuộc kháng chiến trải qua nhiều giai đoạn, khi Việt Nam đối phó lần lượt với các kế hoạch, chiến lược của đế quốc Mỹ. Cụ thể, từ tháng 7/1954 đến hết năm 1960, cả nước tập trung đấu tranh, giữ gìn lực lượng, chuyển dần sang thế tiến công, làm thất bại bước đầu phương thức chủ nghĩa thực dân mới của đế quốc Mỹ. Từ đầu năm 1961 đến giữa năm 1965 là giữ vững và phát triển thế tiến công, đánh bại chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ. Từ giữa năm 1965 đến hết năm 1968, Đảng phát động toàn dân chống Mỹ cứu nước, đánh bại chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mỹ ở miền Nam; đánh thắng cuộc phá hoại bằng không quân, hải quân lần thứ nhất ở miền Bắc.
Từ năm 1969 đến 1973, phát huy sức mạnh liên minh chiến đấu Việt Nam với Lào, Campuchia, làm thất bại một bước chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, đánh bại cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân, hải quân lần thứ 2 ở miền Bắc, tạo thế mạnh trong đàm phán. Từ cuối năm 1973 đến ngày 30/4/1975, tạo thế và lực, thời cơ, kiên quyết tiến hành cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, kết thúc thắng lợi trọn vẹn cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Thắng lợi của nhân dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là thành quả vĩ đại nhất của sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội do Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo; là trang sử hào hùng và chói lọi trên con đường dựng nước và giữ nước mấy ngàn năm của dân tộc; chấm dứt ách thống trị hơn 1 thế kỷ của chủ nghĩa thực dân cũ và mới trên đất nước; đánh dấu bước ngoặt quyết định trong lịch sử dân tộc, đưa đất nước ta bước vào kỷ nguyên độc lập, tự do, cả nước đi lên CNXH.
Trong điều kiện đất nước tạm thời bị chia cắt làm 2 miền, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn cứ vào tình hình quốc tế, trong nước, so sánh thế và lực giữa ta và địch, nắm vững phương pháp luận của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, đề ra đường lối kháng chiến độc lập, tự chủ, đúng đắn, sáng tạo. Đồng thời, tổ chức thực hiện đường lối đó phù hợp với điều kiện cụ thể và sự phát triển của cách mạng Việt Nam trong giai đoạn mới. Đặc điểm lớn nhất và là nét độc đáo của cách mạng nước ta từ tháng 7/1954 đến tháng 5/1975, đó là Đảng ta đã thực hiện đường lối chính trị, quân sự độc lập, tự chủ, giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và CNXH, tiến hành đồng thời 2 chiến lược cách mạng: Cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân ở miền Nam và cách mạng XHCN ở miền Bắc, nhằm mục tiêu chung: Hoàn thành độc lập, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước đi lên CNXH.
Trong bài viết “Thắng lợi vĩ đại của sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước là thắng lợi của đường lối và nghệ thuật quân sự Việt Nam dưới sự lãnh đạo đúng đắn, sáng tạo của Đảng”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh tư duy chiến lược của Đảng thể hiện ở việc xác định miền Bắc là hậu phương lớn, sự nghiệp cách mạng XHCN ở miền Bắc có vai trò quyết định đối với sự nghiệp cách mạng của cả nước. Miền Nam là tiền tuyến lớn, cách mạng miền Nam có tác dụng quyết định trực tiếp đối với sự nghiệp giải phóng miền Nam. Mối quan hệ giữa 2 chiến lược cách mạng ở miền Nam - Bắc là mối quan hệ hữu cơ, gắn bó chặt chẽ với nhau, thúc đẩy và hỗ trợ nhau cùng phát triển. Đó là nét độc đáo chưa có tiền lệ trong lịch sử và là thành công lớn của Đảng ta; là nguyên nhân chủ yếu, nhân tố quyết định thắng lợi của sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước lâu dài, gay go, quyết liệt của nhân dân ta. Việc xác định đường lối cách mạng độc lập, tự chủ, đúng đắn, sáng tạo đã thể hiện tầm nhìn xa trông rộng, tài thao lược xuất sắc của Đảng, nhất là ở những thời điểm mang tính bước ngoặt của cuộc kháng chiến.
Hòa chung với các chiến dịch tiến công và nổi dậy của toàn miền Nam, trong những ngày cuối tháng 4, đầu tháng 5/1975, Đảng bộ, quân và dân An Giang nỗ lực vượt qua khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ lịch sử vẻ vang của mình: Lãnh đạo chiến dịch giải phóng các huyện, thị xã (thuộc tỉnh An Giang) trên địa bàn tỉnh Long Châu Tiền và Long Châu Hà. Chiều 2/5, Châu Thành, Châu Phú, Tri Tôn, Tịnh Biên được hoàn toàn giải phóng. Sáng 1/5, giải phóng hoàn toàn Tân Châu. Từ chiều 30/4 đến ngày 2/5, bộ đội từ hướng Mỹ An Hưng (Sa Đéc) lần lượt đánh tan các tuyến phòng ngự của địch ở Hội An, Hòa Bình, An Thạnh Trung, chiếm chi khu Chợ Mới. Chiến thắng 30/4 tại An Giang nói lên ý chí tự lực, tự cường; sự chuẩn bị chu đáo cả thế và lực tại chỗ; thực hiện nhanh, gọn, bóp chết âm mưu của các thế lực hiếu chiến, ngoan cố muốn dựa vào lực lượng phản động để tử thủ, mong chờ sự trở lại của thế lực từ bên ngoài.
Sau gần nửa thế kỷ, đóa hoa đại thắng mùa Xuân 1975 vẫn nở rộ, tỏa hương thơm ngát. Chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong chiến đấu của năm 1975 luôn được phát huy cao độ, động viên toàn thể dân tộc Việt Nam vững bước đi lên CNXH. Lòng yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng được thể hiện trên tất cả lĩnh vực, như: Đấu tranh trong lĩnh vực tư tưởng bảo vệ Đảng, bảo vệ thành quả cách mạng, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc và an ninh chính trị, lao động sản xuất, nghiên cứu, học tập, xả thân cứu dân trong thiên tai, thảm họa, đoàn kết dân tộc, tinh thần “Tương thân, tương ái”…
Khát vọng vươn mình trong hòa bình, trong xây dựng Tổ quốc hiện nay cũng thiêng liêng và mãnh liệt như ý chí giành độc lập, thống nhất Tổ quốc năm xưa!
T.M