Chỗ dựa bình yên cho những người con… khác biệt

02/10/2023 - 22:19

 - Trót sinh ra với hình hài là con trai nhưng lại mang tâm hồn con gái hoặc ngược lại là sự trớ trêu của tạo hóa, đó không phải là lỗi của những người thuộc cộng đồng LGBT. Song, họ lại thường mang tâm lý sợ hãi, xấu hổ. Với sự thấu hiểu và yêu thương, gia đình sẽ tiếp thêm cho họ niềm tin, tình yêu, sự cố gắng để cuộc sống ngày một tốt đẹp hơn.

Gia đình là chỗ dựa, là động lực để những người thuộc cộng đồng LGBT sống tốt và sống có ích hơn từng ngày

Vốn đã tồn tại từ rất lâu nhưng những hiểu biết về cộng đồng LGBT còn hạn chế, hình thành nên những định kiến khắc nghiệt về cộng đồng LGBT trong xã hội. Khi xã hội còn chưa chấp nhận người đồng tính, lưỡng tính thì hầu như tất cả những người LGBT cố gắng “giấu” bản thân và không dám sống thật với chính mình.

Ngày nay, dù tư tưởng có nhiều tiến bộ nhưng không ít người vẫn mang định kiến cho rằng, LGBT là những người có vấn đề về bệnh tâm thần, người không tuân thủ chuẩn mực xã hội. Sự kỳ thị, phân biệt đối xử của cộng đồng khiến người LGBT đối mặt với không ít khó khăn, trở ngại, ngay cả trong gia đình mình.

Đối với những người thuộc cộng đồng LGBT, thuyết phục gia đình chấp nhận xu hướng tính dục của bản thân đã là chuyện khó, việc được phụ huynh đứng về một phía với mình là nằm ngoài sức tưởng tượng. Đó là lý do vì sao từ khi ra đời ngày 11/4/2011 đến nay, Hội phụ huynh và người thân của người đồng tính, song tính và chuyển giới Việt Nam (PFLAG Việt Nam) đã tạo được sự đổi mới trong nhận thức cũng như sự chung tay của người thân, làm chỗ dựa vững chắc cho cộng đồng LGBT.

Khi nhận thức của người thân và những người xung quanh về LGBT được nâng cao thì người LGBT sẽ được đối xử tốt hơn. “Trong gia đình, nếu cha mẹ biết con mình là LGBT, đầu tiên họ sẽ bị sốc vì không ai muốn con mình khác biệt với những người khác. Bạn muốn cha mẹ chấp nhận con người thật của mình thì hãy cho họ thời gian để chấp nhận mình. Khi cha mẹ đã có đủ thời gian để chuẩn bị tâm lý, họ sẽ dần dần yêu thương và sẵn sàng đón nhận bạn” - Trương Hoàng Bảo Ngọc (đại diện cộng đồng LGBT An Giang) bộc bạch.

“Khi nghe người ta nói “con mình là bóng”, tôi đau khổ lắm. Có thời gian, tôi không nhìn mặt con, gần như từ con. Cũng vì thương con và quá kỳ vọng vào con nên có thời gian tôi rất tuyệt vọng và đau khổ. Rồi đến một ngày, tôi chợt nhận ra mình sẽ mất con mãi mãi nếu không chịu hiểu và chấp nhận nó. Tôi bắt đầu mở lòng đón nhận, cùng con chia sẻ tâm tư, tình cảm để hiểu hơn về LGBT và giúp con vượt qua định kiến của gia đình, tự tin bước ra xã hội” - cô Huỳnh Thị Kim Sang (thành viên PFLAG An Giang) chia sẻ.

Cô Nguyễn Lang Mộng là một thành viên tích cực của PFLAG Việt Nam, nhưng mấy ai biết, lần đầu tiên khi nghe con mình thú nhận là người LGBT, cô cũng đau khổ và chối bỏ con như bao người khác đã từng.

“Tôi rất xấu hổ, thậm chí cho rằng đó là một loại bệnh hoạn. Lúc đó, mỗi lần gặp con, tôi chỉ biết la mắng. Có thời gian, tôi không nhìn mặt con. Vì tôi luôn kỳ vọng con mình sau này sẽ có công việc ổn định, lập gia đình, sinh con như bao người. Rồi một ngày, tôi nhận ra mình sắp mất con vì nó có ý định tự tử. Muốn vượt qua định kiến bản thân, tôi đã tìm hiểu về cộng đồng LGBT là gì, tham gia những diễn đàn, hội thảo của cộng đồng LGBT, tôi nhận ra cộng đồng LGBT không xấu xa như mình từng nghĩ. Hình ảnh ban đầu không tốt về cộng đồng LGBT đã vơi bớt trong tôi. Từ đó, mẹ con chúng tôi cởi mở nhiều hơn. Sau hơn một năm, tôi mới hoàn toàn chấp nhận con là LGBT” - cô Mộng nhớ lại.

Cũng từ đó, cô Mộng đọc nhiều sách, báo, tham gia những diễn đàn của cộng đồng LGBT, gặp gỡ những phụ huynh khác. Họ nhận ra rằng, ngoài việc đồng tính ra thì con mình đều giỏi giang và hiếu thảo. Vậy là, cô Mộng trở thành một thành viên tích cực của PFLAG Việt Nam.

“Thời gian ấy, tôi làm mọi cách tìm hiểu, tham gia diễn đàn, hội thảo và mua sách liên quan cộng đồng LGBT để có thể hiểu, lắng nghe, chia sẻ nhiều hơn về giới tính của con, từ đó đồng hành với con. Bản thân tôi mong muốn có thể lan tỏa giá trị tích cực, giúp những bậc cha mẹ đang lao đao khi biết giới tính thật, giúp con mình vượt qua khủng hoảng, vững bước bên cạnh con. Đó cũng là cách cha mẹ cứu con mình khỏi những cạm bẫy ngoài xã hội vì bị gia đình từ chối” - cô Mộng bày tỏ.

Với cộng đồng LGBT, thừa nhận chính mình là việc vô cùng khó khăn. Thế nên, mọi người cũng nên cho cha mẹ thời gian thừa nhận mình. “Chồng tôi đến khi mất vẫn chưa chấp nhận con mình là LGBT. Vẫn còn nhiều cha mẹ chưa chấp nhận cú sốc về con mình như vậy. Định kiến chính là thử thách lớn nhất mà những người LGBT cần bước qua, trước khi mong muốn xã hội thừa nhận mình” - cô Mộng thổn thức.

LGBT là tên viết tắt các chữ cái đầu của một cộng đồng những người đồng tính luyến ái nữ (Lesbian), đồng tính luyến ái nam (Gay), song tính luyến ái (Bisexual) và người chuyển giới (Transgender). Từ ngày 15/7/1990, Liên Hiệp Quốc công bố LGBT không phải là một bệnh tâm thần - một cột mốc đáng nhớ với những người thuộc cộng đồng LGBT, bởi họ đã chính thức được thừa nhận, được tự do sống với chính mình và được coi là một cộng đồng của nhân loại.

PHƯƠNG LAN