Công tác chọn, tạo giống lúa triển vọng vẫn tiếp tục được triển khai tại Tổ nhân giống Núi Voi (phường Núi Voi, TX. Tịnh Biên)
Đột phá giống lúa
Biến đổi khí hậu làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất, sản lượng, chất lượng lúa, thu nhập của nông dân. Sớm nhận thức được vấn đề này, trong những năm 2000, ngành nông nghiệp tham mưu UBND tỉnh ban hành nhiều chương trình, kế hoạch nhằm đưa hoạt động sản xuất của nông dân thích ứng tốt với biến đổi khí hậu. Chương trình huấn luyện “Kỹ năng chọn, tạo giống lúa cộng đồng” ra đời từ đó.
Chương trình có sự hợp tác giữa Viện Nghiên cứu Phát triển ĐBSCL với UBND tỉnh An Giang và nông dân trên địa bàn tỉnh. “Chương trình mang ý nghĩa xã hội, nhân văn rất sâu sắc. Nhân văn ở chỗ, nông dân tiếp cận được giống thuần, chất lượng cao, từ đó giảm được chi phí sản xuất, nâng cao thu nhập, vươn lên làm giàu chính đáng trên thưởng ruộng của mình.
Có được giống triển vọng (thích ứng với điều kiện sản xuất tại địa phương), bà con “chia sớt” cho nhau, chứ không bán hoặc có bán thì giá rẻ, mục đích cùng nhau làm giàu”- ông Nguyễn Văn Hùng (Tổ trưởng Tổ nhân giống Núi Voi, phường Núi Voi, TX. Tịnh Biên) chia sẻ.
An Giang có đến 80% dân số sống bằng nghề nông, đặc biệt là sản xuất lúa. Sau mùa lũ lớn năm 2000, diện tích sản xuất lúa của tỉnh khoảng 500.000ha. Lúc này, tỉnh cần 34.000 - 36.000 tấn lúa giống, trong khi năng lực cung cấp lúa giống (chất lượng) hàng năm từ Trung tâm Nghiên cứu sản xuất lúa giống của tỉnh đáp ứng khoảng 10%.
“Vấn đề này đặt ra cho tỉnh nói chung, ngành nông nghiệp nói riêng là phải nhanh chóng tháo gỡ “nút thắt”. Nông dân cứ lấy lúa thịt lưu lại làm giống, nên độ thuần chủng không cao, năng suất thấp, chất lượng gạo xuất khẩu thấp” - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang Nguyễn Sĩ Lâm nhớ lại.
Nâng cao năng lực sản xuất của nông dân, cải thiện chất lượng lúa gạo xuất khẩu là một trong những vấn đề đặt ra cho ngành nông nghiệp tỉnh nhà lúc bấy giờ. Thiếu giống nguyên chủng, xác nhận dẫn đến sản xuất kém hiệu quả. Năng suất lúa bình quân toàn tỉnh lúc bấy giờ chỉ đạt 4,6 tấn/ha. Sản lượng toàn tỉnh năm 2000 chỉ đạt 2,2 triệu tấn/năm.
Tiêu chí để nông dân lựa chọn là giống cho năng suất cao, chống chịu được sâu bệnh, cứng cây và ít đổ ngã
Hiệu quả lâu dài
Khi chương trình nhân giống cộng đồng được triển khai, năng suất trên ruộng lúa của nông dân tăng ít nhất từ 5 - 10% (đối với cấp giống xác nhận). Ý thức của người dân đã có những bước chuyển đáng kể trong sử dụng giống xác nhận để gieo sạ. Giai đoạn 2001 - 2019, toàn tỉnh tổ chức 663 lớp tập huấn. Có 16.979 nông dân được huấn luyện về sản xuất lúa giống.
Tỉnh thành lập 150 tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất giống với 12.271 nông dân tham gia. Có 65 cơ sở, công ty sản xuất - kinh doanh lúa giống, đáp ứng nhu cầu về giống phục vụ nhu cầu sản xuất của tỉnh từ 30% (năm 2004) đến 90%. Từ năm 2019 đến nay, nông dân trong tỉnh vẫn tiếp tục công việc này, mang kiến thức đã được các nhà khoa học hướng dẫn, trở lại phục vụ cho sự phát triển của cộng đồng.
Kết quả, có gần 50 dòng/giống lúa thuần chủng, có triển vọng (do nông dân nghiên cứu lai, chọn) ra đời, trong đó một số giống đang khảo nghiệm quốc gia và sản xuất thử nghiệm, như: ND2, NV1, AG1, AG nếp, TC7, HNOE… Nhờ vậy, góp phần tăng năng suất lúa của tỉnh từ 5,74 tấn/ha (năm 2004) lên 6,3 tấn/ha (năm 2019) và nay trên 7 tấn/ha.
“Chương trình đã nâng cao nhận thức, kỹ năng cho nông dân, phát triển mô hình sản xuất lúa bền vững. Tăng cường liên kết giữa nhà khoa học với nông dân và đóng góp rất lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà nói riêng, ĐBSCL nói chung…”- ông Nguyễn Sĩ Lâm chia sẻ.
Chương trình đã góp phần đảm bảo an ninh lương thực quốc gia vì có được giống lúa chất lượng, độ thuần chủng cao, nông dân sản xuất được với chi phí thấp, năng suất, chất lượng, sản lượng không ngừng nâng lên.
Đồng thời, góp phần quan trọng cho chương trình xuất khẩu lúa gạo của cả nước và phát triển các vùng nông thôn của tỉnh, nâng cao thu nhập, đời sống của nông hộ... Đó là tạo tiền đề quan trọng để tỉnh triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được thành công như hôm nay.
“Thành tựu quan trọng của chương trình trước hết giúp cải thiện chất lượng hạt giống của nông hộ, góp phần đảm bảo an ninh nguồn giống cho sản xuất lúa ở vùng ĐBSCL. Sau đó là nâng cao nhận thức của nông dân về chọn giống, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất lúa; nâng cao kiến thức chuyên môn cho cán bộ khuyến nông về chọn, tạo giống lúa, phương pháp huấn luyện nông dân...” - PGS.TS Huỳnh Quang Tín (Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL) khẳng định. |
MINH HIỂN