Chủ tịch Quốc hội tiếp Đoàn UB Thương mại Quốc tế, Nghị viện châu Âu

30/10/2019 - 19:52

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị EU sớm xem xét, gỡ bỏ thẻ Vàng đối với mặt hàng thủy sản của Việt Nam.

Chiều tối 30-10, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tiếp Đoàn Ủy ban Thương mại Quốc tế, Nghị viện Châu Âu do ông Bernd Lange, Chủ tịch Ủy ban làm trường Đoàn nhân chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam.

chu tich quoc hoi tiep doan uy ban thuong mai quoc te, nghi vien chau au hinh 1

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và ông Bernd Lange.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chúc mừng ông Bernd Lange vừa tiếp tục trúng cử và được tái bổ nhiệm làm Chủ tịch Ủy ban Thương mại Quốc tế; đánh giá cao những đóng góp tích cực của ông trong việc thúc đẩy quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Quốc hội Việt Nam và Nghị viện châu Âu (EP), góp phần củng cố và tăng cường quan hệ hợp tác toàn diện giữa Việt Nam – Liên minh châu Âu.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, Việt Nam là một trong số ít quốc gia trong khu vực Đông Nam Á ký kết các hiệp định với EU; hai bên đã có sự hợp tác hiệu quả và thực chất. Quốc hội Việt Nam luôn ủng hộ sự hợp tác của hai bên; mong muốn Hiệp định thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA) sẽ được hai bên thông qua trong thời gian sớm nhất.

Hiện, Việt Nam đã có lộ trình sửa đổi Bộ luật Lao động và thông qua các Công ước cơ bản của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO). Tại kỳ họp Quốc hội tháng 5/2019 vừa qua, Quốc hội Việt Nam đã phê chuẩn việc gia nhập Công ước 98 của ILO về áp dụng các nguyên tắc của quyền thương lượng tập thể và thảo luận nội dung Bộ luật Lao động sửa đổi. Hiện các cơ quan chức năng đang tiếp tục chuẩn bị hồ sơ phê chuẩn hai Công ước số 108 và 87 của ILO theo lộ trình đã đề ra. Nội dung dự thảo Bộ luật Lao động hiện tại đã tích hợp các cam kết quốc tế của Việt Nam, bao gồm cam kết trong EVFTA, đồng thời đáp ứng nhiều chuẩn mực quốc tế về lao động.

Về vấn đề an ninh mạng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, Quốc hội Việt Nam đã yêu cầu các cơ quan chức năng chuyển dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật cho EU để đóng góp ý kiến. Việt Nam rất cởi mở, cầu thị và trân trọng những ý kiến đóng góp, kinh nghiệm của EU trong việc bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của người dân và tự do kinh doanh của doanh nghiệp trong khi vẫn bảo đảm an ninh quốc gia trên mạng internet.

chu tich quoc hoi tiep doan uy ban thuong mai quoc te, nghi vien chau au hinh 2

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tiếp Đoàn Ủy ban Thương mại Quốc tế, Nghị viện châu Âu.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, quan điểm nhất quán của Việt Nam là thúc đẩy khai thác hải sản có trách nhiệm và bền vững, phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế, trong đó có phòng chống khai thác IUU. Trên tinh thần đó, Việt Nam đã và đang tiếp tục triển khai nhiều biện pháp đồng bộ để khắc phục tình hình khai thác IUU và xây dựng nghề cá bền vững. Việt Nam hoàn thiện hệ thống pháp luật trong nước và gia nhập các điều ước quốc tế có liên quan; thành lập Ban chỉ đạo quốc gia về chống khai thác IUU. Nhân dịp này, Chủ tịch Quốc hội đề nghị EU sớm xem xét, gỡ bỏ thẻ Vàng đối với mặt hàng thủy sản của Việt Nam.

Chủ tịch Ủy ban Thương mại Quốc tế, Nghị viện Châu Âu Bernd Lange, cảm ơn Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã dành thời gian tiếp; đây là cơ hội để hai bên cùng thảo luận về các hiệp định EVFTA và EVIPA đã được ký kết; đồng thời tin tưởng, việc thông qua và triển khai thực hiện hai Hiệp định này sẽ sớm được thúc đẩy.

Theo Chủ tịch Bernd Lange, Quốc hội Việt Nam và EP cần phối hợp chặt chẽ để quá trình phê chuẩn hai Hiệp định sẽ mang lại lợi ích cho người dân cũng như các cơ quan liên quan. EP không chỉ có vai trò phê chuẩn mà sau đó còn giám sát việc triển khai thực hiện các Hiệp định này. Trong tuần tới, EP sẽ xem xét dự thảo Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Chủ tịch Ủy ban Thương mại Quốc tế cùng nhận định, việc đàm phán các hiệp định EVFTA và EVIPA đã rất khó khăn, nhưng việc thực thi các hiệp định này còn khó khăn hơn rất nhiều. Vì thế, trong quá trình thực thi thì sự tham gia của các thành phần trong xã hội như doanh nghiệp, các tổ chức, hiệp đoàn rất quan trọng, hai bên cần hình thành nhóm cố vấn để bám sát việc thực hiện.

Hai nhà lãnh đạo cũng nhất trí nhấn mạnh, cần phải tăng cường hơn nữa thông tin, đối thoại giữa Quốc hội Việt Nam với Nghị viện châu Âu để thiết lập nhóm có liên quan giám sát việc thực hiện các hiệp định này. Việt Nam luôn sẵn sàng lắng nghe và trả lời những thắc mắc, kiến nghị của EU cũng như EP.

Đánh giá cao nỗ lực của Quốc hội Việt Nam trong việc sửa đổi Bộ luật Lao động nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn lao động quốc tế của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), Chủ tịch Bernd Lange mong muốn, Quốc hội Việt Nam xem xét, thông qua dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) tại Kỳ họp này vì đây là cơ sở quan trọng để EP xem xét, phê chuẩn Hiệp định nhằm tạo sân chơi bình đẳng cho các bên liên quan.

Chủ tịch Ủy ban Thương mại Quốc tế ghi nhận nỗ lực của Việt Nam trong việc thực hiện cam kết khai thác hải sản có trách nhiệm và bền vững trong thời gian qua./.

Theo LÊ TUYẾT (VOV)