Trưa ngày 6/11, chuyên cơ chở Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã về tới sân bay Nội Bài, kết thúc tốt đẹp chuyến công tác đầu tiên tới châu Âu của người đứng đầu Chính phủ.
Thủ tướng Phạm Minh Chính về đến Hà Nội, kết thúc tốt đẹp chuyến công tác châu Âu. Ảnh: Nhật Bắc
Trong chuyến công tác lần này, Thủ tướng dự Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26), thăm làm việc tại Vương quốc Anh (từ ngày 31/10 đến 3/11); thăm chính thức Cộng hòa Pháp (từ ngày 3 - 5/11).
Hàng chục hoạt động song phương và đa phương
Trong thời gian tại Vương quốc Anh, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có chương trình làm việc dày đặc và hiệu quả cao với hàng chục hoạt động song phương và đa phương, góp phần nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.
Thủ tướng đã tham dự và có bài phát biểu quan trọng tại Hội nghị COP26; tham dự và phát biểu tại các sự kiện công bố sáng kiến của một số đối tác quan trọng bên lề COP26 như công bố cam kết giảm phát thải metan toàn cầu, hành động về rừng và sử dụng đất.
Thủ tướng Boris Johnson, Thái tử Charles, Thủ hiến các vùng của Anh đã có các cuộc tiếp xúc riêng với Thủ tướng.
Thái tử Vương quốc Anh Charles tiếp xúc riêng với Thủ tướng bên lề Hội nghị COP26
Ngoài ra, Thủ tướng có hơn 20 cuộc tiếp xúc song phương với lãnh đạo các quốc gia như Hoa Kỳ, Đức, Nhật Bản, Canada, Australia, Ấn Độ, Hàn Quốc, Thái Lan… và lãnh đạo các tổ chức quốc tế như Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC), Tổng giám đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA)...
Cùng với đó là hơn 30 cuộc đối thoại, tiếp lãnh đạo các tập đoàn kinh tế, trường đại học, các tổ chức hàng đầu thế giới và Vương quốc Anh.
Một hoạt động khác đáng chú ý là Thủ tướng dự hội thảo "Kiến tạo tương lai bền vững và thịnh vượng thông qua đầu tư tư nhân"; chứng kiến các sự kiện ra mắt, ký kết, trao nhận gần 30 thỏa thuận hợp tác của Chính phủ, bộ, ngành, tổ chức và doanh nghiệp trong nước với các tập đoàn, doanh nghiệp, tổ chức của Vương quốc Anh và quốc tế, trong có các thỏa thuận kinh tế - thương mại trị giá nhiều tỷ USD.
Thủ tướng đã dành thời gian đến làm việc với lãnh đạo Công ty AstraZeneca và đã thúc đẩy được nhiều nội dung quan trọng liên quan đến đầu tư và chuyển giao công nghệ sản xuất thuốc và vắc xin…
Trong chuyến công tác tại Anh, điều ấn tượng nhất là Thủ tướng Phạm Minh Chính truyền đi thông điệp mạnh mẽ tới tất cả bạn bè quốc tế tại Hội nghị COP26 về một đất nước Việt Nam trách nhiệm, chủ động, tích cực trong tham gia xử lý biến đổi khí hậu.
Thủ tướng nhấn mạnh hai thông điệp chính. Một là biến đổi khí hậu là vấn đề toàn cầu nên phải có cách tiếp cận toàn cầu; vấn đề này ảnh hưởng đến mọi người dân nên phải có cách tiếp cận toàn dân. Hai là, Thủ tướng kêu gọi công bằng, công lý về biến đổi khí hậu, các nước phát triển có trách nhiệm hỗ trợ các nước đang phát triển cả về tài chính, công nghệ và nâng cao năng lực để có thể thực hiện thành công Thỏa thuận Paris về chống biến đổi khí hậu.
Đặc biệt là lời cam kết mạnh mẽ liên quan đến việc đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 của Thủ tướng đã được nhiều lãnh đạo các nước, các đối tác chia sẻ và đánh giá cao. Từ đó, cộng đồng quốc tế đã thấy rõ hơn chủ trương, quyết tâm, nỗ lực và cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong ứng phó với biến đổi khí hậu.
Thủ tướng Anh Boris Johnson chào đón Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị COP26. Ảnh: TTXVN
Về quan hệ song phương Việt Nam – Anh, mặc dù phải tập trung cho Hội nghị COP26 nhưng Anh đã dành cho Thủ tướng và đoàn Việt Nam sự đón tiếp trọng thị. Nước chủ nhà bày tỏ coi trọng vai trò, vị thế của Việt Nam, mong muốn làm sâu sắc và nâng tầm quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam. Lãnh đạo hai bên đã thống nhất những định hướng lớn để thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực cả song phương và đa phương.
Các cuộc tiếp xúc của Thủ tướng nhân dịp Hội nghị COP26 cũng thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với các nước và các đối tác, đưa quan hệ hợp tác đi vào chiều sâu, hiệu quả, góp phần tích cực củng cố cục diện đối ngoại vững chắc và thuận lợi cho giữ vững hoà bình, ổn định và phát triển đất nước.
Chuyến công tác tại Anh đã mở ra nhiều cơ hội để chúng ta tăng cường hợp tác với các nước, các đối tác về tài chính, chuyển giao công nghệ và nâng cao năng lực để hỗ trợ Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu.
Duyên nợ với Pháp
Trong thời gian thăm chính thức Cộng hòa Pháp, Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam cũng có chương trình làm việc dày đặc với các hoạt động nổi bật. Cụ thể, Thủ tướng hội đàm với Thủ tướng Pháp Jean Castex; hội kiến Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Chủ tịch Thượng viện Pháp Gerard Larcher, Chủ tịch Quốc hội Pháp Richard Ferrand; tiếp Bí thư toàn quốc Đảng Cộng sản Pháp Fabien Roussel.
Ngoài ra, Thủ tướng còn làm việc với lãnh đạo một số tổ chức quốc tế lớn có trụ sở tại Pháp như Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO), Tổ chức quốc tế Pháp ngữ (OIF), Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD)…
Thủ tướng Phạm Minh Chính hội kiến Tổng thống Pháp Emmanuel Macron
Thủ tướng đã tiếp Giám đốc Chương trình COVAX; thăm và làm việc với tập đoàn dược phẩm Sanofi; thăm và làm việc tại Viện Pasteur Paris; gặp gỡ các bác sĩ, chuyên gia y tế Việt Nam và Pháp.
Bên cạnh đó, người đứng đầu Chính phủ đã chứng kiến lễ ký kết các thỏa thuận hợp tác, biên bản ghi nhớ giữa các cơ quan chức năng hai nước, các tổ chức quốc tế và các doanh nghiệp, trong đó có các thỏa thuận có tổng trị giá nhiều tỷ USD giữa các doanh nghiệp; dự Diễn đàn Doanh nghiệp Việt - Pháp; làm việc với lãnh đạo nhiều tập đoàn kinh tế lớn của Pháp và lãnh đạo Nghiệp đoàn giới chủ Pháp (MEDEF)…
Nước chủ nhà Pháp đã dành cho Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn đại biểu Việt Nam sự đón tiếp trọng thị, trao đổi cởi mở, chân tình giữa Thủ tướng với các nhà Lãnh đạo Pháp.
Điều đó cho thấy sự tin cậy chính trị rất cao và Pháp rất coi trọng mối quan hệ lịch sử nhiều “duyên nợ” với Việt Nam. Thủ tướng Phạm Minh Chính và các nhà Lãnh đạo Pháp đã trao đổi sâu rộng về phương hướng cũng như các biện pháp hợp tác trong thời gian tới nhằm tăng cường lòng tin chiến lược, giúp quan hệ hai nước tiếp tục đạt được nhiều kết quả thiết thực hơn nữa.
Việt Nam và Pháp quyết tâm đưa các khuôn khổ hợp tác giữa hai nước trên nhiều lĩnh vực tiếp tục đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả hơn, đồng thời thích ứng với những chuyển biến trong khu vực và trên thế giới. Hai bên nhất trí cùng xây dựng kế hoạch hằng năm với những nhiệm vụ cụ thể, nhằm đưa quan hệ Việt Nam - Pháp phát triển lên tầm cao mới.
Đáng chú ý, chuyến công tác của Thủ tướng đã củng cố niềm tin của các nhà đầu tư, cộng đồng doanh nghiệp, thúc đẩy các hoạt động hợp tác kinh tế- thương mại rất sôi nổi sau một thời gian bị ảnh hưởng, gián đoạn do đại dịch COVID-19.
Ông Jose Vinals, Chủ tịch Ngân hàng Standard Chartered tặng Thủ tướng Phạm Minh Chính chiếc áo của đội bóng Liverpool. Ảnh: Thu Hằng
Thông điệp xuyên suốt của Thủ tướng là Việt Nam đã chuyển sang giai đoạn thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, đồng hành và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để các doanh nghiệp yên tâm đầu tư, kinh doanh dài hạn ở Việt Nam...
Hợp tác y tế và công tác ngoại giao vắc xin, vận động các đối tác hỗ trợ Việt Nam trong nỗ lực kiểm soát dịch bệnh cũng là một trọng tâm của chuyến công tác lần này của Thủ tướng và đã đạt nhiều kết quả tốt đẹp. Nhiều đối tác quốc tế công bố hỗ trợ thêm, đẩy nhanh tiến độ bàn giao và ký kết các thỏa thuận mới về cung ứng vắc xin COVID-19 cũng như trang thiết bị, vật tư y tế… cho Việt Nam.
Chuyên cơ của Thủ tướng chở theo cả tình cảm, tấm lòng hướng về quê hương của bà con kiều bào ở Anh và Pháp qua số tiền mặt, hiện vật ủng hộ phòng chống COVID-19
Một hoạt động ý nghĩa nữa trong chuyến công du lần này của Thủ tướng là gặp gỡ bà con kiều bào tại Anh và các nước Châu Âu. Điều Thủ tướng luôn khẳng định là cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không thể tách rời và là một động lực phát triển của đất nước. Thủ tướng luôn nhấn mạnh đến tinh thần đoàn kết, nghĩa đồng bào luôn hướng về quê hương của bà con kiều bào, nhất là trong phòng chống dịch bệnh COVID-19.
Điểm chung được Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh khi trao đổi với các đối tác, bạn bè quốc tế, kiều bào, các cơ quan đại diện ngoại giao là thông điệp "càng khó khăn, phức tạp càng phải đoàn kết và nỗ lực"; "người dân là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu và là động lực của mọi chính sách và hành động".
Theo THU HẰNG (Vietnamnet)