Chuyển đổi mô hình kinh tế nông nghiệp theo hướng bền vững

20/11/2023 - 06:45

 - Nhằm gia tăng giá trị nông sản, ngành nông nghiệp huyện Chợ Mới đã từng bước xây dựng vùng chuyên canh, ứng dụng khoa học - kỹ thuật trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đáp ứng yêu cầu thị trường. Đồng thời, phục vụ cho xuất khẩu, giúp nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần xây dựng nền nông nghiệp theo hướng hiện đại và bền vững.

Nông dân thu hoạch và phân loại xoài tại vùng chuyên canh xoài ở huyện Chợ Mới

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Chợ Mới, trên cơ sở bám sát quan điểm và mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện tiếp tục lấy nông nghiệp làm nền tảng, đẩy mạnh chuyển dịch, tăng giá trị. Nông nghiệp là nền tảng tạo nguyên liệu, sản phẩm hàng hóa giá trị tăng cho thương mại, dịch vụ và công nghiệp.

Những năm qua, Phòng NN&PTNT huyện Chợ Mới phối hợp các ban ngành huyện, các tổ chức trực thuộc ngành NN&PTNT tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân thay đổi thói quen canh tác, thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp thuần túy sang kinh tế nông nghiệp, nông nghiệp đa giá trị, ứng dụng khoa học - kỹ thuật trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhằm chuyển từ sản xuất sản lượng sang chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh.

Phòng NN&PTNT huyện Chợ Mới đã tham mưu UBND huyện xây dựng kế hoạch phát triển ngành nông nghiệp giai đoạn 2020 - 2025; kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng giai đoạn 2021 - 2025; kế hoạch định hướng phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Chợ Mới giai đoạn 2020 - 2025; kế hoạch sản xuất lúa trên địa bàn huyện Chợ Mới giai đoạn 2021 - 2023; kế hoạch phát triển vùng chuyên canh rau màu, cây ăn quả gắn với xúc tiến tiêu thụ sản phẩm giai đoạn 2021 - 2025… triển khai đến các địa phương tổ chức thực hiện.

Theo đó, quy hoạch vùng chuyên canh tập trung đối với sản phẩm rau màu chủ lực của huyện giai đoạn 2021 - 2025 tập trung 4 nhóm sản phẩm chính: Rau ăn lá, rau ăn quả, bắp các loại và khoai cao. Cụ thể, vùng sản xuất chuyên canh rau ăn lá tập trung với tổng diện tích diện tích 662ha tập trung tại xã Kiến An.

Vùng sản xuất chuyên canh rau ăn quả tập trung với tổng diện tích 106ha tập trung tại 2 xã: Kiến An (50ha), Hội An (56ha). Vùng sản xuất chuyên canh bắp các loại với tổng diện tích 1.225ha tập trung tại 4 xã: Kiến An (80ha), Mỹ An (600ha bắp non), Hội An (450ha bắp non) và xã An Thạnh Trung (95ha). Vùng chuyên canh khoai cao tập trung với tổng diện tích 250ha tại xã Hội An.

Định hướng phát triển bền vững cho các vùng trồng này qua kế hoạch sẽ xây dựng mã vùng trồng đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu là 1.105ha tại xã Kiến An (300ha đối với sản phẩm rau cải và 5ha đối với sản phẩm ớt), xã Hội An (200ha đối với sản phẩm khoai cao và 100ha đối với sản phẩm bắp non) và xã Mỹ An (500ha đối với sản phẩm bắp non). Xây dựng vùng chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm cho rau màu 326ha. Xây dựng vùng chứng nhận theo tiêu chuẩn VietGAP cho sản phẩm rau màu 150ha. Xây dựng vùng chứng nhận tiêu chuẩn GlobalGAP cho sản phẩm bắp non và đậu nành rau với tổng diện tích 330ha (165ha tại xã Mỹ An, 165ha tại xã Hội An).

Đối với cây ăn trái, đã quy hoạch vùng chuyên canh xoài, vùng chuyên canh sầu riêng và xây dựng mã vùng trồng đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu, đạt chứng nhận theo tiêu chuẩn VietGAP. Qua định hướng của huyện, xã và với sự năng động sáng tạo, một số nông dân đã mạnh dạn chuyển đổi 1.362,55ha đất lúa sang cây ăn trái và rau màu các loại.

Từ đó đã hình thành một số vùng chuyên canh có diện tích lớn, như: Xoài 4.204ha, sầu riêng 101ha, vùng chuyên canh rau màu, vùng lúa chất lượng cao chiếm khoảng 68,74% diện tích sản xuất lúa. Đồng thời, diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP có 721ha; 80,6ha rau màu được chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm; 3,6ha thanh long và rau màu được sử dụng chứng nhận nhãn hiệu An Giang; được cấp 80 mã số vùng trồng trên lúa, rau màu, cây ăn trái, với diện tích 8.387,94ha.

Bên cạnh, một số nông dân chuyển dịch cây trồng, vật nuôi, chuyển đổi mô hình kinh tế nông nghiệp theo hướng đa canh, đa giá trị. Điển hình: Mô hình trồng nho, dâu tây, dâu tằm, chôm chôm, trồng sầu riêng gắn với tham quan, giải trí; mô hình trồng gừng, ngò gai, nuôi dê, nuôi ốc, nuôi cá kết hợp trong vườn cây ăn trái; mô hình trồng bắp kết hợp nuôi bò, tận dụng diện tích xung quanh nhà nuôi lươn, nuôi ếch…

Ngoài ra, nhiều nông dân ứng dụng hệ thống tưới tự động, tưới kết hợp châm phân, xây dựng nhà lưới ươm cây, con giống... Từ đó, đã mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều lần so với các cây trồng, vật nuôi kém hiệu quả trước đây, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân.

Tiêu biểu: Mô hình kinh tế hợp tác tham gia “cánh đồng lớn” của nông dân Đinh Thành Nam (xã Hòa An) với tổng doanh thu 9,2 tỷ đồng/năm; mô hình trồng rau màu an toàn, chất lượng, ứng dụng công nghệ, bao tiêu đầu ra thông qua hợp đồng với các công ty, doanh nghiệp, chợ, siêu thị trong tỉnh của nông dân Huỳnh Văn Đựng (xã Kiến An) với tổng doanh thu 6,3 tỷ đồng/năm; nông dân Võ Văn Em (xã Long Kiến) với mô hình chuyển đổi 1ha đất lúa sang trồng sầu riêng với tổng doanh thu 1,4 tỷ đồng/năm; nông dân Nguyễn Trung Tính (xã Kiến Thành) với mô hình nuôi lươn, tổng doanh thu 1,3 tỷ đồng/năm...

Với những chủ trương hợp lý và cách làm hiệu quả, huyện Chợ Mới đạt được những thành công trong thực hiện đa dạng hóa cơ cấu cây trồng, đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, hiện đại và bền vững. Từ đó, nâng cao hiệu quả trong phát triển kinh tế nông nghiệp, góp phần tạo thu nhập ổn định và nâng cao đời sống nông dân.

TRỌNG TÍN