Nông dân Thoại Sơn mạnh dạn đầu tư và ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp
Vùng nguyên liệu và sản phẩm chủ lực của huyện Thoại Sơn là lúa gạo. Vì vậy, Thoại Sơn đã từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp (đầu tư đồng bộ về giao thông, thủy lợi, đê bao, điện sản xuất ở toàn bộ 129 tiểu vùng với diện tích trên 37.000ha). Đồng thời, tích cực hỗ trợ nông dân ứng dụng khoa học - công nghệ, nhất là công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ vào sản xuất.
Bên cạnh đó, phong trào thi đua sản xuất - kinh doanh giỏi được đẩy mạnh. Giai đoạn 2019 - 2022, huyện Thoại Sơn có 14.962 lượt nông dân đăng ký danh hiệu nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi, đạt 103% chỉ tiêu. Qua xét chọn, có 13.507 lượt nông dân đạt danh hiệu các cấp. Trong đó, cấp xã có 8.917 lượt nông dân, đạt 66%; cấp huyện có 3.356 lượt nông dân, đạt 24,8%; cấp tỉnh có 1.234 lượt nông dân, tỷ lệ 9,2%. Nông dân giỏi các cấp ở Thoại Sơn đã mạnh dạn đầu tư và ứng dụng khoa học - kỹ thuật để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, như: Mô hình sản xuất lúa rải vụ (LT123); cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp (mô hình không dấu chân); trồng cây ăn trái ứng dụng công nghệ cao…
Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thoại Sơn Lê Văn Đà cho biết: “Những năm qua, nông nghiệp huyện phát triển theo hướng công nghệ cao, áp dụng khoa học - kỹ thuật, quy trình sản xuất tiên tiến. Giai đoạn 2015 - 2020, diện tích sản xuất lúa, rau màu, cây ăn trái ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn huyện tăng trưởng liên tục. Một số mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được áp dụng, như: Ứng dụng máy sạ cụm trong sản xuất lúa; mô hình sản xuất lúa ứng dụng tổng hợp các tiến bộ kỹ thuật; mô hình sản xuất lúa ứng dụng công nghệ quản lý hệ thống xử lý nước sạch thông minh nhờ công nghệ IoT… Các tiêu chuẩn chất lượng VietGAP, GlobalGAP, SRP (xu thế sản xuất mới dựa trên nền sản xuất theo hướng “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”)… được tăng cường áp dụng. Địa phương thực hiện truy xuất cấp mã vùng trên cây lúa cho hơn 300 hộ nông dân, với gần 2.000ha ở 31 tiểu vùng”.
Theo đó, cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp được củng cố và nâng cấp, đáp ứng tốt cho sản xuất. Cụ thể, hệ thống giao thông thủy lợi nội đồng trên địa bàn huyện được quan tâm đầu tư và củng cố, đáp ứng yêu cầu sản xuất và đi lại, vận chuyển hàng hóa ở nông thôn. Việc đầu tư mới trạm bơm điện kết hợp nạo vét kênh mương và gia cố đê bao đã tạo thuận lợi để các địa phương chủ động tưới tiêu, gia tăng diện tích và sản lượng lúa, góp phần tăng trưởng ngành nông nghiệp. Thoại Sơn có 60 trạm bơm điện mới được đầu tư, nâng toàn huyện có hơn 430 trạm bơm điện, đảm bảo sản xuất 3 vụ trên địa bàn.
“Thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TU của Tỉnh ủy về sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Những năm qua, huyện tập trung nhiều nguồn lực hỗ trợ nông dân ứng dụng khoa học - công nghệ, nhất là công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ vào sản xuất. Nông dân đã đầu tư 470 máy gặt đập liên hợp, nâng tỷ lệ gặt bằng máy trên 99% diện tích sản xuất. Nhiều mô hình trồng cây ăn trái có ứng dụng hệ thống tưới phun, tưới nhỏ giọt được điều khiển qua hệ thống smartphone (điện thoại thông minh) đạt hiệu quả. Từ năm 2020 đến nay, địa phương mở 20 lớp tập huấn sản xuất SRP cho hơn 600 nông dân. Huyện còn thực hiện 6 mô hình ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất lúa, gồm: 4 mô hình sạ lúa theo cụm với diện tích 50ha/mô hình và 2 mô hình sạ lúa bằng thiết bị bay không người lái (drone) với diện tích 50ha/mô hình. Thành tựu từ quá trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã tạo “đột phá” trong phát triển kinh tế, làm thay đổi tập quán canh tác của nông dân” - ông Lê Văn Đà thông tin thêm.
Tổng số hợp tác xã (HTX) nông nghiệp trên địa bàn huyện là 27 HTX với 1.290 thành viên. Trong đó có 9 HTX gắn kết với Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời theo chuỗi giá trị gắn với sản phẩm chủ lực của địa phương (về vốn góp, nhân sự điều hành, hỗ trợ kỹ thuật). Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hội Nông dân huyện phối hợp các ban, ngành tỉnh làm “cầu nối” giới thiệu các công ty, doanh nghiệp có uy tín cho các HTX liên kết tiêu thụ. Qua đó, đã liên kết tiêu thụ với Công ty TNHH MTV Lương thực Thoại Sơn, Trại giống Định Thành, Công ty Đại Dương Xanh, Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời… giúp nông dân giảm tác động giá vật tư tăng cao và giá lúa lên xuống thất thường. Đồng thời, nâng cao chất lượng lúa do canh tác theo quy trình xuất khẩu; nông dân yên tâm sản xuất, giá lúa bán ra cao hơn giá thị trường, khi đạt chất lượng theo tiêu chuẩn hợp đồng.
Thời gian tới, huyện Thoại Sơn tập trung đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo hướng gia tăng giá trị và chất lượng hàng hóa nông sản. Triển khai các dự án có tính ứng dụng cao, thiết thực, phù hợp với thổ nhưỡng, như: Chọn giống chống chịu với các điều kiện khó khăn như khô hạn; kỹ thuật canh tác tiết kiệm nước; các giải pháp sinh thái phòng trừ dịch bệnh mới. Đồng thời, phát huy vai trò nông dân, thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, thông qua công tác đào tạo, tập huấn chuyển giao kỹ thuật về chăm sóc cây trồng, vật nuôi; ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất, bảo quản, tiêu thụ, xây dựng thương hiệu sản phẩm…
“Huyện xây dựng một số mô hình điểm, mang tính đột phá để nhân rộng và thu hút đầu tư vào các lĩnh vực sơ chế, bảo quản sau thu hoạch, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, để hình thành và phát triển các chuỗi liên kết trong sản xuất một cách bền vững” - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thoại Sơn Lê Văn Đà nhấn mạnh. |
PHƯƠNG LAN