Chuyến thăm của Thủ tướng Kishida mở ra giai đoạn mới trong quan hệ Việt - Nhật

06/05/2022 - 10:57

Ngày 6/5, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio đã kết thúc chuyến công du nước ngoài dài ngày đầu tiên kể từ khi nhậm chức. Trong chuyến công du này, Thủ tướng Kishida đã tới thăm 5 quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Nhân dịp này, Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Vũ Hồng Nam đã trả lời phỏng vấn của TTXVN về kết quả chuyến thăm, trong đó khẳng định các hoạt động của Thủ tướng Kishida trong 23 giờ lịch sử tại Hà Nội đã đưa quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng giữa hai nước đi vào giai đoạn mới ‘thực chất, hiệu quả. Dưới đây là nội dung cuộc phỏng vấn.

Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Vũ Hồng Nam trả lời phỏng vấn TTXVN. Ảnh: Đào Thanh Tùng/TTXVN

Đại sứ đánh giá như thế nào về kết quả chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Kishida? Theo Đại sứ, đâu là kết quả quan trọng nhất của chuyến thăm này?

Chuyến thăm chính thức Việt Nam lần này của Thủ tướng Kishida có ý nghĩa to lớn, đặt dấu mốc quan trọng cho quan hệ hai nước, khẳng định quyết tâm của lãnh đạo hai bên mở ra một giai đoạn mới của quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á.

Nền tảng của mối quan hệ gắn bó và mật thiết giữa hai nhà nước bắt đầu từ mối quan hệ giữa lãnh đạo cấp cao hai nước. Đây là dịp để Thủ tướng Kishida gặp gỡ các lãnh đạo cấp cao của Việt Nam, thiết lập quan hệ cá nhân, làm tiền đề cho quan hệ hai nước bền chặt theo phương châm “chân thành, tình cảm và tin cậy”. Chuyến thăm trong chưa đầy 23 giờ nhưng Thủ tướng Kishida đã có tới 12 hoạt động. 23 giờ lịch sử này đã đưa quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng giữa hai nước đi vào giai đoạn mới thực chất, hiệu quả.

Đã nhiều lần thăm Việt Nam trên các cương vị khác nhau trong suốt hơn 20 năm tham gia Liên minh Nghị sĩ hữu nghị Việt–Nhật, trong chuyến thăm này, Thủ tướng Kishida đã một lần nữa gặp gỡ, trao đổi với các lãnh đạo chủ chốt của Việt Nam như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Tình cảm cá nhân tốt đẹp, nồng ấm giữa các lãnh đạo hai nước tiếp tục được củng cố và khắc sâu. Điều này chắc chắn sẽ tạo nền tảng vững chắc và định hướng xuyên suốt cho sự phát triển lâu bền của quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai đất nước, hai dân tộc. 

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio. Ảnh: Dương Giang/TTXVN.

Nội dung kinh tế là trọng tâm của cuộc hội đàm giữa các nhà lãnh đạo cấp cao hai nước. 23 văn kiện quan trọng đã được ký kết, bao trùm các lĩnh vực trọng điểm như kinh tế-thương mại, khoa học công nghệ, giao thông vận tải, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo. Hai bên nhấn mạnh ba lĩnh vực ưu tiên trong hợp tác là đa dạng hóa nguồn cung ứng, chuyển đổi số và đổi mới công nghệ. Chính phủ Nhật Bản xác định và cam kết hỗ trợ 39 doanh nghiệp trong lĩnh vực này đầu tư vào Việt Nam (trong tổng số 92 doanh nghiệp ở cả khu vực châu Á). 

Các nội dung hợp tác mà Việt Nam quan tâm như thúc đẩy Nhật Bản triển khai Chương trình sử dụng ODA thế hệ mới cho Việt Nam với ưu đãi cao, thủ tục tinh giản, linh hoạt trong 4 lĩnh vực kết cấu hạ tầng chiến lược về giao thông, chống biến đổi khí hậu, chuyển đổi số và y tế; tháo gỡ vướng mắc trong các dự án hợp tác lớn trên cơ sở hài hòa lợi ích của hai bên cũng đã nhận được sự phản hồi tích cực từ phía Nhật Bản.

Trong các cuộc tiếp xúc, lãnh đạo hai bên đều khẳng định tầm quan trọng của năm 2023 kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Nhật Bản. Hai nước đã nhất trí thành lập Ban tổ chức quốc gia, tổ chức các sự kiện lớn trong năm 2023 nhằm đánh giá 50 năm quan hệ, rút ra các bài học sâu sắc và thảo luận các phương hướng cho các năm tiếp theo. 

Trong bối cảnh thế giới có nhiều thay đổi, vấn đề an ninh chính trị cũng được chú trọng trong chương trình nghị sự. Hai bên nhất trí tiếp tục phối hợp chặt chẽ trên các diễn đàn quốc tế và khu vực như ASEAN, Cấp cao Đông Á (EAS), Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC), Diễn đàn hợp tác Á-Âu (ASEM), Liên hợp quốc, hợp tác Mekong-Nhật Bản; cùng các nước thành viên khác thực thi, mở rộng Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), thực thi hiệu quả Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP); chia sẻ quan điểm chung về giải quyết các tranh chấp, bất đồng bằng các biện pháp hòa bình, bao gồm tôn trọng đầy đủ các tiến trình ngoại giao và pháp lý, trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982; thực hiện toàn diện, đầy đủ, hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), sớm hoàn tất Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu quả, thực chất, phù hợp với luật pháp quốc tế.

Một kết quả nữa là hai bên đã đạt được quyết tâm sớm hoàn tất việc mở cửa thị trường Nhật Bản cho quả nhãn của Việt Nam. Đây là tin vui cho bà con nông dân các vùng trồng nhãn, có cơ hội tiếp cận thị trường to lớn. Theo đà đó, các loại hoa trái khác của Việt Nam như nho, bưởi, bơ, chôm chôm... sẽ tiếp tục sớm được đàm phán để vào thị trường Nhật.
 
Chuyển đổi số và đa dạng hóa các chuỗi cung ứng là hai trong số các nội dung đã được các thủ tướng hai nước tập trung thảo luận tại cuộc hội đàm ở Hà Nội. Theo Đại sứ, hai nước cần làm gì để thúc đẩy hơn nữa hợp tác trong các lĩnh vực này?

Đại diện tập đoàn Sovico trao thỏa thuận hợp tác với đại diện Marubeni Corporation.

Trước mắt, Nhật Bản đã hỗ trợ 39 doanh nghiệp đầu tư vào Việt Nam nhằm tạo nguồn cung ổn định cho nền kinh tế Nhật Bản. Về lâu dài, số doanh nghiệp Nhật Bản sẽ tăng lên nhiều hơn nữa. Tôi cho rằng nền kinh tế Việt Nam dần trở thành một nền kinh tế liên kết bổ trợ với nền kinh tế Nhật Bản bởi hai nước có nhiều lợi thế bù trừ. Trước hết, tôi cho rằng các lĩnh vực quan trọng như thiết bị, máy móc, điện tử sẽ coi Việt Nam là cơ sở cho nền kinh tế Nhật Bản. Hàng tiêu dùng sản xuất từ Việt Nam như dệt may và da giày đang có ưu thế chiếm tỷ trọng cao trong xuất khẩu từ Việt Nam sang Nhật Bản. Sắp tới, hàng nông sản từ Việt Nam cung cấp cho thị trường Nhật sẽ chiếm tỷ trọng quan trọng trong xuất khẩu từ Việt Nam sang Nhật Bản. 

Tuy nhiên, để hàng nông sản của Việt Nam đáp ứng yêu cầu của thị trường Nhật Bản và đòi hỏi của khách hàng Nhật Bản, chúng ta cần chú trọng phát triển nông nghiệp cao, tăng cường chuỗi hợp tác sản xuất để tạo ra các sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn của thị trường và đòi hỏi của khách hàng Nhật Bản. 
 
Tại cuộc hội đàm ở Hà Nội, các thủ tướng hai nước đã nhất trí đẩy nhanh các thủ tục để Nhật Bản công bố mở cửa thị trường cho quả nhãn Việt Nam xuất khẩu sang Nhật Bản vào tháng 9/2022. Theo Đại sứ, các nhà sản xuất và xuất khẩu quả nhãn Việt Nam cần làm gì để tận dụng cơ hội này?

Nhãn trồng theo tiêu chuẩn VietGap. Ảnh minh họa: Đinh Tuấn/TTXVN

Hai Thủ tướng đã hạ quyết tâm đưa quả nhãn của Việt Nam sớm tiếp cận thị trường Nhật Bản. Tại Nhật Bản, quả nhãn không có đối thủ cạnh tranh. Tuy nhiên, cũng như quả vải, vấn đề chất lượng sản phẩm, khâu khử khuẩn và diệt côn trùng, cũng như bảo quản sau thu hoạch để giữ được hương vị và mùi thơm của nhãn khi tới tay người tiêu dùng lại là vấn đề thuộc về phía doanh nghiệp Việt Nam. Tôi mong rằng các doanh nghiệp Việt Nam chuẩn bị sớm kế hoạch để tháng 9 tới có thể đưa quả nhãn lên hệ thống siêu thị ở Nhật. 
 
Việt Nam và Nhật Bản sẽ kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 2023. Theo Đại sứ, hai nước cần làm gì để đưa quan hệ đối tác chiến lược song phương phát triển sâu rộng và thực chất hơn?

Năm 2023 sẽ là mốc lớn trong quan hệ giữa Việt Nam và Nhật Bản khi hai dân tộc đón chào các sự kiện lớn kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Chúng ta tự hào về lịch sử 50 năm đã tạo dựng nên cơ đồ cho quan hệ song phương trải rộng trên các mặt và sâu sắc tới tận đáy lòng của mỗi người dân. 

Một cơ ngơi như vậy cần được các thế hệ hai nước tiếp bước. Việc tuyên truyền, khơi dậy lòng hãnh diện về mối quan hệ gắn bó, sẻ chia như vậy cần được các thế hệ trẻ tiếp nối. Tuyên truyền cho thế hệ trẻ về quan hệ “chân thành, tình cảm và tin cậy” là nghĩa vụ của hai nước để các thế hệ trẻ chung tay vun đắp cho quan hệ hai nước.

Liên kết kinh tế trên cơ sở nguyên tắc thiết thực, hiệu quả sẽ là chất keo vững chắc để đưa quan hệ hợp tác, phát triển song phương đi vào thực chất, bền chặt. Nền kinh tế hai nước phải gắn bó trên cơ sở nguyên tắc hai bên cùng có lợi, hỗ trợ và bù đắp. Đó sẽ là nền tảng vững chắc đưa hai nước cùng tiến trên con đường phồn thịnh, hạnh phúc. Một điều không thể thiếu là mối quan hệ gần gũi, thân thiết, chân thành giữa các thế hệ lãnh đạo hai nước. Tình cảm quý trọng lẫn nhau của nhân dân hai nước cũng sẽ là chất keo kết dính lâu bền, đưa hai dân tộc cùng nhau sánh vai tới phồn vinh, không chỉ cho hai dân tộc, mà còn vì sự thịnh vượng chung của cả khu vực.

Xin trân trọng cảm ơn Đại sứ!

Theo THANH TÙNG - PHẠM TUÂN (TTXVN)