Chuyện vui ở xã An Phú

09/05/2018 - 06:46

 - Bí thư Đảng ủy xã An Phú (Tịnh Biên) Nguyễn Văn Dương hào hứng chia sẻ với chúng tôi 2 sự kiện nổi bật nhất trong thời gian qua của địa phương. Có thể, đó không phải là sự kiện mang tầm vĩ mô, nhưng lại có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn và đời sống của người dân nơi đây.

Cả 2 sự kiện đều diễn ra ở ấp Phú Nhất và Phú Tâm: thực hiện lắp đặt điện kế, thủy kế cho Nhân dân và nạo vét 5 kênh nội đồng phục vụ nhu cầu sản xuất của họ. Sau hàng chục năm mong chờ, đến năm 2017, các công trình được triển khai, bằng tâm huyết và nỗ lực của cả tập thể cán bộ, đảng viên, người dân trong xã.

Ngược dòng lịch sử, sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng thống nhất đất nước (30-4-1975), lại trải qua chiến tranh biên giới Tây Nam, xã An Phú gồng gánh, chịu nhiều mất mát đau thương. Người dân phải sống ly hương, xa xứ. Lúc trở về xây dựng cuộc sống, kinh tế gia đình họ gặp nhiều khó khăn. Điện, đường, trường, trạm… không đảm bảo cho việc đi lại, học tập và chăm sóc sức khỏe cho người dân, nhất là ở ấp Phú Nhất và Phú Tâm. Khí hậu thay đổi bất thường, kinh tế hộ kém phát triển, bộ mặt nông thôn chậm đổi mới, văn hóa - xã hội lạc hậu. Nhiều năm liền, người dân phải sống trong cảnh thiếu điện chiếu sáng, thiếu nước sạch sử dụng. Họ phải thắp đèn dầu, dùng nước giếng. Có thời điểm hạn nặng, nước giếng cạn kiệt, họ phải sống qua ngày nhờ bộ đội chở nước đến “tiếp tế”.

“Trước thực trạng trên, Đảng bộ, chính quyền, MTTQ và các tổ chức thành viên ra sức tuyên truyền, vận động các nhà hảo tâm, doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn và từng hộ dân đóng góp để lắp đặt thủy kế 2 tuyến đường. Công trình nhanh chóng hoàn thành, phục vụ cho 34 hộ dân của 2 ấp với chiều dài trên 1,7km, trị giá trên 92 triệu đồng. Thừa thắng xông lên, chúng tôi tiếp tục vận động Nhân dân đóng góp, lắp đặt điện kế từ tổ 17 đến tổ 20 (thuộc địa bàn ấp Phú Nhất) và từ tổ 12 đến tổ 14 (ấp Phú Tâm) cho 103 hộ, với tổng số tiền gần 340 triệu đồng. Kể từ đó, nhu cầu sinh hoạt, giải trí của người dân được đảm bảo, đời sống vật chất và tinh thần của họ dần được nâng lên. Mặt khác, công trình hoàn thành góp phần tăng niềm tin yêu của người dân vào sự lãnh đạo của Đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức thành viên ở địa phương” - ông Nguyễn Văn Dương chia sẻ.

Giải quyết xong nhu cầu thiết yếu về sinh hoạt, người dân địa phương còn gặp vướng mắc về sản xuất nông nghiệp. 5 kênh bờ bắc kênh Vĩnh Tế đã bồi lắng sau đợt nạo vét gần 20 năm trước; không đảm bảo cho việc tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp và nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân. Ông Lê Văn Cu (sinh năm 1985) cho biết: “Thiếu nước, chúng tôi vừa tốn kém tiền bơm nước, trễ nải sản xuất vụ mùa. Mỗi lần vận chuyển hàng hóa, tôi phải thức trắng đêm canh con nước lớn, tranh thủ ít giờ ngắn ngủi để di chuyển”.

Chuyện vui ở xã An Phú

Nạo vét các kênh

Lần tiếp xúc cử tri đại biểu HĐND 3 cấp nào, người dân cũng đều đề đạt nhu cầu, nguyện vọng được nạo vét các kênh. Thấy vậy, Đảng bộ, chính quyền xã An Phú đã đề xuất, xin chủ trương, kinh phí để thực hiện công trình. Tỉnh, huyện chấp nhận chủ trương “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”, hỗ trợ kinh phí nạo vét 5,225km, hơn 3 tỷ đồng, nhưng rất cần người dân tự nguyện hiến đất để thực hiện. Để có được sự đồng thuận của người dân, UBND xã phối hợp MTTQ, các tổ chức thành viên và Ban Nhân dân ấp Phú Nhất, Phú Tâm tổ chức 12 cuộc tuyên truyền về triển khai phương án nạo vét, với trên 310 lượt người dân tham dự. Kết quả thật sự rất bất ngờ: có 107 hộ dân đồng tình hiến đất, tạo mặt bằng nạo vét 5 con kênh với tổng số tiền 724 triệu đồng.

Hiện nay, công trình đã nạo vét xong, đưa vào sử dụng cho 476ha bờ bắc kênh Vĩnh Tế, giúp 375 hộ dễ dàng ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất (như: chương trình “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”, công nghệ trước, trong và sau thu hoạch, rút nước sớm xuống giống đồng loạt...) nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, góp phần thực hiện thành công Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của xã từ nay đến 2020.

Ngồi trò chuyện với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Nô (sinh năm 1953) phấn khởi cho biết: “Khi thực hiện nạo vét, người dân vui vẻ hiến đất, nhiệt tình ủng hộ chủ trương vì đó là mong ước bao lâu nay. Mừng ở chỗ nước tưới tiêu không còn phải lo thiếu nữa, có thể xuống giống sớm vụ này, không sợ lũ tràn về bất thình lình, đường vận chuyển lại thông thoáng. Chúng tôi yên tâm sản xuất”. 5 con kênh đã nạo vét còn góp phần đảm bảo giao thông đường thủy trên tuyến biên giới, chủ động giữ vững cột mốc biên giới 272 và 273.

Thực hiện tốt 2 sự kiện trên thể hiện tinh thần đoàn kết trong Ban Chấp hành Đảng bộ xã An Phú; sự lãnh đạo của Đảng ủy đối với chính quyền, MTTQ và các tổ chức thành viên; sự tin yêu của người dân đối với Đảng, chính quyền địa phương. Mọi chuyện sẽ dễ dàng hơn khi ý Đảng hợp lòng dân, “nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”, đặt lợi ích chính đáng của người dân lên trên hết. Đó là những vấn đề ý nghĩa chúng tôi ghi nhận được sau khi đến thăm xã An Phú!

Bài, ảnh: KHÁNH HƯNG