Những năm qua, Tịnh Biên tích cực thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng tận dụng lợi thế đặc thù của địa phương. Trong đó, cây đậu phộng và cây khoai mì đang cho thấy tính thích nghi cao với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu cũng như mang lại giá trị kinh tế khá cho nông dân. Nếu như cây khoai mì công nghiệp nằm trong mục tiêu “đường dài” của địa phương với phương án bao tiêu của Tập đoàn Sao Mai thì đậu phộng đang được nông dân gieo trồng với diện tích ngày càng tăng với giá trị kinh tế khá, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương. Tuy nhiên, nông dân miền núi lại canh tác đậu phộng với diện tích nhỏ lẻ, manh mún, chi phí đầu tư cao đã làm giảm hiệu quả kinh tế của cây trồng này. Do đó, ngành nông nghiệp huyện Tịnh Biên đang nỗ lực tiếp cận phương pháp cơ giới hóa đồng bộ cho cây đậu phộng nhằm giảm chi phí canh tác, tăng năng suất cùng với việc giải quyết bài toán đầu ra cho nông dân, tránh lệ thuộc vào thương lái.
Đậu phộng đang là cây trồng thoát nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số Khmer huyện Tịnh Biên
Tháng 5-2019, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Tịnh Biên phối hợp UBND xã An Phú, Vĩnh Trung đã triển khai mô hình trồng đậu phộng ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ trên vùng đất sản xuất kém hiệu quả. Mô hình được áp dụng trên diện tích 63ha, với 44 hộ dân tham gia. Để nông dân yên tâm tham gia mô hình, huyện Tịnh Biên đã hỗ trợ giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và cử cán bộ chuyên môn thường xuyên theo dõi, hướng dẫn nông dân về mặt kỹ thuật. Phía đối tác là Công ty Cổ phần Tư vấn Đầu tư và Dịch vụ nông nghiệp Việt Nam hỗ trợ nông dân quy trình kỹ thuật trồng cây đậu phộng và chi phí áp dụng cơ giới hóa từ khâu bón phân, xới đất, lên líp, gieo hạt, thu hoạch và bao tiêu sản phẩm theo giá thị trường. Việc áp dụng cơ giới hóa sẽ tiết kiệm tối thiểu 20% chi phí sản xuất và giải quyết được tình trạng khan hiếm lao động tại địa phương, nhất là nhân công thu hoạch đậu phộng. Mô hình này mở ra hướng đi mới trong việc đưa cây đậu phộng trở thành cây trồng sản xuất chính trong năm, thay vì trồng xen vụ như hiện nay.
Theo Phòng NN&PTNT huyện Tịnh Biên, mô hình đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của nông dân, bởi phương pháp cơ giới hóa đồng bộ mang đến nhiều lợi ích. Tuy nhiên, để mô hình phát triển tốt hơn thì phía công ty và nông dân cần thống nhất lại quy trình canh tác cây đậu phộng. Trong đó cần áp dụng tốt hơn các biện pháp thích ứng với điều kiện khắc nghiệt của thời tiết, thiết kế lại thông số kỹ thuật của các loại máy móc, thiết bị. Đồng thời, cần tăng cường nguồn nhân lực về kỹ thuật vận hành máy móc, đảm bảo lịch thời vụ sản xuất cho nông dân. Đặc biệt, cần có người làm đầu mối, chịu trách nhiệm chính trong quá trình triển khai thực hiện giữa Công ty Cổ phần Tư vấn Đầu tư và Dịch vụ nông nghiệp Việt Nam và nông dân để đảm bảo quyền lợi cho cả hai phía.
Thời gian tới, Phòng NN&PTNT huyện Tịnh Biên sẽ mở rộng diện tích mô hình tại các xã: An Phú, An Cư, Văn Giáo, Vĩnh Trung. Hiện nay, nông dân các địa phương này đang có nhu cầu phát triển gần 80ha đậu phộng theo phương pháp cơ giới hóa đồng bộ. Với mục tiêu phát triển nông nghiệp theo hướng đặc thù, huyện Tịnh Biên đang nỗ lực tiếp cận hướng đi mới nhằm giúp nông dân miền núi nâng cao thu nhập từ cây đậu phộng. Để thực hiện được mục tiêu trên, cần có sự quan tâm sâu sát của ngành chuyên môn cũng như sự hợp tác chủ động của nông dân với đơn vị cung cấp máy móc, bao tiêu sản phẩm mới có thể biến đậu phộng trở thành cây trồng “chủ lực” ở huyện miền núi này.
MINH QUÂN