Cơ hội giao thương giữa doanh nghiệp An Giang và Campuchia

07/12/2022 - 07:32

 - Nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp (DN), đặc biệt là DN vừa, nhỏ và siêu nhỏ, tìm đối tác, mở rộng thị tường, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư tỉnh An Giang cùng các sở, ban, ngành liên quan đã đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ, kết nối cung cầu thông qua các buổi hội nghị, xúc tiến, giới thiệu sản phẩm… Hoạt động này vừa mang lại lợi ích cho các bên, vừa bảo đảm nguồn cung hàng hóa cho thị trường, vừa hỗ trợ DN tiếp cận với các kênh phân phối bán lẻ hiện đại.

Nhiều cơ hội giao thương

Là vùng đất giàu tiềm năng, với vị trí địa lý thuận lợi, An Giang được xem là trung tâm kinh tế thương mại kết nối giữa TP. Hồ Chí Minh, TP. Cần Thơ và thủ đô Phnom Penh (Campuchia). Đây còn là cửa ngõ giao thương quan trọng của quốc gia, của các tỉnh, thành phố trong vùng ĐBSCL với Vương quốc Campuchia và các nước thành viên ASEAN.

Hội nghị kết nối doanh nghiệp tỉnh An Giang (Việt Nam) và doanh nghiệp Campuchia. Ảnh: ĐỨC TOÀN

Khu kinh tế cửa khẩu An Giang là một trong 8 khu kinh tế cửa khẩu trọng điểm quốc gia, tập trung đầu tư phát triển giai đoạn 2021-2025 với 2 cửa khẩu quốc tế là Vĩnh Xương, Tịnh Biên; 2 cửa khẩu quốc gia là Vĩnh Hội Đông, Khánh Bình. Bên cạnh, với hơn 80% diện tích đất nông nghiệp, trong đó đất phù sa chiếm hơn 44%, nguồn nước ngọt quanh năm, khí hậu ôn hòa và 65% dân số lao động nông thôn có nhiều kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp…

Mỗi năm, An Giang cung ứng cho thị trường khoảng 4 triệu tấn lúa, nếp; khoảng 500.000 tấn thủy sản và trên 700.000 tấn rau màu các loại… Ngoài ra, An Giang hiện có 74 sản phẩm đạt chuẩn OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) từ 3 sao trở lên, trong đó có 2 sản phẩm đạt 5 sao, 15 sản phẩm đạt 4 sao.

Với những tiềm năng và thế mạnh, An Giang có nhiều cơ hội giao thương giữa các tỉnh ĐBSCL, đặc biệt là với Campuchia. Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư tỉnh An Giang Lê Trung Hiếu cho biết, An Giang luôn coi trọng và sẽ tiếp tục phối hợp với cơ quan thương mại thuộc các địa phương - Vương quốc Campuchia, đặc biệt thủ đô Pnom Penh, tỉnh Takeo và Kandal và các cấp chính quyền tương đương để triển khai các hoạt động trong khuôn khổ bản ghi nhớ hợp tác phát triển thương mại biên giới; thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại. Tuy nhiên hiện nay, sự liên kết giữa các DN của An Giang (Việt Nam) với các DN nước bạn để đẩy mạnh xuất, nhập khẩu còn nhiều hạn chế và kết quả chưa đạt được như kỳ vọng.

An Giang đẩy mạnh kết nối cung-cầu thông qua các buổi trưng bày, giới thiệu sản phẩm Ảnh: THANH TIẾN

Trong 11 tháng của năm 2022, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh An Giang ước đạt trên 2,2 tỷ USD, giảm 3% so cùng kỳ năm 2021. Trong đó, xuất, nhập khẩu đăng ký tại An Giang đạt gần 906 triệu USD, tăng 19% so với cùng kỳ; hàng hóa đăng ký nơi khác thực hiện xuất khẩu qua cửa khẩu An Giang đạt gần 1,3 tỷ USD, giảm 14% so cùng kỳ. Hàng hóa xuất khẩu chủ yếu: Phân bón, sắt thép, xi-măng, xăng dầu, bách hóa tổng hợp, nông-thủy sản… Hàng hóa nhập khẩu chủ yếu là trái cây và máy gặt đập đã qua sử dụng.

Thêm cơ hội mở rộng thị trường

Với mong muốn hỗ trợ các DN, hợp tác xã, cơ sở sản xuất - kinh doanh trên địa bàn tỉnh An Giang mở rộng thị trường, thời gian qua, Trung tâm xúc tiến Thương mại và Đầu tư tỉnh thường xuyên tổ chức các buổi xúc tiến thương mại, kết nối cung-cầu cho các DN trong tỉnh… Đặc biệt mới đây, trung tâm cùng các sở, ban, ngành liên quan phối hợp cùng Thương vụ Việt Nam tại Campuchia đã tổ chức Hội nghị cơ hội hợp tác và kết nối DN tỉnh An Giang (Việt Nam) và DN Campuchia. Hội nghị là cơ hội để các DN 2 bên tìm hiểu thị trường, cơ hội đầu tư, hợp tác thương mại, phân phối sản phẩm...

Hàng hóa lưu thông qua Cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên. Ảnh: TRUNG HIẾU

Tại hội nghị, nhiều DN của An Giang mong muốn được phát triển sản phẩm tại thị trường “đất nước chùa tháp”. Giám đốc Công ty TNHH SX TM Tiến Anh (thị trấn Chợ Mới, huyện Chợ Mới) Trần Lê Hùng cho biết, công ty chuyên sản xuất các loại bánh ngọt, như: Bánh hạnh nhân, bánh kẹp, bánh quy bơ... năng lực sản xuất từ 1,5-2 tấn/tháng. Thị trường tiêu thụ ở hầu hết các địa phương trong cả nước, trong đó có Campuchia. Tham dự hội nghị lần này, ông Hùng mong muốn có thể tìm kiếm, kết nối với các đối tác của Campuchia để phân phối độc quyền các sản phẩm của DN.

Không chỉ các DN sản xuất - kinh doanh trong tỉnh muốn hợp tác với DN Campuchia, các nhà phân phối, bán lẻ trên địa bàn tỉnh cũng mong muốn được phát triển các sản phẩm của nước bạn ở thị trường An Giang. Giám đốc Siêu thị Tứ Sơn Tạ Minh Sơn cho biết, siêu thị ngoài phục vụ khách hàng trong tỉnh, còn cả khách Campuchia từ các địa phương  giáp biên giới khu vực TP. Châu Đốc, nổi bật nhất là lượng khách đến từ các nơi đến vía Bà Chúa Xứ núi Sam hàng năm. Thông qua hội nghị lần này, ông Sơn mong muốn được kết nối với các DN, cơ sở sản xuất của Vương quốc Campuchia nhằm phát triển các sản phẩm tại thị trường An Giang.

Giới thiệu sản phẩm tại Hội nghị cơ hội hợp tác và kết nối doanh nghiệp tỉnh An Giang (Việt Nam) và doanh nghiệp Campuchia

Không chỉ riêng các DN An Giang, các DN Campuchia cũng giới thiệu các sản phẩm thế mạnh để phát triển tại thị trường An Giang. Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư tỉnh An Giang Lê Trung Hiếu cho biết: “Tỉnh sẽ tiếp nhận những thông tin cần thiết, cũng như những kinh nghiệm thực tiễn về thị trường Campuchia. Đây là bước khởi đầu nhưng sẽ mang lại nhiều kết quả khả quan, giúp các DN nhỏ và siêu nhỏ của 2 quốc gia từng bước vượt qua khó khăn sau đại dịch COVID-19 và lạm phát kinh tế trên toàn cầu”.

ĐỨC TOÀN