Khai thác lợi thế
Bộ NN&PTNT cho biết, tổng diện tích gieo trồng lúa cả nước hiện đạt 7,2 triệu ha/năm, đứng thứ 6 trên thế giới, sau Ấn Độ (43,8 triệu ha), Trung Quốc (29,9 triệu ha), Bangladesh (11,5 triệu ha), Indonesia (10,7 triệu ha) và Thái Lan (9,7 triệu ha).
Trong đó, diện tích gieo trồng lúa ở ĐBSCL chiếm 54% cả nước, đạt khoảng 3,9 triệu ha (đông xuân - hè thu 1,5 triệu ha, thu đông 700.000ha và lúa mùa 150.000ha). Bốn tỉnh có diện tích vụ đông xuân lớn là, tỉnh Kiên Giang (284.000ha), An Giang (230.000ha), Long An (226.000ha) và Đồng Tháp (196.000ha). Riêng An Giang có khả năng tổ chức sản xuất tốt cả 3 vụ đông xuân, hè thu và thu đông.
Với điều kiện sản xuất thuận lợi, năng suất lúa của Việt Nam cao nhất trong khu vực ASEAN và trong tốp đầu của thế giới, đạt bình quân 6 tấn/ha (năm 2021), kéo theo sản lượng lúa khoảng 44 triệu tấn, sản lượng gạo khoảng 28 triệu tấn, đứng thứ 5 thế giới (trên Thái Lan).
Riêng khu vực ĐBSCL, giai đoạn từ năm 2010 đến nay, năng suất lúa luôn cao hơn bình quân cả nước từ 0,1 - 0,2 tấn/ha, tăng từ 5,5 tấn/ha (năm 2010) lên 6,2 tấn/ha (năm 2021); sản lượng đạt 24,3 triệu tấn/năm (tăng hơn 2,7 triệu tấn so 2010), chiếm 55% sản lượng lúa của cả nước.
Trong 28 triệu tấn gạo sản xuất hàng năm, Việt Nam dành tiêu thụ nội địa khoảng 21 triệu tấn (để ăn, sử dụng trong chăn nuôi và các ngành công nghiệp thực phẩm khác), xuất khẩu từ 6,5 - 7 triệu tấn (trong đó ĐBSCL chiếm hơn 90% lượng gạo xuất khẩu).
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam, mặc dù những năm qua, diện tích trồng lúa có khuynh hướng giảm theo chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp (chuyển diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng rau màu, cây ăn trái, nuôi trồng thủy sản), nhưng sản lượng lúa cơ bản không giảm, nhờ năng suất tăng ấn tượng.
Đây là kết quả của các tiến bộ kỹ thuật được áp dụng, đặc biệt là tiến bộ về giống, quản lý hiệu quả sâu bệnh và sự phát triển của hệ thống thủy lợi khắp nước. Tại ĐBSCL, vụ lúa đông xuân đạt năng suất trên 7 tấn/ha. Để duy trì năng suất lúa lâu dài không suy giảm, cần chuyển đổi mạnh mẽ sản xuất lúa sang hướng bền vững và tăng trưởng xanh.
Nâng vị thế người trồng lúa
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho biết, Việt Nam là nước có lợi thế cạnh tranh trong sản xuất lúa, xét về điều kiện sinh thái tự nhiên (trồng được nhiều thời vụ khác nhau trong năm), có đồng bằng trồng lúa vào loại phì nhiêu nhất của khu vực; diện tích, năng suất và sản lượng đều có vị trí cao trên thế giới.
“ĐBSCL có điều kiện thuận lợi phát triển vùng lúa chuyên canh, quy mô lớn. Vùng lúa chuyên canh chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh ở ĐBSCL phải tạo ra thu nhập cao hơn cho người trồng lúa, giảm nhẹ và thích ứng với biến đổi khí hậu, làm động lực cho việc bảo vệ quỹ đất chuyên trồng lúa lâu dài” - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam nhấn mạnh.
Theo thống kê, mức tiêu thụ gạo bình quân trên đầu người ở Việt Nam hiện khoảng 100kg/năm (năm 2006 là 137kg/năm). Mặc dù tiêu thụ gạo bình quân đầu người có xu hướng giảm, nhưng dân số tăng cùng với nhu cầu sử dụng gạo làm thức ăn chăn nuôi, chế biến thực phẩm gia tăng, tổng lượng gạo tiêu thụ của Việt Nam vẫn tăng với tốc độ 0,8%/năm trong giai đoạn 2011 - 2020, tiếp tục xu thế tăng những năm tới. Hơn 10 năm qua, Việt Nam luôn giữ vị trí thứ 3 thế giới về xuất khẩu gạo, chiếm 12,5% thị phần thế giới. Với giá xuất khẩu bình quân 526 USD/tấn, xuất khẩu gạo mang về cho Việt Nam 3,2 tỷ USD/năm.
Năm 2023, nhiều nước cấm xuất khẩu hoặc hạn chế xuất khẩu, trong khi vùng ĐBSCL vẫn tăng năng suất, sản lượng, giá gạo xuất khẩu vượt mốc 600 USD/tấn, dự kiến kim ngạch và thị phần xuất khẩu gạo của Việt Nam sẽ tăng mạnh.
Trong bối cảnh tác động mạnh mẽ của biến đổi khí hậu, tình hình địa chính trị, địa kinh tế thế giới còn bất ổn, nhiều nước sẽ còn hạn chế xuất khẩu gạo để phục vụ nội địa, ĐBSCL càng có cơ hội phát huy thế mạnh lúa gạo khi có thể canh tác quanh năm trong điều kiện thuận lợi.
Triển khai nhanh đề án
Theo Bộ Công Thương, xuất khẩu gạo của Việt Nam đã đạt được nhiều tiến bộ trong thời gian gần đây, như: Cơ cấu chủng loại gạo thay đổi theo hướng tăng tỷ lệ gạo thơm, đặc sản và gạo trắng cao cấp, kéo theo giá trị tăng; một số chủng loại gạo đặc sản của Việt Nam đã có giá xuất khẩu tương đương với gạo thơm Thái Lan, riêng gạo trắng của Việt Nam gần đây có lúc giá vượt trên gạo Ấn Độ và Thái Lan. Đến nay, gạo Việt Nam thâm nhập được các thị trường khó tính (như Liên minh Châu Âu) và bước đầu có thương hiệu.
ĐBSCL dù có lợi thế lớn về sản xuất lúa gạo, nhưng nhìn chung, canh tác vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ, tỷ lệ liên kết giữa nông dân, hợp tác xã (HTX) với doanh nghiệp (DN) còn thấp.
Khảo sát gần đây cho thấy, nông dân bán lúa trực tiếp cho DN chế biến, xuất khẩu chỉ chiếm 12,1% tổng sản lượng; có 37,5% sản lượng được nông dân bán qua HTX để phân phối lại cho DN chế biến, xuất khẩu hoặc qua thương lái; còn lại 49,5% sản lượng được nông dân bán qua thương lái và phân phối lại cho các đối tượng khác.
Điều này đặt ra yêu cầu cần thiết phải xây dựng và triển khai nhanh, có hiệu quả Đề án sản xuất bền vững 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao, giảm phát thải khí nhà kính tại vùng ĐBSCL. Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho rằng, đề án phù hợp với Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu. Đề án nhằm hình thành vùng nguyên liệu hàng hóa tập trung quy mô lớn ổn định lâu dài, tạo thuận lợi để tổ chức lại sản xuất lúa gạo của vùng ĐBSCL theo hướng hiện đại, đáp ứng đa mục tiêu: Nâng cao giá trị gia tăng chuỗi lúa gạo và thu nhập của người dân, bảo đảm an ninh lương thực, phục vụ chế biến, xuất khẩu gạo đạt hiệu quả cao, giảm phát thải khí nhà kính, thích ứng cao với biến đổi khí hậu.
Nòng cốt thực hiện phát triển vùng chuyên canh lúa chất lượng cao ở ĐBSCL là sự liên kết giữa HTX và DN, làm hạt nhân cho sự hình thành chuỗi giá trị lúa gạo dựa trên nền tảng ứng dụng các tiến bộ khoa học - công nghệ tiên tiến, phát triển hệ sinh thái ngành hàng lúa gạo đa giá trị.
|
NGÔ CHUẨN