'Công bố thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 ra sao là việc rất hóc búa'

07/12/2023 - 08:42

Đại diện Bộ GD-ĐT cho biết, trong thời gian tới, Bộ sẽ phải tiếp tục công bố các thí sinh sẽ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 như thế nào và đây là câu chuyện rất hóc búa.

Viện Khoa học giáo dục Việt Nam vừa tổ chức hội thảo thường niên về khoa học giáo dục với chủ đề “Phương pháp giáo dục và đánh giá phẩm chất, năng lực người học - Những vấn đề lý luận và thực tiễn”.

Tại hội thảo, các đại biểu đã bàn về hướng kiểm tra, đánh giá theo hướng tiếp cận năng lực của Chương trình giáo dục phổ thông 2018.   

Chia sẻ về kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025, ông Phạm Quốc Khánh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT), cho hay: “Đứng trên khía cạnh xã hội, học sinh quan tâm 2 điều là: ‘thi môn gì’ và ‘thi như thế nào’. Vừa rồi, Bộ GD-ĐT đã công bố phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 gồm 4 môn (2 môn bắt buộc, 2 môn tự chọn), tức ‘thi môn gì’, còn ‘thi như thế nào’ thì phải chờ”, ông Khánh nói.

“Trong thời gian tới, chúng tôi lại phải tiếp tục việc công bố các thí sinh sẽ thi như thế nào. Đây là câu chuyện rất hóc búa, rất mong nhận được ý kiến của các thầy cô”.

 Ông Phạm Quốc Khánh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT). Ảnh: Thanh Hùng.

Ông Khánh cho biết, để làm công tác này, Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT) cùng với các chuyên gia đang mày mò, thử nghiệm ở các nơi một cách âm thầm để lắng nghe.

Nhưng cái khó là thử nghiệm này vẫn chỉ là một kênh tham khảo bởi theo ông Khánh, thực tế là thử nghiệm khi các học sinh chưa học hết chương trình.

“Nếu chúng ta thử nghiệm với các học sinh lớp 12 năm nay, các em lại chưa được học chương trình mới, nhưng học sinh lớp 11 năm nay lại chưa hoàn thành chương trình phổ thông mới - Chương trình giáo dục phổ thông 2018 (Chương trình giáo dục phổ thông mới được triển khai theo hình thức cuốn chiếu, đến nay mới đến lớp 11 - PV)”, ông Khánh nói.

Do đó, ông Khánh cho hay, các kênh cơ sở khoa học khác sẽ cùng giúp cho Bộ GD-ĐT công bố một cấu trúc, định dạng thi phù hợp. Tuy nhiên, để hoàn thiện là một quá trình.

Theo ông Khánh, việc tổ chức thi như thế nào để đánh giá xem học sinh đạt được các mục tiêu của Chương trình phổ thông 2018 ra sao, sẽ là vô cùng khó.

“3 chữ cuối cùng của tuyên bố mục tiêu trong Thông tư 32 của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 là “mỗi học sinh”. Tức là phát triển phẩm chất, năng lực ngoài toàn diện phải đáp ứng với mỗi học sinh”, ông Khánh nêu.

Theo ông Khánh, kỳ thi tốt nghiệp từ 2025 hay kỳ thi tốt nghiệp hiện tại là kỳ đánh giá trên diện rộng. Nhưng tới đây, thầy cô còn phải tiếp tục phát triển mỗi học sinh vừa toàn diện vừa mang đủ phẩm chất và ưu thế của mình.

“Chúng ta đang đánh giá từng mục tiêu nhưng chưa có một thước đo, phương pháp đặt ra để đánh giá được rằng học sinh đạt được mục tiêu như chúng ta thiết kế chương trình. Trong khi năng lực, phẩm chất không phải là những mảnh ghép rời rạc”.

Ông Khánh cho hay, kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 sẽ có lộ trình, cải tiến hoàn thiện. "Bản chất của giáo dục là hội tụ tri thức và lan tỏa sự sáng tạo của tri thức đó chính là ở chúng ta. Đội ngũ quản lý nhà nước và nghiên cứu khoa học cần hội tụ để có những bước đi phù hợp", ông Khánh bày tỏ mong muốn.

Ông Phạm Quốc Toản, Trưởng phòng Quản lý thi và Kiểm định chất lượng, Sở GD-ĐT Hà Nội. Ảnh: Thanh Hùng.

Chia sẻ tại hội thảo, ông Phạm Quốc Toản, Trưởng phòng Quản lý thi và Kiểm định chất lượng, Sở GD-ĐT Hà Nội cho hay, nhiều năm trực tiếp quản lý về công tác này tại Hà Nội, nhận được nhiều quan điểm, ý kiến về việc học rồi thi hay thi sẽ định hướng cho việc học.

"Nhiều ý kiến nêu rằng nếu bây giờ cứ định hướng thi như thế nào để rồi sau đó tổ chức dạy học, giảng dạy như thế là sự chống chế, không có tính bền vững. Tuy là một luồng ý kiến, tuy nhiên, phân tích sâu xa, chúng tôi thấy đó cũng là điều đúng", ông Toản chia sẻ.

Liên quan đến việc đánh giá năng lực, phẩm chất học sinh, ông Toản nhấn mạnh vai trò người thầy là rất quan trọng. "Ngành giáo dục Hà Nội quan điểm, trong tất cả thành tố, "tế bào" là nền tảng cốt lõi nhất cho sự thành công của giáo dục là người thầy. Chính vì thế, bao giờ chúng tôi cũng tập trung chính vào người thầy, lấy làm ưu tiên đầu tiên. Người thầy vừa giảng dạy trên lớp vừa có thể triển khai công tác đánh giá học sinh rất sát, rất đúng", ông Toán nói.

Trước đó, ở những hội nghị mới đây do Bộ GD-ĐT tổ chức, GS Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT), cho hay, nội dung thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 sẽ bám sát mục tiêu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Đề thi sẽ theo hướng tăng cường đánh giá năng lực, phù hợp với quy định và lộ trình triển khai của Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Về hình thức thi, môn Ngữ văn thi theo hình thức tự luận; các môn còn lại thi theo hình thức trắc nghiệm. Ngân hàng câu hỏi thi và đề thi cho tất cả các môn được xây dựng theo định hướng chú trọng đánh giá năng lực. 

Theo Vietnamnet