Tạp chí The Economist cho rằng sẽ có những đợt bùng phát dịch cục bộ và theo mùa, đặc biệt ở các quốc gia chưa tiêm chủng đầy đủ. Các nhà dịch tễ học cũng cần theo dõi các biến thể mới có thể vượt khả năng miễn dịch do vắc xin mang lại.
Dẫu vậy, trong những năm tới, khi Covid-19 đã trở thành bệnh đặc hữu, chẳng hạn như cúm mùa, cuộc sống ở phần lớn thế giới sẽ trở lại bình thường - ít nhất là bình thường thời hậu đại dịch.
Người dân đeo khẩu trang khi bước trên Đại lộ Champs Elysées ở Paris, Pháp. Ảnh: Reuters
Đằng sau triển vọng này là cả một thành công rực rỡ nhưng cũng có một thất bại đáng buồn. Thành công là rất nhiều người đã được chủng ngừa và ở mỗi giai đoạn bệnh, từ các triệu chứng nhẹ đến chăm sóc tích cực, các loại thuốc mới có thể làm giảm đáng kể nguy cơ tử vong. Điều này dễ được coi là đương nhiên, nhưng việc bào chế và cấp phép nhanh chóng cho nhiều loại vắc xin cùng các phương pháp điều trị cho một căn bệnh mới là thành công lớn về mặt khoa học.
Vắc xin bại liệt đã mất 20 năm để đi từ những thử nghiệm ban đầu cho đến khi được cấp phép lần đầu tại Mỹ. Vào cuối năm 2021, chỉ hai năm sau khi SARS-CoV-2 được phát hiện, khoảng 1,5 tỷ liều vắc xin Covid-19 đã được sản xuất trên toàn cầu mỗi tháng. Hãng dữ liệu khoa học đời sống Airfinity dự đoán, vào cuối tháng 6/2022, con số này có thể lên đến 25 tỷ liều. Tại một hội nghị thượng đỉnh hồi tháng 9, Tổng thống Mỹ Joe Biden kêu gọi 70% thế giới cần được tiêm chủng đầy đủ trong vòng một năm.
Vắc xin không bảo vệ được hoàn toàn, đặc biệt là ở những người cao tuổi. Tuy nhiên, ngành khoa học y tế đã đạt được nhiều thành tựu. Ví dụ, các triệu chứng ban đầu có thể được điều trị bằng molnupiravir, một loại thuốc kháng virus mà qua thử nghiệm đã giúp giảm một nửa số ca nhập viện và tử vong. Người bệnh nặng có thể dùng dexamethasone, một loại corticosteroid giá rẻ, giúp giảm 20-30% nguy cơ tử vong. Ở giữa thì có các loại thuốc như remdesivir và một loại cocktail kháng thể do Regeneron sản xuất.
Nếu kết hợp giữa tiêm chủng và trị bệnh được coi như những bức tường ngăn chặn virus, thì mỗi bức tường được xây mới sẽ càng làm giảm khả năng gây chết chóc của Covid-19.
Tuy nhiên, cùng với thành công là thất bại. Một lý do nữa khiến Covid-19 ít nguy hiểm hơn trong tương lai là bởi vì chính nó đã hoành hành quá dữ dội trong quá khứ. Rất nhiều người đã được bảo vệ khỏi các biến thể virus hiện tại là nhờ họ đã nhiễm và qua khỏi. Và thêm nhiều người nữa, đặc biệt ở thế giới đang phát triển, sẽ vẫn chưa được bảo vệ bởi vắc xin hoặc thuốc.
Để có được khả năng miễn dịch như thế, cái giá phải trả là rất lớn. Tờ The Economist đã xem xét số ca tử vong trong thời kỳ đại dịch và kết luận rằng chúng quá cao so với dự đoán trong một năm bình thường. Theo ước tính của báo này hôm 22/10, khoảng 16,5 triệu người đã thiệt mạng vì Covid-19 trên toàn cầu, cao gấp 3,3 lần so với thống kê chính thức, trong khi có khoảng 1,5-3,6 tỷ ca nhiễm - cao gấp 6-15 lần con số được ghi nhận.
Sự kết hợp giữa lây nhiễm và tiêm chủng giải thích tại sao ở Anh vào mùa thu, có tới 93% người trưởng thành được phát hiện có kháng thể đối với Covid-19. Diễn biến dịch bệnh ở nước này cho thấy, con người có thể tái nhiễm nhưng sau mỗi lần như vậy thì hệ thống miễn dịch trở nên "thiện chiến" hơn để đẩy lùi virus.
Tất cả những điều kể trên vẫn có thể đảo chiều nếu xuất hiện một biến thể virus mới nguy hiểm. Virus liên tục đột biến và chúng càng hoành hành thì nguy cơ xuất hiện một chủng mới dễ lây lan càng cao. Hiện nay, SARS-CoV-2 cũng đã có một số biến thể mới nhưng chúng không đáng sợ như Delta. Ngoài ra, các phương pháp điều trị hiện thời vẫn rất hiệu quả, và vắc xin có thể nhanh chóng được điều chỉnh để phòng ngừa các đột biến mới của virus.
Covid-19 có thể sẽ không bị khai tử hoàn toàn. Nhưng đến năm 2023, nó sẽ không còn là một căn bệnh gây nguy hiểm tính mạng đối với hầu hết mọi người ở thế giới phát triển. Còn ở các nước nghèo, Covid-19 sẽ vẫn là một "sát thủ" đáng sợ. Nó còn có nguy cơ biến thành một căn bệnh khác.
Theo THANH HẢO (Vietnamnet)