Củng cố và nâng chất các hợp tác xã nông nghiệp

24/04/2020 - 05:48

 - Củng cố, nâng chất hoạt động của hợp tác xã (HTX) nông nghiệp là việc làm vừa mang tính cấp bách, vừa mang tính thường xuyên, lâu dài. Cấp bách bởi đầu ra cho nông sản đến nay còn bấp bênh, đời sống đại bộ phận nông dân vẫn còn gặp khó.

Đầu ra bấp bênh

Việt Nam đang hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, vì vậy, khi nông sản của nông dân làm ra có giá thành cao sẽ rất khó cạnh tranh với sản phẩm cùng loại của nông dân ở các nước có nền sản xuất nông nghiệp phát triển. Phát huy vai trò của tổ hợp tác (THT), HTX nông nghiệp trong sản xuất nhằm làm cho sản xuất đạt hiệu quả cao hơn, từ yếu tố đầu vào đến đầu ra gặp nhiều thuận lợi, thông qua mô hình “Mua chung, bán chung”.

Phần lớn hợp tác xã trong tỉnh được thành lập ở loại hình sản xuất lúa

Bàn về vai trò của HTX trong sản xuất nông nghiệp, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang Nguyễn Sĩ Lâm cho rằng, bản chất của HTX (theo Luật HTX năm 2012), lấy mục tiêu phục vụ thành viên là chính, không đặt yếu tố lợi nhuận lên hàng đầu như trước đó. Chính yếu tố này làm cho thành viên sử dụng nhiều dịch vụ do HTX cung ứng, giá thành sản xuất ra 1kg lúa thấp hơn những nông dân bên ngoài HTX (không sử dụng dịch vụ do HTX cung ứng).

Cụ thể, tại HTX nông nghiệp Phú Thạnh, thành viên có sử dụng dịch vụ bơm tưới sẽ giảm được 1 công (1.000m2) là 20.000 đồng. Sử dụng dịch vụ vật tư nông nghiệp, giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật do HTX cung ứng sẽ có giá thành giảm hơn bên ngoài ít nhất 5%.

Giá đầu vào thấp, hiệu quả sản xuất sẽ được nâng lên, chất lượng sản phẩm tốt hơn là điều chắc chắn. Đối với những HTX có liên kết với doanh nghiệp, thực hiện mô hình “Cánh đồng lớn” thì khi đến vụ thu hoạch, nông dân không phải chạy đôn, chạy đáo tìm thương lái để tiêu thụ sản phẩm.

Các hợp tác xã trên lĩnh vực sản xuất hoa màu vẫn còn rất ít

Vụ đông xuân 2019-2020, khi vào đầu vụ thu hoạch, giá lúa dòng OM được thương lái mua vào từ 5.000-5.100 đồng/kg, riêng giống IR 50404, thương lái mua 4.200 đồng/kg. Nhiều nông dân bên ngoài HTX phải vất vả tìm đầu ra cho sản phẩm, riêng nông dân là thành viên của THT, HTX (có liên kết thực hiện “Cánh đồng lớn”) không lo về giá cả, lẫn đầu ra.

“Qua vụ lúa đông xuân này, tôi sẽ xin vào HTX để sản xuất ổn định hơn, bởi ở bên ngoài, sản xuất không hiệu quả. Vật tư nông nghiệp mua cũng đắt, công cắt lúa cao, sử dụng dịch vụ bơm tưới của tư nhân giá cao hơn HTX đến 20.000 đồng/công, cái gì cũng cao thì sản xuất làm sao có hiệu quả, đặc biệt khâu tiêu thụ gặp rất nhiều khó khăn” - bà Trần Thị Lệ (xã Phú Thạnh, Phú Tân, An Giang) chia sẻ.

Hiệu quả sản xuất thấp

Việt Nam đang hội nhập vào nền kinh tế thế giới, các hiệp định thương mại song phương, đa phương đã có hiệu lực, điều này có nghĩa nông sản của nông dân các nước (mà Việt Nam là thành viên) sẽ “đổ bộ” vào thị trường Việt Nam. Nếu nông sản của nông dân làm ra chất lượng thấp, có nhiều dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, giá cao thì người tiêu dùng sẽ quay lưng lại với sản phẩm là điều khó tránh khỏi.

Làm sao để hiệu quả sản xuất của nông dân được nâng lên, sản phẩm chất lượng hơn, giá thành tốt hơn để có thể cạnh tranh được với sản phẩm cùng loại của nông dân các quốc gia phát triển đang là câu chuyện thời sự hiện nay, nhất là trong bối cảnh các hiệp định thương mại mà Việt Nam ký với các nước đã có hiệu lực.

Trước vấn đề này, nhiều HTX nông nghiệp cho rằng, phải đẩy mạnh việc củng cố, nâng chất các THT, HTX nông nghiệp trong thời điểm hiện nay để nông dân được tập hợp vào một tổ chức, ở đó cùng nhau tính toán việc sản xuất - kinh doanh hiệu quả.

Còn rất ít hợp tác xã thuộc lĩnh vực chăn nuôi bò

“Đây là thời điểm thích hợp để đẩy mạnh việc củng cố, nâng chất các THT, HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Vì hiện nay, đầu ra của nông sản tiếp tục gặp khó, đời sống nông dân chưa được như mong muốn. Đa phần HTX nông nghiệp được thành lập thuộc lĩnh vực lúa, còn lĩnh vực rau màu, cây ăn trái thì số HTX chỉ đếm “trên đầu ngón tay”, trong khi tỉnh có chủ trương chuyển đổi đất trồng lúa sang trồng rau màu, các loại cây ăn trái có thị trường tiêu thụ, vì vậy cần thành lập nhiều HTX trên lĩnh vực trái cây, rau màu để giúp nông dân sản xuất có hiệu quả hơn” - Giám đốc HTX nông nghiệp Tân Phú A1 (xã Tân Thạnh, TX. Tân Châu, An Giang) Trịnh Văn Dứt chia sẻ.

Trong giai đoạn hiện nay, nếu không đẩy mạnh việc củng cố, nâng chất các HTX nông nghiệp để sản xuất có hiệu quả hơn, đời sống của những người làm nông nghiệp tăng lên thì nông sản của nông dân sẽ khó cạnh tranh. Sản phẩm do nông dân làm ra bị người tiêu dùng “quay lưng” trên chính "sân nhà", bởi sản phẩm ấy chứa quá nhiều dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, giá bán cao, chất lượng không đồng đều, màu sắc không đẹp, đồng nhất… làm sao chương trình xây dựng nông thôn mới đạt hiệu quả cao như Đảng và nhà nước mong muốn.

“Ba yếu tố quyết định đến việc củng cố, nâng chất hoạt động của HTX nông nghiệp thời gian hiện nay là con người, vốn và sự đoàn kết, thống nhất nội bộ. Để HTX hoạt động có hiệu quả, hàng năm ban điều hành phải xây dựng kế hoạch kinh doanh, các dịch vụ phục vụ thành viên phải có giá rẻ hơn bên ngoài, có liên kết với doanh nghiệp để lo đầu ra cho nông dân, nguồn vốn huy động phải được nhiều thì dịch vụ tín dụng nội bộ mới phát huy hiệu quả. Làm được những việc đó, chúng ta mới thấy được tính ưu việt của HTX nông nghiệp trong bối cảnh hội nhập hiện nay” - Giám đốc HTX nông nghiệp Phú Thạnh (Phú Tân) Trần Văn Lô Ba khẳng định.

Bài, ảnh: MINH HIỂN