Cuối năm 2023 công bố kết quả đo lường kinh tế số ở Việt Nam

12/09/2023 - 18:38

Kinh tế số ngày càng đóng vai trò quan trọng trong hoạt động kinh tế. Việc sớm biên soạn và công bố chính thức quy mô kinh tế số ở Việt Nam là cần thiết, bảo đảm cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời phục vụ lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của các cơ quan Đảng, Nhà nước.

Quang cảnh hội thảo Đề xuất phương án đo lường quy mô kinh tế số ở Việt Nam.

Đề xuất khái niệm và phương pháp đo lường

Ngày 12/9, Tổng cục Thống kê tổ chức hội thảo Đề xuất phương pháp đo lường kinh tế số ở Việt Nam. Đây là sự kiện nằm trong chuỗi hội thảo được Tổng cục Thống kê tổ chức nhằm lấy ý kiến của các tổ chức nghiên cứu, Cục Thống kê các địa phương và giới chuyên gia về hai nội dung.

Đó là: Phạm vi, phương pháp đo lường kinh tế số và kết quả ước tính thử nghiệm đo lường đóng góp của kinh tế số trong tổng sản phẩm trong nước/tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (GDP/GRDP).

Trình bày nội dung đề xuất phương pháp đo lường kinh tế số ở Việt Nam, Phó Vụ trưởng Hệ thống Tài khoản quốc gia Nguyễn Thị Thu Hương cho biết: Hiện nay, một số nước trên thế giới đã công bố chỉ tiêu tỷ trọng kinh tế số trong tổng giá trị tăng thêm hoặc tỷ trọng kinh tế số trong GDP.

Về cơ sở pháp lý và đề xuất đo lường đóng góp giá trị tăng thêm của kinh tế số trong GDP ở Việt Nam, tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong GDP được xác định là tỷ lệ phần trăm giữa tổng giá trị tăng thêm do kinh tế số tạo ra so với tổng sản phẩm trong nước trong kỳ báo cáo.

Kinh tế số được xác định là hoạt động kinh tế sử dụng công nghệ số và dữ liệu số làm yếu tố đầu vào chính, sử dụng môi trường số làm không gian hoạt động chính, sử dụng công nghệ thông tin-viễn thông để tăng năng suất lao động, đổi mới mô hình kinh doanh và tối ưu hóa cấu trúc nền kinh tế. Kinh tế số bao gồm: Kinh tế số ICT; kinh tế số nền tảng; kinh tế số ngành.

Về phạm vi đo lường kinh tế số, kết hợp hướng dẫn của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Tổng cục Thống kê xác định ngành kinh tế số lõi theo Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam (VSIC) 2018.

Đó là ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học; bán buôn máy vi tính, thiết bị ngoại vi và phần mềm; bán buôn thiết bị và linh kiện điện tử, viễn thông; xuất bản phần mềm; viễn thông; lập trình máy vi tính, dịch vụ tư vấn và các hoạt động khác liên quan đến máy vi tính; xử lý dữ liệu, cho thuê và các hoạt động liên quan; cổng thông tin; sửa chữa máy vi tính và thiết bị ngoại vi; sửa chữa thiết bị thông tin liên lạc.

Các ngành được hỗ trợ bởi các ngành kinh tế số lõi chính là các hoạt động kinh tế dựa vào hoặc được tăng cường đáng kể bằng cách sử dụng các yếu tố đầu vào kỹ thuật số, gọi chung là số hóa của các ngành kinh tế khác trong nền kinh tế theo VSIC 2018.

Giá trị số hóa của các ngành kinh tế khác là giá trị tăng thêm mà ngành đó đạt được nhờ việc ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh hay quản lý điều hành.

Về phương pháp, đo lường đóng góp giá trị gia tăng của kinh tế số trong tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam được tiếp cận từ cả phía cung và phía cầu, việc biên soạn chỉ tiêu này được thực hiện ở cả cấp quốc gia và cấp địa phương. Tỷ trọng đóng góp của kinh tế số trong GDP và GRDP được biên soạn theo giá hiện hành.

Thách thức trong đo lường kinh tế số

Theo bà Nguyễn Thị Thu Hương, kết quả tính toán thử nghiệm đo lường đóng góp giá trị gia tăng của kinh tế số trong GDP tiếp cận từ cả phía cung và cầu cho thấy tỷ trọng giá trị tăng thêm kinh tế số trong GDP năm 2022 là 12,86%.

Trong đó ngành kinh tế số lõi đóng góp 7,82% (chiếm 60,85%), số hóa các ngành khác đóng góp 5,03% (chiếm 39,15%), bình quân giai đoạn 2019-2022 đạt khoảng 11,53%. Theo khu vực kinh tế, đóng góp kinh tế số của khu vực dịch vụ trong GDP cao nhất, bình quân giai đoạn 2019-2022 đạt 6,60%; khu vực công nghiệp và xây dựng đạt 5,97%; số hóa trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản có tỷ trọng thấp nhất trong 3 khu vực, bình quân giai đoạn 2019-2022 chỉ đóng góp khoảng 0,05% trong GDP.

Đóng góp của kinh tế số trong GDP năm 2019 là 11,93%, năm 2020 là 12,78%, năm 2021 là 13,11%.

Trao đổi tại hội thảo, các chuyên gia cho rằng việc đo lường kinh tế số còn gặp nhiều khó khăn, thách thức đối với hầu hết các quốc gia trên thế giới. Vì đây là vấn đề mới nên khó và phức tạp cả về lý luận và thực tiễn, liên quan hầu hết các hoạt động của nền kinh tế.

Yêu cầu đặt ra là cần xác định thống nhất định nghĩa về kinh tế số để từ đó có phương pháp đo lường kinh tế số phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế và phù hợp với đặc thù Việt Nam.

Kinh tế số ngày càng đóng vai trò quan trọng trong hoạt động kinh tế và được thúc đẩy phát triển trong nhiều năm qua nhưng đến nay chưa có mô hình tính toán sẽ rất khó cho công tác điều hành của Chính phủ và các địa phương.

Phát biểu tại hội thảo, Tổng cục trưởng Thống kê Nguyễn Thị Hương cho biết, dự kiến cuối năm 2023, Tổng cục Thống kê sẽ chính thức tỷ trọng kinh tế số trong GDP, cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời phục vụ lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của các cơ quan Đảng, Nhà nước

Để bảo đảm tiến độ biên soạn, công bố chỉ tiêu này, ngay sau khi Luật Thống kê sửa đổi năm 2021 được thông qua, Tổng cục Thống kê đã xây dựng, đề xuất cơ quan có thẩm quyền hoàn thiện môi trường thể chế, là cơ sở cho việc thu thập, tổng hợp, biên soạn và công bố các chỉ tiêu về kinh tế số.

Đối với các chỉ tiêu được phân công chịu trách nhiệm chủ trì biên soạn, công bố, Tổng cục Thống kê đã tiến hành lồng ghép việc thu thập, tổng hợp vào các cuộc điều tra thống kê hiện hành; thu thập, tổng hợp thông tin từ các nguồn số liệu sẵn có để tính toán thử nghiệm chỉ tiêu tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong tổng sản phẩm trong nước.

Theo Nhân Dân