“Trợ lực” để phát triển kinh tế
Thời gian qua, từ nguồn quỹ “Hỗ trợ ND”, hàng trăm hộ ND trên địa bàn TP. Long Xuyên đã tiếp cận được nguồn vốn, tham gia các mô hình, dự án, có điều kiện đầu tư phát triển sản xuất (SX) và nhân rộng các mô hình kinh tế.
Theo ông Võ Văn Nghĩa, Phó Chủ tịch Hội ND TP. Long Xuyên, từ năm 2013 đến nay, nguồn quỹ “Hỗ trợ ND” đã giúp trên 300 lượt hộ ND vay vốn, với số tiền từ 10 - 50 triệu đồng/hộ, tùy mô hình.
Điển hình, ND tham gia các Tổ hợp tác SX lúa Nhật phường Mỹ Hòa, Tổ trồng xoài cát Chu xã Mỹ Hòa Hưng, Tổ SX rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP ấp Mỹ An 2… đều được tiếp cận nguồn quỹ “Hỗ trợ ND”.
Tuy số tiền vay không nhiều nhưng rất có ý nghĩa đối với các mô hình SX của bà con, nhất là những hộ thiếu vốn, ít kinh nghiệm.
Thông qua việc giới thiệu và hỗ trợ vay vốn từ nguồn quỹ “Hỗ trợ ND”, Hội ND các phường, xã trên địa bàn thành phố đều có dự án vận động hội viên nâng cao quy mô SX hàng hóa, phát triển ngành nghề, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế.
Đồng thời, từ nguồn quỹ “Hỗ trợ ND” đã tạo việc làm, tăng thu nhập, thúc đẩy việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ vào SXNN, khai thác tiềm năng thế mạnh của địa phương.
Ban đầu, ở khóm Long Hưng 2 (phường Mỹ Thới) chỉ có vài hộ nuôi lươn trong bể lót cao su, nhưng sau thấy được hiệu quả thì mô hình bắt đầu được nhân rộng và phát triển mạnh.
Chi hội trưởng ND khóm Long Hưng 2 Bùi Hữu Đức cho biết, với các hộ nuôi lươn ở địa phương, nguồn vốn vay của quỹ “Hỗ trợ ND” đã mang lại hiệu quả thiết thực.
“Trước đó, 20 hộ nuôi lươn trên địa bàn đã được tiếp cận vay vốn từ quỹ “Hỗ trợ ND” với số tiền 400 triệu đồng. Sau khi làm ăn hiệu quả, năm 2017, tiếp tục được vay lại trên 500 triệu đồng để đầu tư mở rộng mô hình”- ông Đức thông tin.
Hiện nay, thấy được hiệu quả, ND ở các phường: Mỹ Quý, Mỹ Phước, Mỹ Hòa và xã Mỹ Hòa Hưng… đã bắt tay vào phát triển mô hình.
Riêng khóm Long Hưng 2 đã phát triển thêm được 1 Tổ nuôi lươn theo hướng VietGAP với 27 thành viên và được hướng dẫn kỹ thuật nuôi, bao tiêu sản phẩm với giá cao hơn thị trường 15%.
Tổ sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP ấp Mỹ An 2 (xã Mỹ Hòa Hưng) tạo ra sản phẩm chất lượng, nâng cao thu nhập
Nhiều hình thức hỗ trợ
Ngoài nguồn quỹ “Hỗ trợ ND”, Hội ND các phường, xã trên địa bàn thành phố đã giới thiệu cho 78 ND vay vốn từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trên 33 tỷ đồng để mua máy cày, máy xới, máy gặt đập liên hợp… và được hỗ trợ lãi suất bằng 0% trong thời gian 2 năm đầu.
Bên cạnh đó, hàng năm đều tổ chức đi tham quan các mô hình NN, đặc biệt là NN ứng dụng công nghệ cao ở các tỉnh, thành phố trong cả nước. Điển hình, đi tham quan các mô hình trồng rau quả trong nhà lưới, rau thủy canh ở Lâm Đồng, các mô hình du lịch NN ở Tiền Giang…
Khi tham gia SX hàng hóa, ND không chỉ khó khăn về nguồn vốn, mà còn khó khăn trong tiếp cận các chính sách hỗ trợ, kỹ thuật mới. Vì vậy, các cấp hội ND từ thành phố đến cơ sở thường xuyên kết hợp Trung tâm Dạy nghề Hội ND tỉnh, mở các lớp dạy nghề cho hội viên như: chăn nuôi gia cầm trên đệm lót sinh học, nuôi heo an toàn sinh học, kỹ thuật làm vườn và chăm sóc cây ăn trái…
“Thông qua những lớp dạy nghề, không chỉ giúp ND tiếp cận kỹ thuật mới mà còn giúp bà con dần thay đổi nhận thức trong canh tác để phù hợp hơn với sự phát triển hiện nay.
Sản lượng, năng suất tăng, tạo ra được nông sản an toàn, thân thiện với môi trường, đặc biệt ND ngày nay đã chủ động liên kết lại với nhau để cùng phát triển, nâng cao giá trị sản phẩm làm ra” - ông Nghĩa giải thích.
ÁNH NGUYÊN