Nông dân tham quan, chia sẻ kinh nghiệm từ các mô hình đạt hiệu quả kinh tế
Thực hiện theo chủ trương chuyển đổi cây trồng ở địa phương, trên diện tích 12.000m2 đất sản xuất lúa, nếp được mua lại, ông Trần Văn Hừng (xã Phú Hưng) cải tạo, chuyển sang mô hình đa dạng cây trồng với dừa dứa, dừa xiêm, bông trang, bông cúc và vạn thọ Pháp. Hơn 3 năm lập vườn, các loại cây ăn trái cho thu nhập khá.
Cây dừa mới ra trái đợt đầu, khai thác khoảng 30% đã bán được hơn 500 trái và hàng trăm cây dừa giống. 1.800 cây bông trang với nhiều giống khác nhau (vàng, cam, hồng) được bán cả cây và bông, thu hoạch hàng ngày. Trong đó, bông trang bán lẻ mỗi ngày từ vài ký đến vài chục ký, giá 20.000 đồng/kg bông, cho thu nhập đáng kể.
Cây chủ lực và nhanh thu hồi vốn là thọ Pháp và các loại hoa cúc, được ông Hừng sản xuất 3 - 4 vụ trong năm, luân phiên để có hoa bán liên tục. Ông Hừng cho biết, 1 công đất không trồng riêng 1 loại hoa và đồng loạt. Thay vào đó, nhờ hình thức xen canh, chỉ vài trăm mét vuông đã cho thu nhập khoảng 30 triệu đồng.
“Các loại cây tôi chọn trồng đều dễ chăm sóc, phù hợp với người lớn tuổi, chủ yếu đầu tư vốn ban đầu, thời gian sau này rất nhẹ chi phí phân bón và tưới tiêu. Tổng các mô hình đã giúp gia đình tôi có thu nhập khoảng 100 triệu đồng/năm” - ông Hừng cho hay.
Ông Trần Văn Liêm (ngụ ấp Phú Cường A, xã Phú Thạnh) sống chủ yếu bằng nghề sản xuất nông nghiệp. Sau nhiều năm trồng lúa ảnh hưởng bởi giá cả và thời tiết, ông được Hội Nông dân xã giới thiệu chuyển sang trồng nấm bào ngư. Từ năm 2018 thí điểm trồng khoảng 4.000 bịch phôi/40m2, đợt đầu tiên thu hoạch được 6 lần và cho thu nhập khá, ông Liêm mở rộng quy mô trồng nấm lên 6.000 bịch phôi.
“Với năng suất đạt trên 1 tấn/6.000 bịch phôi, giá bán trung bình 35.000 - 60.000 đồng/kg, trừ chi phí, mỗi năm tôi thu lãi từ 40 - 50 triệu đồng. Từ hiệu quả thực tế của gia đình, tôi mong rằng mô hình được triển khai, nhân rộng trên địa bàn xã” - ông Liêm chia sẻ.
Phú Thạnh là xã được Hội Nông dân huyện Phú Tân chọn tổ chức điểm Đại hội nông dân cấp xã, nhiệm kỳ 2023 - 2028, là một trong những địa phương “điểm sáng” trong phong trào sản xuất - kinh doanh giỏi. Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Thạnh Nguyễn Tự Điển cho biết, những năm qua, sản xuất nông nghiệp tiếp tục phát triển và giữ vị trí quan trọng trong nền kinh tế trên địa bàn. Đất sản xuất nông nghiệp của Phú Thạnh là 2.263ha, đóng góp trên 80% giá trị sản xuất chung của xã, đạt trên 400 triệu đồng/ha/năm.
Các hình thức chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phát triển theo chiều hướng tích cực. Cùng với các loại cây trồng, vật nuôi mới được nông dân chuyển đổi thực hiện là sự tăng dần về diện tích ứng dụng khoa học - kỹ thuật, an toàn sinh học, ứng dụng công nghệ cao.
Từ đó có thể thấy, với thế mạnh là nông nghiệp, nông dân trên địa bàn huyện Phú Tân đã nỗ lực để “làm mới” và tăng thu nhập trên cùng diện tích đất sản xuất. Ở nhiều địa phương, cây ăn trái được tỉnh, huyện đầu tư vùng sản xuất chuyên canh, như: Bưởi da xanh, na Thái...
Các mô hình chăn nuôi, trồng trọt mới được thử nghiệm, ngày càng đa dạng. Ngoài ra, nông dân thực hiện mô hình nông nghiệp còn khai thác lợi thế để phục vụ dịch vụ tại vườn, như: Mở quán cà-phê, quán ăn, mở dịch vụ tham quan và chia sẻ kinh nghiệm canh tác bưởi, hái trái tại vườn, chụp ảnh…
Theo định hướng của UBND huyện Phú Tân trong sản xuất nông nghiệp, trọng tâm là đẩy mạnh phát triển kinh tế hợp tác, vận động nông dân tham gia liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, tiếp tục chuyển đổi cây trồng ở các vùng sản xuất kém hiệu quả.
Từ đó, các địa phương quan tâm chất lượng mô hình, phát triển sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm), tập trung đầu tư các vùng sản xuất chuyên canh, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Những nỗ lực trong việc chuyển hướng là làm mới nền nông nghiệp của huyện cù lao nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, thu hút các doanh nghiệp về đầu tư, hợp tác, đem lại mức sống cao hơn cho nông dân.
Chủ tịch Hội Nông dân huyện Phú Tân Lê Văn Ẩn cho biết, trong năm nay, hội tiếp tục vận động nông dân thực hiện mô hình kinh tế hợp tác. Trong đó, bên cạnh cây lúa, nếp, sản xuất nông nghiệp được định hướng chuyển sang chăn nuôi và các loại cây trồng mới.
Trước mắt, Hội Nông dân huyện vận động thành lập hợp tác xã chăn nuôi dê tại xã Phú Long, hợp tác xã trồng dưa lưới tại xã Bình Thạnh Đông, hợp tác xã trồng đậu nành rau tại xã Phú Xuân. Cùng với đó, Hội Nông dân đẩy mạnh xây dựng chi hội nghề nghiệp trong hợp tác xã, để các chi hội sẽ làm trung gian thực hiện liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.
Yêu cầu căn cơ trong thực hiện các nhiệm vụ là tuyên truyền, vận động để nông dân thay đổi tư duy, nhận thức, chấp nhận và mạnh dạn đổi mới. Trong quá trình đó, các ngành liên quan, hội nông dân luôn đồng hành hỗ trợ để mô hình sản xuất của nông dân đem lại thu nhập ổn định, bền vững, đời sống hội viên ngày càng nâng cao.
MỸ HẠNH