Đảm bảo an toàn thực phẩm trong nông nghiệp

26/04/2019 - 07:37

 - Tăng 10% số cơ sở sản xuất - kinh doanh (SXKD) thực phẩm nông - lâm - thủy sản đáp ứng quy định đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP) nhưng giảm 10% số mẫu vi phạm; phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi sử dụng chất cấm, kháng sinh cấm, hóa chất, phụ gia thực phẩm ngoài danh mục trong lĩnh vực chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và bảo quản, chế biến nông sản… là những quyết tâm của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) năm 2019.

Tăng cường trách nhiệm

Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Sĩ Lâm vừa ký quyết định phê duyệt Kế hoạch hành động bảo đảm ATTP trong lĩnh vực nông nghiệp năm 2019. Mục tiêu của kế hoạch nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý ATTP; tăng cường thanh tra, kiểm tra đột xuất để kịp thời phát hiện và ngăn chặn việc sử dụng chất cấm trong trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản; giảm thiểu ô nhiễm sinh học, tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, hóa chất, kháng sinh, phụ gia thực phẩm trong SXKD nông, thủy sản. Đồng thời, phát triển, nhân rộng và kiểm soát tốt chuỗi cung ứng thực phẩm nông - lâm - thủy sản an toàn, xác nhận sản phẩm an toàn, đáp ứng yêu cầu về ATTP cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Khô là một trong những mặt hàng được kiểm soát về an toàn thực phẩm

Về mục tiêu cụ thể, ngành NN&PTNT An Giang phấn đấu có 90% cơ sở SXKD vật tư nông nghiệp, cơ sở SXKD sản phẩm nông, thủy sản được phổ biến, cập nhật các quy định về điều kiện kinh doanh vật tư nông nghiệp, ATTP. So với năm 2018, tỷ lệ cơ sở SXKD thực phẩm nông - lâm - thủy sản đáp ứng quy định đảm bảo ATTP tăng 10%. Đồng thời, giảm 10% số mẫu giám sát vi phạm quy định về tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong rau; tồn dư chất bảo quản, kháng sinh trong sản phẩm thịt gia súc, gia cầm, thủy sản nuôi; ô nhiễm vi sinh trong thịt gia súc, gia cầm... Các ngành chức năng sẽ tăng cường kiểm tra, kiểm soát để phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi; sử dụng kháng sinh cấm trong nuôi trồng thủy sản, bảo quản, chế biến thủy sản; sử dụng hóa chất, phụ gia thực phẩm ngoài danh mục. Đồng thời, chấn chỉnh việc giết mổ, vận chuyển, kinh doanh thịt gia súc, gia cầm nhằm giảm thiểu ô nhiễm vi sinh vật có hại...

Ông Nguyễn Sĩ Lâm cho biết, Sở NN&PTNT sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với UBMTTQVN tỉnh, Hội Nông dân tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh thực hiện tốt các chương trình phối hợp, tuyên truyền, vận động, giám sát SXKD nông sản an toàn; trọng điểm là các hộ SXKD nhỏ lẻ, các xã triển khai thực hiện tốt chỉ tiêu 17.8 trong bộ tiêu chí nông thôn mới (tỷ lệ hộ gia đình và cơ sở SXKD tuân thủ các quy định về ATTP).

Xử lý nghiêm vi phạm

Theo ông Ngô Đình Sĩ, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản An Giang, nhằm nâng ý thức các cơ sở sản xuất và nông dân, đơn vị sẽ chủ động phối hợp với các cơ quan truyền thông cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời phản ánh đúng đắn công tác quản lý vật tư nông nghiệp và bảo đảm ATTP. Đồng thời, tăng cường truyền thông, quảng bá nông sản thực phẩm an toàn được kiểm soát theo chuỗi trên các phương tiện thông tin đại chúng để người tiêu dùng biết và lựa chọn; công bố đầy đủ kết quả điều tra, truy xuất và xử lý các vụ việc vi phạm; công khai các cơ sở, sản phẩm vi phạm quy định về ATTP trên các phương tiện truyền thông đại chúng.

Bên cạnh tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm (nhất là đối với cơ sở loại C, dù tái kiểm tra vẫn xếp loại C), các đơn vị chuyên môn sẽ tổ chức triển khai thực hiện lấy mẫu giám sát ATTP, sản phẩm có rủi ro cao, tập trung vào thực phẩm tươi sống (rau, củ, quả, thịt, thủy sản) nhằm kịp thời phát hiện, cảnh báo và điều tra, truy xuất, xử lý tận gốc đối với nông sản thực phẩm không đảm bảo an toàn. Ông Nguyễn Sĩ Lâm yêu cầu chuyển mạnh từ thanh tra theo kế hoạch sang thanh tra đột xuất, tập trung vào các công đoạn có nguy cơ cao trong toàn bộ chuỗi ngành hàng như: lưu thông, buôn bán vật tư nông nghiệp, sản xuất ban đầu, giết mổ gia súc, gia cầm, sơ chế, chế biến nông sản, thủy sản nhỏ lẻ… Tăng cường phối hợp ngành công an để điều tra, triệt phá dứt điểm các đường dây nhập lậu, tàng trữ, lưu thông, buôn bán chất cấm, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y ngoài danh mục; các tổ chức, cá nhân sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, tiêm thuốc an thần vào gia súc trước khi giết mổ…

Thực hiện Quyết định số 3075/QĐ-BNN-QLCL ngày 20-7-2016 của Bộ NN&PTNT về việc ban hành hướng dẫn xác nhận sản phẩm chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, Sở NN&PTNT An Giang tiếp tục triển khai Đề án xây dựng và phát triển chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm an toàn, đồng thời đẩy mạnh Chương trình phối hợp phát triển chuỗi cung cấp rau, thịt cho TP. Hồ Chí Minh; kết nối SXKD sản phẩm nông - lâm - thủy sản an toàn… An Giang sẽ nhân rộng mô hình mỗi xã 1 sản phẩm (OCOP) theo chuỗi giá trị gắn với ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ và hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến (GAP, HACCP, ISO 22000...).

Bài, ảnh:  NGÔ CHUẨN