Đảm bảo đầu ra vụ thu đông

29/07/2022 - 06:50

 - Vụ thu đông 2022 có ý nghĩa quan trọng trong hoàn thành nhiệm vụ tăng trưởng lĩnh vực trồng trọt cũng như toàn ngành nông nghiệp. Cùng với tuân thủ lịch thời vụ xuống giống, các kỹ thuật, biện pháp canh tác như khuyến cáo, đầu ra cho nông sản là vấn đề cần quan tâm.

Chú ý biện pháp canh tác

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (TT&BVTV) An Giang, đến nay, toàn tỉnh có 699 tiểu vùng sản xuất lúa, trong đó có 417 tiểu vùng có đê bao kiểm soát lũ triệt để với diện tích khoảng 189.000ha. Vụ thu đông 2022, An Giang có kế hoạch xuống giống 154.686ha lúa, tuy thấp hơn khoảng 6.000ha so vụ thu đông 2021 (xuống giống 161.103ha) nhưng ước năng suất lúa bình quân đạt 6,21 tấn/ha, sản lượng khoảng 960.277 tấn, cao hơn 33.363 tấn so vụ thu đông 2021.

Lịch xuống giống vụ thu đông 2022 được khuyến cáo từ ngày 15/7 đến 31/8/2022, trong đó, lịch xuống giống đồng loạt, tập trung và né rầy chia làm 2 đợt: Đợt 1 từ ngày 19 đến 31/7, xuống giống tập trung ở những vùng thu hoạch hè thu sớm và đại trà, với khoảng 50.000ha; đợt 2 xuống giống từ ngày 16 đến 26/8, xuống giống dứt điểm 60.000ha ở những vùng thu hoạch hè thu đại trà và muộn.

“Tùy theo tình hình rầy nâu vào bẫy đèn ở từng địa phương mà có lịch xuống giống cụ thể, nhưng phải tuân thủ lịch xuống giống đồng loạt, tập trung, né rầy và theo khung lịch thời vụ chung của tỉnh. Lưu ý, trên cùng một tiểu vùng không để nhiều trà lúa đan xen nhau” - Phó Chi cục trưởng Chi cục TT&BVTV An Giang Nguyễn Thị Lê khuyến cáo. Đồng thời, khuyến cáo nông dân vệ sinh đồng ruộng trước khi xuống giống; áp dụng các kỹ thuật canh tác, như: Quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”, tiêu chuẩn SRP, GlobalGAP, đẩy mạnh cấp mã số vùng trồng lúa...

Đối với rau, màu, tổng diện tích gieo trồng năm 2022 ước khoảng 49.200ha, sản lượng khoảng 1 triệu tấn, trong đó, kế hoạch sản xuất vụ thu đông 2022 là 14.183,3ha. Nông dân cần ứng dụng những tiến bộ khoa học - kỹ thuật về giống, thuốc BVTV, kỹ thuật canh tác... để tạo ra các sản phẩm rau, màu bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm cho người tiêu dùng.

Năm 2022, có thêm 717ha xoài cho thu hoạch mới so với năm 2021, ước sản lượng 13.000 tấn. Ngoài ra, còn có hơn 1.000ha các loại cây ăn trái khác cho thu hoạch tăng thêm so năm 2021.

Liên kết sản xuất

Bà Nguyễn Thị Lê cho biết, vụ thu đông 2022, có 14 doanh nghiệp (DN) đăng ký liên kết tiêu thụ 65.500ha lúa, chiếm 42,34% diện tích xuống giống theo kế hoạch. Đối với rau, màu, diện tích liên kết năm 2022 là 24.500ha, sản lượng 298.000 tấn, đạt 49,8% diện tích và sản lượng xuống giống (vụ đông xuân 2021-2022 liên kết, tiêu thụ 9.000ha, vụ hè thu 2022 là 9.500ha, vụ thu đông 2022 đăng ký 6.000ha); cần thúc đẩy liên kết giữa DN với hợp tác xã, nông dân, tiêu thụ sản lượng còn lại.

Đối với cây ăn trái, năm 2022, ước tổng sản lượng khoảng 230.845 tấn (xoài khoảng 178.000 tấn, chuối 14.000 tấn, mít 6.390 tấn, cam, quýt 5.920 tấn, bưởi 2.875 tấn…). Trong đó, tổng sản lượng liên kết, tiêu thụ khoảng 140.000 tấn (chiếm 78,65%), gồm: 25.500 tấn gắn kết tiêu thụ với 14 công ty; 114.500 tấn được tiêu thụ thông qua các vựa xoài, thương lái và siêu thị (Co.opmart, Bách Hóa Xanh, Winmart, Siêu thị Mega market Long Xuyên…). Như vậy, còn lại trên 92.000 tấn trái cây cần tiếp tục mời gọi và gắn kết thêm với DN, thương lái thu mua.

Nhằm đảm bảo chất lượng cây ăn trái đáp ứng yêu cầu tiêu dùng trong nước và phục vụ xuất khẩu, Chi cục TT&BVTV cùng với các địa phương xúc tiến đẩy nhanh tiến độ cấp mã số vùng trồng (code) tại những nơi chưa có mã số vùng trồng. Tập huấn cho nhà vườn hiểu thêm về phương thức cấp mã số vùng trồng đi các thị trường tiêu thụ, như: Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Úc, Trung Quốc… và kỹ thuật sản xuất an toàn. Đẩy mạnh sản xuất theo chuỗi liên kết với DN chế biến, xuất khẩu để bao tiêu sản phẩm, hình thành vùng sản xuất hàng hóa lớn, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.

Để đảm bảo thắng lợi vụ thu đông 2022, ngành nông nghiệp phối hợp các địa phương tăng cường vận động nông dân xuống giống tập trung, đồng loạt trên cơ sở số liệu từ hệ thống bẫy đèn để đảm bảo xuống giống né rầy và né mưa bão cuối vụ; chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp tình hình nguồn nước, mùa vụ sản xuất và thị trường. Đồng thời, phối hợp các cơ quan truyền thông từ tỉnh đến cơ sở kịp thời thông báo tình hình diễn biến dịch hại, các biện pháp phòng, chống dịch hại để người dân biết và chủ động xử lý.

Tăng cường công tác chỉ đạo sản xuất, kiểm tra đồng ruộng, củng cố và duy trì hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống rầy nâu, bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá và các dịch hại khác trên lúa. Ngành nông nghiệp tổ chức tập huấn, hội thảo ở các vùng rau, màu trọng điểm để hướng dẫn nông dân sản xuất theo hướng chất lượng, an toàn, đáp ứng các tiêu chuẩn trong sản xuất. Tập huấn, hướng dẫn nông dân sản xuất rau, màu trong nhà lưới, nhà màng nhằm hạn chế sâu bệnh và nâng cao chất lượng sản phẩm.

Chi cục TT&BVTV An Giang đang triển khai và thực hiện nhanh phần mềm theo dõi và nhận diện sâu bệnh trên đồng ruộng, giúp nông dân chủ động trong quản lý sâu bệnh trong sản xuất.

NGÔ CHUẨN