"Dân vận khéo" để khơi dậy sức dân

30/03/2022 - 06:57

Từ việc lựa chọn hình thức, phương pháp, địa bàn thích hợp và luôn tìm kiếm mô hình mới, phong trào thi đua “Dân vận khéo” và “Dân vận khéo trong xây dựng nông thôn mới” ở huyện Phú Tân (tỉnh An Giang) đã phát huy hiệu quả, tạo sức lan tỏa sâu rộng.

Dân vận khéo huy động người dân tham gia phát triển kinh tế - xã hội địa phương

Sau 1 vụ “thử nghiệm” vận động người dân ủng hộ cùng trồng nếp để góp vào quỹ từ thiện, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Xuân Nguyễn Thị Minh Hoa đã đăng ký mô hình “Dân vận khéo” cá nhân thi đua trong năm 2022. Trên diện tích 13.000m2, bà Hoa khởi xướng làm từ thiện, huy động bạn bè, hàng xóm tùy tâm đóng góp để trồng nếp gây quỹ.

“Ngày trước, các chú làm từ thiện trong xã chủ yếu hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, nay chuyển sang chở bệnh nhân miễn phí và giúp đỡ trường hợp khó khăn khi ốm đau. Mỗi hoàn cảnh tùy theo mức độ, ngoài đưa rước đến nơi điều trị, người nghèo còn được hỗ trợ từ 500.000-2.000.000 đồng. Tôi đã xin phần đất của ba mẹ để đóng góp vào việc làm thiết thực này” - bà Hoa chia sẻ.

Vậy là, người có điều kiện thì hùn giống, ủng hộ phân bón. Người không có điều kiện thì tự nguyện góp công gieo sạ, phun xịt thuốc bảo vệ thực vật, chăm sóc… Thấy được tín hiệu tích cực, bà Hoa bàn với gia đình dành luôn khoảng đất này để trồng nếp tạo quỹ giúp đỡ người nghèo. Nguồn quỹ gửi cho Ban Trị sự Phật giáo Hòa Hảo xã Phú Xuân quản lý và theo dõi, hiện đã tích lũy được 30 triệu đồng.

Duy trì và nâng chất các tiêu chí nông thôn mới, xã Bình Thạnh Đông đăng ký 2 mô hình tập thể và 2 mô hình cá nhân thi đua “Dân vận khéo”. Đến nay, mô hình vận động mua xe chuyển bệnh miễn phí trị giá 1,4 tỷ đồng đã cơ bản hoàn thành. Mô hình vận động kinh phí lắp đặt đèn chiếu sáng kết hợp tạo cảnh quan môi trường triển khai bước đầu được nhân dân đồng tình hưởng ứng. Cá nhân Chủ tịch UBMTTQVN xã Bình Thạnh Đông Nguyễn Văn Thắng thực hiện mô hình thành lập Tổ nắm dư luận, tuyên truyền pháp luật ở cộng đồng dân cư ấp Bình Quới 1. Đây là địa bàn có tình hình tệ nạn xã hội xảy ra nhiều. Tổ ra đời với thành viên là công an, trưởng các đoàn thể, trưởng ban nhân dân ấp...

Mỗi người sẽ phụ trách 1 tổ nhỏ hơn tại ấp, cung cấp số điện thoại để tiếp nhận các sự việc cần thiết. Các thành viên xuống cơ sở, kết nối với các tổ trưởng, triển khai chủ trương, pháp luật mới. “Mục đích chính là nắm dư luận nhằm hạn chế tình hình vi phạm pháp luật ở địa bàn dân cư. Qua 1 tháng thực hiện cho thấy khá khả quan. Một số thông tin phản ánh thanh thiếu niên tụ tập gây mất trật tự được giải quyết kịp thời, bước đầu có chuyển biến. Mô hình mới triển khai được cán bộ và nhân dân quan tâm, quá trình làm chúng tôi tiếp tục nghiên cứu để phát triển thêm” - ông Thắng thông tin.

Thực hiện theo Kế hoạch 28-KH/BDV của Ban Dân vận Huyện ủy Phú Tân về “Dân vận khéo” và “Dân vận khéo trong xây dựng nông thôn mới” năm 2022, các xã, thị trấn đã đăng ký 71 mô hình thi đua cụ thể. Trong đó, có 36 mô hình của tập thể, 35 mô hình của cá nhân.

Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Phú Tân Nguyễn Thành Ân cho hay, năm nay có nhiều mô hình thi đua mới, như: Một cá nhân vận động kinh phí lắp đặt kệ sách hỗ trợ kiến thức cho nông dân trong phát triển nông nghiệp tại quán cà-phê hội viên nông dân xã Long Hòa. Xã Phú Thọ thực hiện mô hình “Em không lẻ loi” hỗ trợ quà cho trẻ em thuộc hộ nghèo, mồ côi cha/mẹ do ảnh hưởng dịch COVID-19. Góp phần thực hiện an sinh xã hội, UBMTTQVN xã Phú Hưng vận động nhà hảo tâm hỗ trợ số tiền 100 triệu đồng (không thu lại) giúp 2 hộ có điều kiện thoát nghèo…

Ngoài ra, những mô hình hiệu quả phục vụ nhu cầu của nhân dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tiếp tục được các địa phương duy trì và lan tỏa. Trong đó phải kể đến công tác xã hội hóa và vận động nhân dân hiến đất làm đường nông thôn, tuyến đường hoa và cột cờ gắn với tiêu chí xây dựng nông thôn mới, vận động nhà hảo tâm và nhân dân đóng góp mua xe chuyển bệnh, mua thẻ bảo hiểm y tế cho người có hoàn cảnh khó khăn, hỗ trợ các gia đình có người thân mất do dịch bệnh COVID-19…

Theo trình tự, sau khi phát động, các địa phương đăng ký mô hình, Ban Dân vận sẽ thành lập hệ thống xem xét, công nhận và thông báo cho tập thể, cá nhân tiến hành làm. Kết quả cuối cùng được xã và huyện thẩm định lần nữa, đánh giá và lắng nghe chia sẻ trong cách làm, vận động, sự công khai, minh bạch thông tin đến quần chúng… Nhờ sự chặt chẽ, lựa chọn mô hình thực chất, có sức lan tỏa… các mô hình thi đua “Dân vận khéo” đều gắn với xây dựng nông thôn mới và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Năm 2021, các mô hình thi đua “Dân vận khéo” ở huyện Phú Tân đã làm lợi vật chất trên 4 tỷ đồng. Từng mô hình đã phát huy sự sáng tạo, cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Qua đó có 18 tập thể, 24 cá nhân có thành tích nổi bật được biểu dương, khen thưởng.

MỸ HẠNH