Đào tạo nghề ở vùng đất Ông Thoại

12/12/2023 - 07:00

 - Thời gian qua, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) huyện Thoại Sơn (tỉnh An Giang) đã phối hợp các cấp, ngành, địa phương thực hiện tốt công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động, tạo cơ hội cho nhiều gia đình vượt qua khó khăn, góp phần thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo.

Để giải quyết việc làm cho lao động nông thôn theo hướng “ly nông bất ly hương”, Trung tâm GDNN-GDTX huyện Thoại Sơn dần chuyển đổi từ đào tạo nghề theo chỉ tiêu sang đào tạo theo địa chỉ, theo đơn đặt hàng, nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp (DN). Đặc biệt, chú trọng đào tạo nghề gắn với quy hoạch phát triển sản xuất - kinh doanh, dịch vụ của địa phương. Hình thức đào tạo được thực hiện lưu động tại các ấp, các xã, tại nơi sản xuất, đào tạo kết hợp với DN.

Theo đó, trước khi mở các lớp đào tạo nghề, trung tâm phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, địa phương xác định phương án đào tạo việc làm tại chỗ hoặc phối hợp với các DN để tuyển dụng lao động, bao tiêu sản phẩm của người lao động sau học nghề. Nhờ vậy, hầu hết người lao động sau khi học nghề đều có cơ hội tìm kiếm được việc làm, tạo thêm thu nhập cho gia đình.

Nghề làm hoa giả tạo thêm thu nhập cho nhiều phụ nữ xã Bình Thành

Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Bình Thành Đặng Ngọc Minh thông tin: “Thời gian qua, hội đã rà soát, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, nhu cầu học nghề của hội viên phụ nữ trên địa bàn. Năm 2023, hội đã phối hợp với Trung tâm GDNN-GDTX huyện Thoại Sơn mở được 3 lớp nghề làm hoa giả, có 90 phụ nữ tham gia. Các chị em tiếp thu nhanh, làm ra những chậu hoa với nhiều màu sắc, đa dạng kiểu dáng. Sau học nghề, chị em tận dụng mạng xã hội để đăng bán sản phẩm, giúp tăng thu nhập gia đình”.

Có thêm việc làm những lúc nhàn rỗi thông qua lớp học làm hoa giả do địa phương tổ chức, chị Nguyễn Thị Lập (ấp Tây Huề, xã Bình Thành) phấn khởi: “Lợi thế của nghề này là có thể tranh thủ những lúc nhàn rỗi để làm thêm, không nhất thiết làm xuyên suốt nên rất phù hợp với nhiều chị em phụ nữ. Tôi đã mở cơ sở tại nhà, truyền nghề lại khi chị em có nhu cầu học nghề. Nhờ có nghề này, tôi cải thiện thu nhập mỗi tháng từ 3 - 5 triệu đồng, tùy đơn đặt hàng ít hay nhiều”.

Các lớp đào tạo nghề theo mô hình ứng dụng trong lĩnh vực nông nghiệp đã tạo sự chuyển biến trong nhận thức của lao động nông thôn đối với hoạt động đào tạo nghề. Lớp học được những chuyên gia đầu ngành về trồng trọt, có kiến thức chuyên sâu giảng dạy và giải đáp được những thắc mắc của học viên. Việc đào tạo nghề theo mô hình đã kết hợp tốt giữa học lý thuyết và thực hành tay nghề tại chỗ, vật tư thực hành được đầu tư, trang bị đầy đủ, đảm bảo việc thực hành thành thạo các kỹ năng cho từng học viên của lớp học, tạo sự hấp dẫn, thu hút học viên tham gia.

Điển hình như ông Nguyễn Thành Hữu (ấp Vĩnh Lợi, xã Vĩnh Khánh), trước đây chỉ ươm trứng để sản xuất ếch giống. Từ khi tham gia lớp kỹ thuật nuôi ếch, do Trung tâm GDNN-GDTX huyện Thoại Sơn phối hợp UBND xã Vĩnh Khánh tổ chức (năm 2020), ông đã mạnh dạn mở rộng diện tích để nuôi thêm ếch thương phẩm. Mô hình mang lại hiệu quả, giúp gia đình có nguồn thu nhập ổn định, cải thiện cuộc sống.

Ông Hữu còn tận dụng diện tích mặt nước ao thả thêm cá tra, cá rô. Cứ 2,5 tháng thu hoạch 1 lứa ếch, đồng thời thu hoạch 1 lứa cá rô, còn cá tra thu hoạch sau 3 - 5 lứa ếch. Theo cách nuôi này, cá dưới ao sẽ tận dụng thức ăn dư thừa và chất thải của ếch, góp phần giảm chi phí sử dụng thức ăn công nghiệp. Cùng với nguồn thu từ ếch, mô hình còn cho thu nhập từ nuôi cá dưới ao, tăng hiệu quả kinh tế trên cùng một đơn vị diện tích.

Công tác đào tạo nghề của Trung tâm GDNN-GDTX huyện Thoại Sơn có bước tiến quan trọng, đáp ứng tốt nhu cầu phát triển của xã hội. Tính từ năm 2018 đến tháng 11/2023, trung tâm đã mở được 266 lớp dạy nghề cho lao động nông thôn, với 6.977 học viên đủ điều kiện được cấp chứng chỉ trên các lĩnh vực nông nghiệp và phi nông nghiệp. Qua đó, góp phần nâng tỷ lệ lao động đã qua đào tạo của huyện từ 52,48% (năm 2018) lên 65,08% (năm 2023).

Thời gian tới, Trung tâm GDNN-GDTX huyện Thoại Sơn sẽ tiếp tục khảo sát thị trường lao động, khảo sát các đối tượng lao động trên địa bàn. Đối với lao động trẻ có đủ điều kiện, trung tâm sẽ có giải pháp để đưa đi làm việc ở các DN trong và ngoài tỉnh, hỗ trợ xuất khẩu lao động. Đối với những lao động phổ thông, trình độ thấp, sẽ được giải quyết việc làm tại địa phương. Trung tâm phối hợp các ngành chức năng tổ chức diễn đàn kết nối việc làm nhiều hơn.

SONG MINH