Dấu ấn nông nghiệp An Giang

09/05/2025 - 08:00

 - Cùng với quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, ngành nông nghiệp đã để lại nhiều dấu ấn đặc biệt quan trọng, xứng đáng là “trụ đỡ” của nền kinh tế địa phương.

Nông nghiệp An Giang là “trụ đỡ” nền kinh tế

Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường, trong chặng đường 50 năm “thay da đổi thịt” của vùng đất đầu nguồn sông Cửu Long, ngành nông nghiệp cũng đi từ tư duy “đổi mới” đến hội nhập và phát triển như hiện nay. Trong mỗi giai đoạn, ngành đều để lại dấu ấn riêng, thể hiện vai trò quan trọng trong cơ cấu kinh tế địa phương. Cụ thể, trong thời kỳ sản xuất nông nghiệp theo cơ chế kế hoạch tập trung (giai đoạn 1975 - 1986), ngành nông nghiệp tập trung thực hiện mục tiêu hợp tác hóa nông nghiệp, cơ bản hoàn thành vào năm 1985. Thời kỳ này, toàn tỉnh có trên 93% ruộng đất được tập thể hóa, 86% nông dân vào làm ăn tập thể trong 2.607 tập đoàn sản xuất. Năm 1986, toàn tỉnh có 103.115ha lúa 2 vụ, tổng sản lượng cả năm 860.907 tấn.

Ở giai đoạn tiếp theo, tỉnh chuyển sang mục tiêu đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp, giải phóng sức sản xuất cho nông dân. Thời kỳ 1987 - 2000, An Giang là tỉnh đầu tiên trong cả nước thành lập Chương trình phát triển nông thôn. Trong đó, hộ nông dân được xác định là đơn vị kinh tế tự chủ, được giao quyền sử dụng đất, mạnh dạn đầu tư sản xuất. Đến năm 2000, tổng diện tích gieo trồng đạt 508.196ha, năng suất lúa bình quân 5,58 tấn/ha mỗi vụ, tổng sản lượng đạt hơn 2,3 triệu tấn. Năm 1990, tỉnh xuất khẩu cá basa phi-lê sang Mỹ, Châu Âu số lượng lớn, mở ra thời kỳ “hoàng kim” cho cá basa. Sản lượng cá nuôi tăng nhanh từ 7.000 tấn (năm 1988) lên 80.156 tấn (năm 2000).

Sang thời kỳ 2001 - 2015, ngành nông nghiệp bước vào giai đoạn hội nhập, phát triển. An Giang hướng đến mục tiêu phát triển sản xuất theo hướng nâng cao chất lượng sản phẩm, gắn với thị trường xuất khẩu; tập trung xây dựng nông thôn mới, ứng dụng công nghệ cao vào nông nghiệp. Hàng loạt chương trình trọng điểm được hoạch định, thu hút nhiều nông dân hưởng ứng, như: “3 giảm 3 tăng”; “1 phải 5 giảm”; mô hình canh tác lúa ít khí thải áp dụng biện pháp tưới ướt khô xen kẽ; mô hình “công nghệ sinh thái” ruộng lúa - bờ hoa...

Đặc biệt, chương trình cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp được đẩy mạnh, trở thành dấu ấn đặc trưng của An Giang. Đến cuối năm 2014, An Giang đứng đầu về cơ giới hóa nông nghiệp ở ĐBSCL, với 2.131 máy gặt đập liên hợp (thu hoạch 98% diện tích lúa đông xuân), 2.544 máy sấy lúa các loại (sấy được 85% sản lượng lúa hè thu). Hoạt động chăn nuôi cũng góp phần quan trọng vào sự phát triển của ngành nông nghiệp. Đàn bò phát triển nhanh nhờ tận dụng phụ phẩm của trồng bắp thu trái non, từ 75.000 con (năm 2011) lên gần 96.000 con (năm 2014), ước đạt 106.000 con năm 2015. Về lĩnh vực thủy sản, sản lượng nuôi trồng năm 2000 đạt 80.032 tấn, tăng gần gấp 2 so với năm 1996. Năm 2010, An Giang có 23 nhà máy chế biến thủy sản thuộc 17 doanh nghiệp trong tỉnh, tổng công suất chế biến 349.800 tấn thành phẩm. Năm 2014, diện tích cá tra áp dụng tiêu chuẩn chất lượng quốc tế (GlobalGAP, ASC…) đạt 396ha, chiếm 44,3% diện tích nuôi cá tra toàn tỉnh.

Thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TU của Tỉnh ủy về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, 8 quy hoạch nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được phê duyệt, thực hiện 29 mô hình. Trong đó, nhiều mô hình mang lại hiệu quả cao, được nhân rộng, như: Trồng rau ăn lá trong nhà lưới giá rẻ, trồng nấm rơm trong nhà, nuôi lươn trong bể mật độ cao, nuôi tôm càng xanh toàn đực trong ao đất...

Đến thời kỳ 2016 - 2025, ngành nông nghiệp chuyển đổi mạnh từ tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, đẩy mạnh cơ cấu lại sản xuất theo hướng phát triển nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp xanh, nông nghiệp tuần hoàn; chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, khơi thông nguồn lực cho phát triển sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Cùng với đó, tỉnh triển khai Chương trình hành động 06-CTr/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển hợp tác xã, tổ hợp tác gắn với tổ chức sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị ngành hàng chủ lực của tỉnh, giai đoạn 2021 - 2025. Trọng tâm của chương trình là phát triển mối quan hệ sản xuất giữa hợp tác xã, tổ hợp tác và doanh nghiệp dựa trên nguyên tắc thị trường, đôi bên cùng có lợi. Trong giai đoạn này, lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi ưu tiên hoạt động sản xuất ứng dụng giải pháp kỹ thuật, công nghệ hiện đại và ít hao phí tài nguyên. Từ đó, nâng cao hiệu quả sản xuất trên đất nông nghiệp, duy trì sản lượng lúa từ 3 - 3,5 triệu tấn/năm. Xúc tiến xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ cá tra xuất khẩu, giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản 500 triệu USD...

Vượt qua vô vàn khó khăn, trở ngại, ngành nông nghiệp An Giang luôn xứng đáng với vai trò “trụ đỡ” nền kinh tế địa phương. Kế thừa và phát huy thành tựu đó, ngành sẽ tiếp tục đổi mới, triển khai thực hiện đồng bộ giải pháp, góp phần hoàn thành chỉ tiêu đề ra theo từng năm, từng nhiệm kỳ, đóng góp vào sự phát triển của quê hương An Giang trong tương lai.

THANH TIẾN