Đấu tranh “không khoang nhượng” với buôn lậu

06/02/2019 - 07:00

 - Đó là thông điệp của Ban Chỉ đạo (BCĐ) 389 tỉnh gửi đến các lực lượng tham gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (CBL, GLTM&HG); đến quần chúng nhân dân trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là các đối tượng buôn lậu, tiếp tay cho buôn lậu.

Sáng tạo

Từ thông điệp này, với tinh thần trách nhiệm, cách làm sáng tạo, táo bạo của các lực lượng tham gia CBL, của cả hệ thống chính trị, năm 2018, công tác đấu tranh CBL, GLTM&HG trên địa bàn tỉnh gặt hái được nhiều kết quả đáng tự hào, bước đầu ngăn chặn được tình trạng buôn lậu (đối với 2 mặt hàng thuốc lá điếu, đường cát nhập lậu), xác lập lại trật tự trên mặt trận này. “Qua theo dõi công tác đấu tranh CBL, GLTM&HG trên địa bàn tỉnh, tôi cho rằng sự chỉ đạo, điều hành của BCĐ 389 tỉnh là rất sáng tạo và trách nhiệm. Các anh đã dám “đặt hàng” với cơ quan báo chí, hãy tìm và chỉ ra nơi nào có buôn lậu nhiều, tại sao nơi đó có buôn lậu nhiều. Ai là người cầm đầu các đường dây buôn lậu. Trong các lực lượng chức năng đang làm nhiệm vụ, có ai là người tiếp tay cho buôn lậu hay không? Hãy chỉ ra cho BCĐ biết, có cách tính...”- ông Trần Văn Tuấn (xã Vĩnh Xương, TX. Tân Châu) khen ngợi.

Ban Chỉ đạo 389 tỉnh thị sát tình hình buôn lậu mùa nước nổi ở Tịnh Biên

 Theo ông Tuấn, việc mời lực lượng báo chí của tỉnh và trung ương “vào cuộc”, cùng tham gia CBL với BCĐ 389 tỉnh, với các lực lượng chức năng là cách làm đầy sáng tạo và năng động. “Nếu để báo chí đứng ngoài cuộc nhìn vào, sẽ không hiểu hết công tác này khó khăn như thế nào, gian khổ ra sao? Báo chí có “vào cuộc” mới hiểu hết những khó khăn, thách thức, từ đó mới cảm thông. Từ sự cảm thông, báo chí sẽ phản ảnh toàn diện, bao trùm, trong đó có những mặt sáng, mặt tối của công tác này. Nghĩa là phải cùng với lực lượng tham gia CBL nhìn thẳng sự thật. Báo chí có hiểu thì sẽ không nhìn nhận sự việc một cách phiến diện, một chiều, ngược lại sẽ có cách nhìn đa chiều, toàn cục, bao trùm để qua đó cùng BCĐ 389 tìm ra giải pháp mang tính căn cơ, giúp công tác này mang lại hiệu quả cao hơn...” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng BCĐ 389 tỉnh Lê Văn Nưng khẳng định.

Như vậy, khi báo chí vào cuộc, lực lượng tham gia công tác CBL, GLTM&HG trên địa bàn tỉnh không chỉ có 4 lực lượng mà có đến 6 lực lượng, đó là sự vào cuộc của báo chí, sự đồng tình, hưởng ứng của quần chúng nhân dân. 

Nhiều tập thể và cá nhân được khen thưởng vì có thành tích tham gia chống buôn lậu

Cách làm sáng tạo của BCĐ 389 tỉnh còn được thể hiện qua việc huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, trong đó xác định vai trò của quần chúng nhân dân là rất quan trọng. Bởi thực tế cho thấy, các chuyên án đấu tranh, triệt phá các đường dây buôn lậu “cộm cán” trên địa bàn thời gian qua là nhờ biết dựa vào quần chúng nhân dân. “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”. “Sáng tạo ở đây còn phải kể đến đó là việc khẳng định không xem buôn lậu là nguồn thu cho ngân sách, đồng thời BCĐ 389 tỉnh đã đề xuất với BCĐ 389 quốc gia, cho An Giang thí điểm tái xuất thuốc lá nhập lậu (còn chất lượng). Đề xuất bán số đường cát nhập lậu do các lực lượng bắt được bằng hình thức chỉ định, chứ không qua đấu giá. Việc này nhằm tránh tình trạng xoay vòng hóa đơn, đối phó với lực lượng chức năng. Đề xuất mức thưởng cao hơn (đủ để động viên, khích lệ) cho những người hợp tác, chỉ điểm, giúp các lực lượng triệt xóa thành công những đường dây, đối tượng buôn lậu...” - bà Nguyễn Thị Lan (TP. Châu Đốc) nhận định.

Táo bạo

Trước thực trạng hàng loạt lò nấu đường phèn đang hoạt động dọc theo tuyến biên giới, mới đây, Cơ quan Thường trực BCĐ 389 tỉnh đã họp với các lực lượng chức năng, tìm giải pháp cho vấn đề này. Cụ thể, đã đề xuất với UBND tỉnh tiến hành quy hoạch, đưa các hộ nấu đường phèn vào các khu, cụm công nghiệp để dễ quản lý, tránh tình trạng mua đường nhập lậu nấu thành đường phèn, bán với giá cao, hưởng chênh lệch. Bên cạnh đó, BCĐ 389 tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành tiến hành kiểm tra hóa đơn, chứng từ đầu vào của những lò đường dọc biên giới. Đẩy mạnh kiểm tra các điều kiện sản xuất - kinh doanh như: đảm bảo vệ sinh môi trường, thực phẩm, an toàn vệ sinh lao động và những vấn đề khác. Bên cạnh công tác kiểm tra, giám sát CBL, BCĐ 389 tỉnh đã biết phát huy vai trò của mặt trận và các đoàn thể, vận dụng một cách sáng tạo tư tưởng “lấy dân làm gốc” thông qua cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Vận động nhân dân không tham gia hoặc tiếp tay cho buôn lậu. Tổ chức thực hiện thí điểm mô hình chuyển đổi nghề cho số người chuyên đi đai vác ở thị trấn Tịnh Biên (Tịnh biên). Từ mô hình thí điểm này, phần đông số người chuyên đai vác thuốc lá không còn tiếp tay cho buôn lậu, mà đã chuyển sang làm ăn lương thiện. “Trong vận động chuyển đổi nghề, chúng tôi đã phát huy vai trò của các trưởng khóm, ấp; vai trò của các sư sãi, à cha; các chức sắc tôn giáo trong việc góp thêm tiếng nói, vận động đối tượng chuyên đi đai vác, chuyển đổi ngành, nghề. Chính điều này đã giúp có trên 80% số hộ không còn đi đai vác như trước…”- ông Ngô Thanh Dũng, Chủ tịch UBMTTQVN thị trấn Tịnh Biên (Tịnh Biên) thông tin.

An Giang tiêu hủy số thuốc lá không đủ phẩm chất để tái xuất

Những năm qua, để công tác đấu tranh CBL, GLTM&HG có hiệu quả, 4 lực lượng tham gia làm nhiệm vụ CBL đã cùng nhau ký nhiều văn bản liên tịch. Chính sự phối hợp này đã giúp việc tham gia đánh điểm, xác lập chuyên án được thuận lợi, thời gian trinh sát, phá án nhanh hơn. “CBL không có vùng cấm. Từ lãnh đạo đầu ngành đến lực lượng trong các binh chủng, ai “nhúng chàm” sẽ bị xử lý nghiêm minh, đúng người, đúng tội. Tôi cho đây là phát ngôn rất khẳng khái, minh bạch, thể hiện sự quyết tâm. Không xem buôn lậu là nguồn thu cho ngân sách, điều này thể hiện tính dứt khoát trong công tác chỉ đạo, điều hành…” - ông Võ Minh Tân (cán bộ hưu trí xã Khánh An, An Phú) bày tỏ suy nghĩ.

Để quản lý tốt đối tượng cầm đầu các đường dây buôn lậu, số người chuyên đi đai vác ở khu vực biên giới, thời gian qua, các cơ quan chức năng đã hình thành hệ thống cơ sở dữ liệu số, phục vụ nhanh công tác điều tra, truy tố, phá án. Bên cạnh đó, BCĐ 389 tỉnh đã chủ động đề xuất, đưa ra xét xử các đối tượng buôn lậu, số cán bộ tiếp tay cho buôn lậu; đồng thời chủ động đề xuất với BCĐ 389 quốc gia về cơ chế, chính sách, những quy định còn bất cập để đưa công tác đấu tranh CBL ngày càng hiệu quả hơn. Với những suy nghĩ sáng tạo, cách làm táo bạo, công tác đấu tranh CBL, GLTM&HG đã tạo được sự đồng thuận trong quần chúng nhân dân, góp phần giảm bớt thiệt hại cho nền kinh tế do buôn lậu gây ra. Kết quả năm 2018, trên lĩnh vực CBL, các lực lượng chức năng trong tỉnh đã kiểm tra, phát hiện vi phạm trên 2.000 vụ mua bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu. Tổng trị giá hàng hóa bắt giữ trên 60 tỷ đồng.Tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính và bán hàng hóa tịch thu trên 20 tỷ đồng. Kết quả này một lần nữa đã chứng minh, thể hiện sự quyết tâm trong công tác đấu tranh CBL, GLTM&HG của BCĐ 389 tỉnh An Giang trong năm qua.

“Xác định công tác CBL, GLTM&HG là nhiệm vụ khó khăn, lâu dài và đầy thách thức, đòi hỏi các lực lượng chức năng phải thận trọng, quyết tâm và  sáng tạo mới hoàn thành nhiệm vụ. Phải mới mẽ trong suy nghĩ, sáng tạo trong cách làm, nhịp nhàng trong phối hợp. Với vai trò là người đứng đầu của đơn vị, các đồng chí lãnh đạo phải nêu gương. Nêu gương trong suy nghĩ, hành động, lối sống. Phải tăng cường, đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, chiến sĩ” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng BCĐ 389 tỉnh Lê Văn Nưng nhắc nhở.

MINH HIỂN