Đấu tranh ngăn chặn tội phạm liên quan “tín dụng đen”

16/11/2022 - 06:27

 - Thời gian qua, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” được tập trung kiểm soát. Tuy nhiên, lại nổi lên tình trạng đòi nợ qua điện thoại, khủng bố tinh thần... Vì vậy, nếu các cơ quan chức năng buông lỏng hoạt động quản lý, phòng ngừa, đấu tranh thì hoạt động “tín dụng đen” vẫn diễn biến phức tạp, với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi.

Thực trạng tình hình

Tình trạng treo bảng quảng cáo, phát, dán tờ rơi liên quan đến hoạt động cho vay tại nơi công cộng, trụ điện, trên tường, Internet và mạng xã hội giảm. Các đối tượng chuyển sang hoạt động cầm chừng, núp bóng, lén lút, hoạt động lưu động, không có cơ sở, địa điểm cụ thể. Đặc biệt, xuất hiện các đối tượng thiết lập nhiều ứng dụng trên điện thoại để quảng bá cho vay, với nhiều phương thức, thủ đoạn mới. Nhất là tình trạng cho vay trực tuyến, vay qua ứng dụng điện thoại (theo thống kê của Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, phát hiện 91 ứng dụng cho vay trên không gian mạng, nhưng chưa rõ đối tượng)...

Bóc gỡ quảng cáo liên quan hoạt động “tín dụng đen”

Công an tỉnh An Giang cho biết, hiện nay, trên địa bàn tỉnh đang nổi lên tình trạng đòi nợ qua điện thoại, mạng xã hội theo kiểu đe dọa, khủng bố tinh thần. Trong khi người bị đòi nợ không có vay nợ, mà chỉ có mối quan hệ với người vay nợ, cá biệt có trường hợp người bị đòi nợ hoàn toàn không quen biết với người vay. Công an tỉnh đang thụ lý xác minh 17 vụ điện thoại, nhắn tin điện thoại đòi nợ kiểu đe dọa, khủng bố tinh thần. Hầu hết các số thuê bao đòi nợ đều là sim rác, không chính chủ, hoạt động với nhiều sim, nhiều đối tượng khác nhau gây khó khăn cho công tác điều tra, xác minh.

Đẩy mạnh phòng ngừa, đấu tranh

Công an tỉnh An Giang đã chủ động tham mưu cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, sức mạnh toàn dân tích cực tham gia phòng ngừa, tấn công trấn áp các loại tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen”. Đã tham mưu Ban Chỉ đạo 138 các cấp nhân rộng các mô hình, phong trào, câu lạc bộ phòng, chống tội phạm, mô hình xã hội hóa lắp camera an ninh, các mô hình tự quản. Tuyên truyền phương thức, thủ đoạn mới của tội phạm và phòng ngừa tệ nạn xã hội, kêu gọi nhân dân tự phòng tránh và tích cực tham gia tố giác tội phạm.

Ban Giám đốc Công an tỉnh An Giang xây dựng triển khai thực hiện các mô hình: Móc khóa an ninh trật tự (ANTT); đảm bảo ANTT địa bàn giáp ranh (Công an tỉnh An Giang - Công an TP. Cần Thơ); hệ thống quản lý thông tin phản ánh về ANTT (App phản ánh ANTT). Nâng tổng số toàn tỉnh có 58 mô hình, điển hình tiên tiến đang hoạt động. Ngoài ra, tổ chức 109 buổi hội nghị “Công an lắng nghe ý kiến nhân dân”, có 3.836 lượt cán bộ và nhân dân tham dự. Lực lượng cảnh sát hình sự phối hợp công an các đơn vị, địa phương kiểm tra 2.117 cơ sở kinh doanh có điều kiện về ANTT. Qua kiểm tra, phát hiện 234 cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ vi phạm các quy định điều kiện về ANTT; đã xử phạt vi phạm hành chính 431,5 triệu đồng.

Từ ngày 1/1/2021 đến 30/9/2022, Công an toàn tỉnh phát hiện xử lý 56 vụ, 74 đối tượng liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”; đã xử lý hình sự 4 vụ, 6 đối tượng về hành vi “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”; xử lý hành chính 33 vụ, 42 đối tượng, với tổng số tiền trên 401 triệu đồng; cho làm cam kết không tái phạm 19 vụ, 26 đối tượng.

Ngoài ra, đã lên danh sách quản lý 82 đối tượng và 11 cơ sở có biểu hiện nghi vấn hoạt động “tín dụng đen” để kịp thời phát hiện, đấu tranh, xử lý. Đồng thời, đã tham mưu UBND tỉnh ra quyết định thành lập Tổ công tác đặc biệt phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, tạo sự phối hợp đồng bộ trong công tác đấu tranh.

Diễn biến phức tạp, kiên quyết xử lý

Dự báo thời gian tới tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” vẫn còn diễn biến phức tạp, với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, như: Các đối tượng huy động vốn với lãi suất cao nhằm mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền rất lớn, dưới các hình thức huy động tài chính, kinh doanh đa cấp, tiền ảo, tham gia hụi... Đồng thời, sử dụng công nghệ cao để cho vay trực tuyến, thực hiện hành vi ở nhiều địa bàn hoặc thực hiện các hành vi phát tán hình ảnh, thông tin cá nhân nhằm bôi nhọ danh dự, nhân phẩm của người vay trên môi trường mạng.

Ngoài ra, các đối tượng, băng nhóm hoạt động “tín dụng đen” còn núp bóng bằng hình thức hình thành các công ty tư vấn đầu tư phát triển thương mại, công ty thương mại - dịch vụ, cơ sở kinh doanh, cầm đồ, cho vay dưới hình thức không cần nhiều thủ tục, chỉ cần thế chấp một số giấy tờ liên quan.

Lợi dụng khó khăn về kinh tế, sự nhẹ dạ, cả tin của một bộ phận người dân để dụ dỗ, lôi kéo cho vay vốn... với thủ tục đơn giản, không phải làm hợp đồng hay ghi chép vào sổ sách, chia nhỏ các khoản vay. Địa điểm giao dịch là những nơi công cộng để cho vay, thu nợ. Ngoài ra, các đối tượng này còn có thể móc nối, cấu kết với các nhóm đối tượng bảo kê, hoạt động liên tuyến, liên địa bàn để phô trương thanh thế, mở rộng địa bàn.

Để phòng ngừa, ngăn chặn hiệu quả tội phạm “tín dụng đen”, thời gian tới, lực lượng công an tăng cường các biện pháp phòng ngừa; tuyên truyền các phương thức, tác hại của "tín dụng đen" để người dân nâng cao cảnh giác.

Đồng thời, tăng cường kiểm tra hành chính các cơ sở, doanh nghiệp có liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Các cơ quan chức năng tăng cường quản lý hoạt động của các tổ chức, cá nhân hoạt động tín dụng núp dưới vỏ bọc “công ty, cửa hàng hỗ trợ tài chính”… góp phần đảm bảo ANTT trên địa bàn.

HẠNH CHÂU

 

Liên kết hữu ích