Lãnh đạo các xã, phường thường xuyên thăm đồng, tìm hiểu thực tế sản xuất
Hưởng ứng chủ trương của UBND TX. Tân Châu (tỉnh An Giang) và ngành nông nghiệp tỉnh, nông dân trên địa bàn một lần nữa cùng nhau “kề vai, sát cánh”, liên kết “chiều dọc lẫn chiều ngang”, tìm cách giảm chi phí, hạ giá thành sản xuất, thích ứng an toàn trước biến động về giá cả. Việc làm này, một mặt đáp ứng được định hướng, chủ trương của Đảng, nhà nước, chính quyền địa phương; mặt khác giúp nông dân thích ứng trước những biến động của thị trường trong quá trình sản xuất.
“Liên kết mà chúng tôi đang và sẽ tiếp tục thực hiện là liên kết từ đầu vào đến đầu ra, từ chiều dọc lẫn chiều ngang…” - ông Trần Văn Lựa (thành viên Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Vĩnh Tường, xã Châu Phong, TX. Tân Châu) chia sẻ.
HTX nông nghiệp Vĩnh Tường là một trong những HTX đi đầu, liên kết với Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời, thực hiện mô hình liên kết bao tiêu lợi nhuận theo hướng liên kết nâng cao so với truyền thống. Ở liên kết này, nông dân hùn đất và nhân lực, đồng thời tổ chức sản xuất theo yêu cầu của Tập đoàn Lộc Trời và lợi nhuận sau mỗi mùa vụ được Tập đoàn Lộc Trời bao tiêu.
Cụ thể, trong vụ đông xuân, trên diện tích 130ha liên kết, khi bắt đầu xuống giống, nông dân biết mình lời trong vụ này là 2 triệu đồng/công, vụ thu đông 1,3 triệu đồng/công. Giống lúa sản xuất là giống Jasmines. Theo thỏa thuận giữa 2 bên, khi nông dân sản xuất đạt sản lượng 75 tấn/ha (vụ đông xuân), nông dân lời được 20 triệu đồng/ha.
“Nếu theo kiểu truyền thống, Tập đoàn Lộc Trời cung cấp giống, vật tư nông nghiệp, tư vấn, hướng dẫn kỹ thuật; sau khi lúa chín, 2 bên thỏa thuận giá mua, nông dân giao sản phẩm cho doanh nghiệp… thì ở liên kết nâng cao, Tập đoàn Lộc Trời bao luôn lợi nhuận. Đây là tính ưu việt của mô hình liên kết nâng cao” - ông Phạm Văn Hải (Phó Trưởng phòng Kinh tế TX. Tân Châu) chia sẻ.
Không chỉ nông dân xã Châu Phong, mà nông dân ở các địa phương khác, như: Tân Thạnh, Tân An, Phú Lộc, Vĩnh Hòa hay Lê Chánh cũng nhanh chóng vận động nhau làm ăn hợp tác, liên kết sản xuất. Mô hình liên kết dễ nhận thấy đó là tổ hợp tác, HTX nông nghiệp, qua mô hình liên kết kiểu truyền thống… Tất cả mô hình này đang mang lại hiệu quả rất tốt, thu hút nhiều nông dân cùng tham gia. Chính từ đó, những nông dân chưa làm ăn hợp tác nhanh chóng tìm người cùng ngành nghề sản xuất, cùng sở thích, có đất địa bàn giáp ranh để tiến hành thành lập tổ hợp tác hoặc HTX.
“Thực tế cho thấy, trong sản xuất nông nghiệp, nếu đi 1 mình sẽ rất khó thành công. Còn nhiều người cùng đi thì rất dễ thành công. Lấy ví dụ, ở đây chúng tôi có mô hình “mua chung, bán chung”. Ở mô hình này, trong đàm phán cung cấp vật tư nông nghiệp đầu vào (từ doanh nghiệp bên ngoài vào HTX), nông dân mua phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, cây giống và nhiều loại vật tư nông nghiệp khác đều có giá tốt hơn so với mua lẻ tại địa phương. Đây là một trong nhiều lợi thế của HTX mà chúng tôi đang là thành viên… ” - ông Trần Văn Chiến (thành viên HTX nông nghiệp Tân Phú A1, xã Tân Thạnh) chia sẻ.
Đẩy mạnh liên kết để giảm giá thành sản xuất, chỉ tính riêng vụ đông xuân vừa qua, nông dân trong các HTX đã giảm được giá thành sản xuất từ 200-250 đồng/kg lúa (so với nông dân sản xuất bên ngoài). Cụ thể, thành viên HTX nông nghiệp Tân Phú A1 (xã Tân Thạnh) sử dụng các dịch vụ, vật tư nông nghiệp do HTX cung ứng. Theo đó, thành viên được giảm từ 15.000-20.000 đồng/bao phân. Ngoài dịch vụ vật tư nông nghiệp, các dịch vụ khác, như: Làm đất, thu hoạch, phun xịt thuốc bảo vệ thực vật… thành viên HTX sẽ được hưởng thêm nhiều lợi ích thiết thực.
Trước hiệu quả của quá trình liên kết sản xuất lúa, năm 2021, chính quyền địa phương đã vận động nông dân sản xuất cây ăn trái, đi vào con đường làm ăn hợp tác và HTX cây ăn trái Vĩnh Xương - Phú Lộc ra đời. Tính đến thời điểm này, TX. Tân Châu hình thành được 17 HTX nông nghiệp và gần 100 tổ hợp tác. Con số này chứng minh rằng, liên kết trong sản xuất đã và đang phát huy hiệu quả cao.
“Chủ trương chung của thị xã đối với phong trào kinh tế hợp tác là phấn đấu mỗi năm thành lập mới 1-2 HTX nông nghiệp. Đồng thời, tiếp tục vận động nông dân làm ăn hợp tác thông qua 3 cấp độ liên kết, theo kiểu truyền thống, nâng cao, tiến tới bao giống, vật tư nông nghiệp, bao lợi nhuận như các địa phương khác trong tỉnh đã làm. Thực tế chứng minh, chỉ có con đường làm ăn hợp tác, liên kết từ chiều dọc đến chiều ngang thì sản xuất nông nghiệp mới phát triển bền vững, nông dân có cuộc sống tốt hơn” - Phó Chủ tịch UBND TX. Tân Châu Đặng Văn Nê chia sẻ.
MINH HIỂN